Nhiễm trùng nặng bàn chân vì… mang dép kẹp
(PetroTimes) - Bệnh nhân nữ, 53 tuổi đến khi bị nhiễm trùng bàn chân trái rất nặng do đi dép kẹp thì mới biết mình bị bệnh đái tháo đường.
Tài xế bị bệnh tiểu đường suýt mất mạng vì… quên ăn sáng |
Nguy cơ mù lòa do đái tháo đường: Không thể làm ngơ! |
Cứ 8 người có một người đái tháo đường |
Đó là trường hợp của bà H.T.S, sinh năm 1966, ở Trà Vinh. Bệnh nhân làm giúp việc và rửa chén đĩa tại một quán ăn ở địa phương. Cách nhập viện khoảng 3 ngày, bệnh nhân thấy kẽ ngón I-II bàn chân trái chảy dịch nhưng chỉ nghĩ là do nước đọng. Tuy nhiên, dịch càng xuất hiện nhiều hơn kèm theo tình trạng sưng đỏ bàn chân trái và sốt lạnh run. Bệnh nhân không có tiền sử đái tháo đường trước đó. Bệnh nhân nhập viện bệnh viện địa phương và được chuyển viện đến Bệnh viện Nhân dân 115.
Qua thăm khám bệnh nhân, bác sĩ Khoa Nội tiết Bệnh viện Nhân dân 115 nhận thấy: Bàn chân trái bệnh nhân bị sưng đỏ toàn bộ, ở mặt lòng ngón I có nhiều dịch chảy ra. Đặc biệt, trên cả hai bàn chân có in dấu vết của quai dép và kẽ ngón I-II chân trái chảy dịch cũng là vị trí quai xỏ của dép ở bàn chân.
Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng bàn chân trái mức độ năng - Đái tháo đường típ 2 mới phát hiện.
Bệnh nhân được điều trị tích cực bằng việc kiểm soát đường huyết bằng insulin; rạch tháo dẫn lưu mủ, cắt lọc mô hoại tử bàn chân trái ngay. Sau đó thay băng tích cực mỗi ngày; dùng kháng sinh phổ rộng, liều cao.
Sau gần 3 tuần điều trị tích cực, tình trạng nhiễm trùng đã cải thiện, vết thương bắt đầu lên mô hạt và có dấu hiệu lành và vừa qua đã được xuất viện.
Đây là trường hợp tình cờ phát hiện đái tháo đường liên quan xuất hiện biến chứng trầm trọng của bệnh (nhiễm trùng bàn chân).
Ths. BS Võ Tuấn Khoa - Khoa Nội tiết Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, các yếu tố thúc đẩy bệnh nhân bị nhiễm trùng bàn chân bao gồm: Đường huyết rất cao khi phát hiện, bệnh nhân mang giày dép không phù hợp, gây sang chấn bàn chân; bệnh nhân làm việc trong môi trường ẩm ướt thường xuyên, có thể có chất ăn mòn da (như công việc rửa chén đĩa).
Qua trường hợp trên trên, Ths. BS Võ Tuấn Khoa khuyến cáo, bệnh đái tháo đường (chủ yếu là đái tháo đường típ 2) thường không có triệu chứng gì gợi ý và có thể được phát hiện chậm trễ khi đã có biến chứng của bệnh rồi. Do vậy, người dân nên tầm soát phát hiện sớm đái tháo đường khi tuổi từ 45 trở lên và nhất là khi có một số các yếu tố nguy cơ như gia đình trực hệ có người bị đái tháo đường, bản thân đã từng đái tháo đường thai kỳ hay sanh con trên 4 kg hoặc thừa cân/béo phì, tăng huyết áp…
Đối với bệnh nhân đái tháo đường, việc mang dép xỏ quai (còn gọi là dép kẹp) có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng bàn chân do dép không che phủ toàn bộ mu bàn chân nên ít khả năng bảo vệ được vùng da chân khi sang chấn, ngoài ra chỗ tiếp xúc giữa quai xỏ và kẽ ngón chân I-II lâu ngày có thể bị trầy và đọng nước tạo điều kiện cho nhiễm trùng xuất hiện.
Mai Phương