Ngành dầu mỏ Venezuela ra sao khi bị Mỹ cấm vận?
(PetroTimes) - Washington đã quyết định tung ra vũ khí hạng nặng để chống lại chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thông báo sẽ phong tỏa tất cả tài sản của tập đoàn dầu khí quốc doanh PDVSA, và mọi khoản tiền chi trả mua dầu từ nay sẽ chuyển vào một tài khoản được đóng băng. Số tiền mua dầu trong năm nay là khoảng 11 tỉ đô la, và tài sản của PDVSA tại Mỹ khoảng 7 tỉ đô la.
Tổng thống Maduro giận dữ tuyên bố quyết định của Mỹ là “bất hợp pháp, đơn phương, vô đạo đức, đáng lên án”, là “lời kêu gọi thẳng thừng làm đảo chính”. Về phía Tổng thống tự phong Juan Guaido thông báo sẽ bổ nhiệm một ban giám đốc mới cho tập đoàn dầu khí.
Theo Le Figaro, PDVSA đang bị rất nhiều vụ tai tiếng tham nhũng, và hiện đang có cuộc điều tra ở Andorre về vụ biển thủ 2 tỉ đô la.
Venezuela là nhà cung cấp dầu lửa thứ ba cho Mỹ. Công ty Citgo của Venezuela sở hữu ba nhà máy lọc dầu: Lake Charles và Lemont ở Texas, Corpus Christi ở Louisiana. Mỗi ngày các nhà máy này lọc được 750.000 thùng dầu, trong đó phân nửa là từ Venezuela, gồm toàn dầu nặng, cần phải có kỹ năng và thiết bị đặc biệt để lọc. Citgo cũng có 14.885 trạm xăng trên lãnh thổ Mỹ.
Hồi năm 1986, PDVSA quyết định mua lại 50% mạng lưới phân phối này, vốn là chi nhánh mang lại lợi nhuận nhiều nhất. Đầu tư vào mạng lưới xăng dầu ở Mỹ, PDVSA muốn nắm toàn bộ các khâu từ sản xuất đến phân phối. Vào thời đó, Mỹ đã là khách hàng chính của Venezuela, nhập khẩu 30% sản lượng. Một phần dầu lọc tại Mỹ lại được nhập về Venezuela, vì năng lực lọc dầu trong nước rất yếu do không được đầu tư.
Vốn của Citgo được dùng để bảo đảm cho món vay 11 tỉ đô la từ Nga. Mayela Rivero, cựu nhân viên PDVSA giải thích: “Mỹ là một trong những thị trường cuối cùng trả tiền dầu sòng phẳng cho Venezuela”.
Rivero cho biết: “Mỗi ngày, 350.000 thùng dầu được chuyển đi gần như miễn phí. Có 300.000 thùng để trả nợ cho Nga và Trung Quốc, và 50.000 thùng cho Cuba với giá rẻ. Chỉ có 300.000 đến 500.000 thùng bán cho Mỹ là được chi trả theo giá thị trường thế giới”.
Theo Rivero, quyết định mới đây của Washington sẽ mang lại hậu quả nghiêm trọng, vì như vậy dầu lửa Venezuela xuất đi gần như không thu lại được xu nào. Thiếu tiền, khủng hoảng nhân đạo càng thêm nặng nề. Chính phủ không thể xử lý dầu để bán cho dân, và người dân không chỉ thiếu ăn mà còn không thể di chuyển.
Ông Nicolas Maduro thông báo từ nay dầu lửa trên các tàu ở cảng Venezuela sẽ phải trả tiền trước. Nhưng ông Rivero nhận định, rất khó chuyển 4 triệu thùng dầu định xuất cho Mỹ sang hướng khác. Trước hết, khách hàng mới phải là những nước không buôn bán với Mỹ, thứ đến, giá dầu Venezuela cạnh tranh được nhờ phí vận chuyển sang Mỹ thấp, còn nếu xuất sang Trung Quốc sẽ đắt hơn nhiều. Cuối cùng, như trên đã nói, vì là dầu nặng, cần có thiết bị và năng lực đặc thù để xử lý.
Đối với nhà phân tích chính trị Luis Vicente Leon, “chính quyền Mỹ muốn đánh vào nền kinh tế Venezuela để khiến chính phủ Nicolas Maduro phải nghiêng ngã. Nhưng nạn nhân chính sẽ là người dân”.
Nhật báo Libération gọi đây là vụ bóp nghẹt Venezuela về kinh tế, có nguy cơ làm 32 triệu dân nước này thêm đói kém. Tờ báo giải thích vì sao Mỹ là đối tác truyền thống của Venezuela về dầu lửa. Trước hết do gần gũi về địa lý: dầu được đưa một cách dễ dàng từ dòng sông chính Orénoque của Venezuela đi qua biển Caribê và vịnh Mexico, đến các nhà máy lọc dầu ở Texas hay Louisiana. Thứ hai, dầu nặng của Venezuela cần phải pha loãng với dầu nhẹ mà nước này không có. Trong thế kỷ 20, Caracas không tìm cách tự lọc dầu, vì lý do kỹ thuật đã đành, nhưng chủ yếu muốn để các công ty ngoại quốc hoạt động trong lãnh vực này, và họ giao nộp một phần lợi tức vào ngân sách nhà nước.
Dầu lửa từ Venezuela chiếm 9% lượng dầu nhập khẩu của Mỹ, và nay chỉ còn 3%, Mỹ có thể dễ dàng tìm nguồn khác. Thế nên ông Donald Trump có thể xuống tay thẳng thừng với Caracas.
Libération kết luận, gọng kềm đang siết chặt xung quanh ông Maduro vào lúc những cuộc biểu tình mới sắp diễn ra theo lời kêu gọi của đối lập, làm hai đối tác chính của Venezuela hết sức lo sợ. Trung Quốc và Nga đã cho Venezuela vay nhiều tỉ USD, sợ rằng sẽ chẳng bao giờ thấy lại được những đồng đô la của mình.
Những sự kiện dồn dập diễn ra tại Venezuela vào lúc kinh tế Trung Quốc đang lao đao vì cuộc chiến thương mại với Mỹ, và diễn biến trong những tuần lễ sắp tới mang tính quyết định cho quan hệ song phương Bắc Kinh – Caracas.
Ngày 31/1, bản tin đăng trên trang web của Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết Mỹ có thể nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với PDVSA nếu chuyển giao quyền kiểm soát công ty cho lãnh đạo phe đối lập Venezuela Juan Guaido.
Lý do dân Venezuela thiếu đói dù sống trên biển "vàng đen" |
Mỹ cấm vận tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela |
Nước nào đang bảo vệ và chống Venezuela? |
S.Phương