Nord Stream 2: Đức không nhân nhượng trước yêu cầu của Mỹ
(PetroTimes) - “Đức sẽ không bị ảnh hưởng bởi những lời đe dọa” – Bộ trưởng Bộ Kinh tế Peter Altmaier phản ứng trước việc Mỹ gây sức ép với châu Âu về dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2).
Ngày 12/2, tiếp đón Thứ trưởng Năng lượng Mỹ Dan Brouillette tại Hội nghị Đức-Mỹ về thị trường nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG), ông Altmaier cho biết Cộng hòa Liên bang Đức “không hề thỏa thuận” với Hoa Kỳ trong việc nhập khẩu LNG nhằm đổi lấy sự nhượng bộ của Washington đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2.
Trước đó, Chính quyền Trump đã liên tục đe dọa sẽ trừng phạt kinh tế các bên liên quan đến dự án. Từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump luôn chỉ trích Đức về thâm hụt thương mại Mỹ-Đức và khoản chi tiêu ít ỏi cho quốc phòng.
Đường ống phục vụ dự án Dòng chảy phương Bắc 2 |
Hồi tháng 10/2018, phát ngôn viên của bà Merkel khẳng định rằng “việc xây dựng đường ống dẫn LNG sẽ được thực hiện một cách độc lập khỏi áp lực từ Mỹ”. Ngoài ra, kể cả khi Đức xích lại gần Mỹ trong việc nhập khẩu LNG thì giá bên Hoa Kỳ đưa ra vẫn còn quá cao để cạnh tranh với khí đốt của Nga ở thị trường châu Âu.
Hôm 8/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết: “Trong tương lai, chúng tôi sẽ cần đến khí hóa lỏng, các đường ống dẫn LNG có thể được xây dựng tại Đức. Berlin mong muốn sự đa dạng trong cơ cấu năng lượng. Nga không phải là đối tác duy nhất của Đức”.
Ông Altmaier tiếp lời Thủ tướng Merkel hôm 11/2: “LNG sẽ giúp Đức xuất khẩu khí đốt sang nhiều thị trường khác và củng cố nền an ninh năng lượng”. Nhưng giá cả đang là khúc mắc giữa 2 quốc gia đồng minh này. “LNG phải được (Mỹ) xem xét ở một mức giá cạnh tranh” – ông giải thích.
Về phía Mỹ, đặt chân vào thị trường khí đốt châu Âu là một sự đáp trả mạnh mẽ trước ảnh hưởng của Chính quyền Putin trong khu vực. Nord Stream 2 dự tính đi vào hoạt động vào năm 2020, ước tính sẽ làm tăng gấp đôi sản lượng khai thác của Nord Stream 1. Dự án nhắm đến việc vận chuyển trực tiếp khí đốt từ Liên bang Nga vào EU thông qua biển Baltic mà không phải thông qua Ukraina.
Phía Nhà Trắng cho rằng dự án này làm suy yếu khối châu Âu trước Moscow và phản bội Ukraina dù trước đó bà Merkel đã cam kết bảo vệ lợi ích của Kiev. “Chúng tôi không có ý phản đối việc Nga cung cấp khí đốt cho EU nhưng chúng tôi quan ngại việc các đồng minh ở EU đang quá phụ thuộc vào khí đốt từ Nga” – Đại sứ Hoa Kỳ tại Đức Richard Allen Grenell nói với tờ Welt am Sonntag. Theo Đại sứ, 16 trên 28 quốc gia thành viên của EU cũng chia sẻ mối lo ngại này.
Mặc cho sự bất tương đồng quan điểm, 28 thành viên của EU vẫn tìm được tiếng nói chung về việc kiểm soát tốt hơn thị trường khí đốt thông qua những thay đổi chính sách nhằm củng cố hoạt động của Nord Stream 2.
Mỹ hứa với Ukraine sẽ chống dự án Dòng chảy Phương Bắc-2 |
Ông trùm khí đốt Nga đáp trả lời đe dọa của Mỹ về Dòng chảy phương Bắc-2 |
Bà Merkel tới Ukraine để nói về chiến tranh và khí đốt |
Th.Long