Ai đang giúp Tổng thống Maduro?
(PetroTimes) - Bất chấp mọi sóng gió đến từ phe đối lập có sự giúp đỡ từ phía Mỹ và các đồng minh, chính quyền Tổng thống Venezuela vẫn đứng vững trong thời gian qua. Ngoài chỗ dựa chính là quân đội, chính quyền ông Nicolas Maduro còn được nhận được sự bênh vực rất lớn từ các cường quốc thế giới và khu vực, trong đó đáng kể là Nga và Trung Quốc.
Từ lâu, quân đội luôn là chỗ dựa vững như bàn thạch của cả chính quyền cố Tổng thống Hugo Chavez lẫn người kế nhiệm Maduro. Đây là yếu tố đang được chính quyền Tổng thống tự phong Juan Guaido khai thác nhằm lật đổ chính quyền dân cử của ông Maduro. Chính quyền Mỹ cũng đang tìm cách lung lạc giới chức quân đội Venezuela. Hãng tin Reuters, ngày 8/2, dẫn lời một quan chức cấp cao Nhà Trắng tiết lộ Mỹ đang có liên lạc trực tiếp với các thành viên quân đội Venezuela để thúc giục họ từ bỏ Tổng thống Nicolas Maduro. Theo quan chức xin giấu tên được Reuters trích dẫn, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hy vọng là sẽ có thêm nhiều quân nhân rời bỏ hàng ngũ của Tổng thống Maduro. Cho đến nay, chỉ có một vài sĩ quan quân đội Venezuela làm điều này kể từ khi lãnh đạo đối lập Venezuela Juan Guaido tuyên bố làm tổng thống lâm thời và được Mỹ cùng hàng chục quốc gia khác công nhận. Đối với quan chức Nhà Trắng được Reuters phỏng vấn, cho dù còn ít ỏi, nhưng những trường hợp rời bỏ hàng ngũ Maduro như kể trên là “những viên sỏi đầu tiên trước khi chúng ta bắt đầu thực sự nhìn thấy những tảng đá lớn hơn lăn xuống chân đồi”.
Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro |
Theo nhân vật này, Mỹ đã tiến hành những cuộc trò chuyện với các thành viên quân đội Venezuela, “mặc dù những cuộc trò chuyện đó rất hạn chế". Quan chức Mỹ tuy nhiên không cho biết thông tin chi tiết và cấp bậc của các quân nhân Venezuela được tiếp cận. Theo Reuters, cho đến giờ này, chưa thể biết được là liệu những cuộc tiếp xúc đó có thành công hay không trong việc chia rẽ quân đội Venezuela, vốn là chỗ dựa chính cho phép ông Nicolas Maduro duy trì quyền lực.
Giờ thì bất cứ một động thái nhỏ nào từ phía quân đội Venezuela cũng được truyền thông phương Tây đưa tin tối đa nhằm tạo hiệu ứng lung lạc những người ở lại. Ngày 10/2, trong video đăng trên kênh MS2 Noticias của Youtube, một người đàn ông mặc đồng phục tự giới thiệu là thượng tá Jiménez đã bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Juan Guaido và công nhận ông này là tổng thống lâm thời của đất nước, chỉ huy tối cao của lực lượng vũ trang Venezuela. Trước đó, người đứng đầu Ban hoạch định chiến lược của Bộ Tư lệnh Không quân Venezuela, Tướng Francisco Esteban Janes Rodriguez cũng ủng lộ lãnh đạo phe đối lập Venezuela. Sau đó, vị sĩ quan này bị khai trừ khỏi quân đội và hành động của ông này bị coi là phản bội.
Cho đến nay, quân đội vẫn khẳng định ông Nicolas Maduro là tổng thống hợp pháp của Venezuela, cho rằng việc lãnh đạo đối lập Juan Guaido tuyên bố nhận chức vụ tổng thống là một “vụ đảo chính”. Dưới thời cố Tổng thống Hugo Chavez (1999-2013), vốn là cựu quân nhân, giới quân sự chiếm 25% trong bộ máy chính quyền. Đến thời ông Maduro, tỉ lệ này lên đến 43% vào năm 2017, sau đó lại xuống còn 26%. Trong số 32 bộ trưởng của Venezuela, có đến 9 người là tướng tá. Họ nắm những bộ chính yếu như Quốc phòng, Nội vụ, Nông nghiệp và Thực phẩm. Các tướng lãnh cũng giám sát tập đoàn dầu khí quốc gia PDVSA, nơi mang lại đến 96% thu nhập cho đất nước, và kiểm soát bộ máy tình báo.
Chính quyền Mỹ vừa tìm cách lung lạc lực lượng quân đội Venezuela thân ông Maduro, vừa bắn đi tín hiệu là không loại trừ việc can thiệp quân sự vào quốc gia Nam Mỹ này. Ý định của Mỹ đã được tổng thống lâm thời Venezuela Juan Guaido gián tiếp tán đồng.
Đối với các nhà phân tích thì rất khó có thể đoán trước được lập trường của quân đội Venezuela vì Washington sắp tới sẽ nhắm vào một số tướng lãnh Venezuela, qua các biện pháp như cấm nhập cảnh vào Mỹ, đóng băng tài khoản; đe dọa sẽ tăng cường trừng phạt…
Trong lúc này, các cường quốc có quyền quyết định trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc và Nga, vẫn tiếp tục ủng hộ chính quyền Maduro một cách mạnh mẽ. Khoảng 20 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu bao gồm Anh, Đức, Pháp và Tây Ban Nha đã đứng về phía Mỹ công nhận Juan Guaido là tổng thống lâm thời của Venezuela và gây áp lực để Tổng thống Maduro thông báo một cuộc bầu cử mới. Khác với lập trường cứng rắn của Washington, EU và một nhóm các chính phủ Mỹ Latin thể hiện lập trường ôn hòa về Venezuela, kêu gọi đối thoại và bầu cử mới. Nhóm Liên lạc Quốc tế về Venezuela do EU hậu thuẫn trong cuộc họp khai mạc tại thủ đô Montevideo của Uruguay trong tuần trước nói sự can thiệp quá mạnh bạo có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một tuyên bố vào cuối ngày 8/2 rằng Trung Quốc ủng hộ những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết hòa bình vấn đề Venezuela và hi vọng tất cả các bên sẽ tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng. “Các vấn đề của Venezuela nên được giải quyết bởi người dân Venezuela trong khuôn khổ hiến pháp và luật pháp thông qua đối thoại hòa bình và các kênh chính trị. Chỉ bằng cách này Venezuela mới có thể đạt được sự ổn định lâu dài”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
Cũng trong ngày 8/2, Nga và Mỹ cùng đệ trình lên Hội đồng Bảo an LHQ hai dự thảo nghị quyết về Venezuela. Theo bản dự thảo nghị quyết của Mỹ, Washington "hoàn toàn ủng hộ" Quốc hội Venezuela trong tay phe đối lập. Dự thảo nghị quyết của Mỹ kêu gọi Tổng thư ký LHQ can thiệp, thúc đẩy chính quyền Caracas tổ chức bầu lại tổng thống, một cuộc tuyển cử "tự do, công bằng và đáng tin cậy". Nga cũng đã đệ trình lên Hội đồng Bảo an LHQ một bản dự thảo nghị quyết về Venezuela. Trong văn bản này, Moscow chỉ trích một số "âm mưu can thiệp vào công việc nội bộ" của Venezuela, "đe dọa tính độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ" của quốc gia này. Liên Hiệp Quốc chưa ấn định thời điểm biểu quyết các bản dự thảo nghị quyết nói trên.
Trước đó, ngày 26/1, Hội đồng Bảo an LHQ đã họp để thảo luận về tình hình ở Venezuela. Sau gần năm giờ đồng hồ kéo dài cuộc họp, Hội đồng Bảo an đã không đưa ra bất kỳ quyết định hay kết luận nào.
Khủng hoảng Venezuela còn gây chia rẽ trong nội bộ chính phủ của một số nước châu Âu, đặc biệt là Ý. Trong liên minh cầm quyền, đảng cực hữu Liên đoàn thì ngả theo lập trường của Brazil và Mỹ, muốn công nhận Juan Guaido làm tổng thống Venezuela. Trong khi đó, Phong trào 5 sao (cực tả) thì lại có lập trường giống như chính phủ Hy Lạp, tức là vẫn ủng hộ Tổng thống Maduro.
H.Phan