Có thể uống bia để “giải độc” rượu hay không?
(PetroTimes) - Vừa qua, báo chí đưa tin về việc đội ngũ bác sĩ Khoa Hồi sức chống độc Bệnh viện đa khoa Quảng Trị đã truyền 15 lon bia vào dạ dày bệnh nhân ngộ độc methanol và đã cứu sống được bệnh nhân. Việc này, khiến nhiều người dân thắc mắc rằng, liệu có thể uống bia để giải rượu trong trường hợp say rượu hay không?
Đừng để tết buồn vì rượu! |
Những bài học về rượu “siêu rẻ” |
Cơ sở bán rượu chứa methanol có bị truy tố hình sự? |
Về vấn đề này, ThS.BS Khâu Minh Tuấn - Phó khoa Cấp cứu tổng hợp, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, rượu bia mà chúng ta uống hằng ngày được lên men từ ngũ cốc là rượu ethanol. Trong khi đó, rượu giả, methanol, là rượu đơn, nhẹ, dễ bay hơi, không màu, dễ cháy với một mùi đặc trưng rất giống rượu ethanol. Methanol còn được gọi là rượu gỗ (lên men từ gỗ) vì được tạo ra bằng cách chiết xuất qua phân hủy gỗ. Nó được dùng làm dung môi hòa tan cho các sản phẩm công nghiệp và dân dụng, chẳng hạn để pha chế sơn. Rượu methanol tuyệt đối không được sử dụng trong thực phẩm, tuy nhiên, do hám lời, một số người pha chế methanol vào rượu ethanol để bán, gây ngộ độc cho người uống phải.
Ảnh minh họa |
Rượu ethanol mà chúng ta thường uống chủ yếu được phân hủy tại gan bởi men ADH, sau đó nhanh chóng được phân hủy thành CO2 và nước rồi đào thải ra ngoài. Do đó nếu uống một lượng ethanol (bia rượu) hằng ngày ở một mức độ vừa phải thì ít có khả năng gây ngộ độc cấp tính.
Rượu methanol ngoài tác động gây độc, ức chế hệ thần kinh như ethanol, khi phân hủy nó còn sinh ra formaldehyde, có thể làm hủy hoại thần kinh mắt gây mù và acid formic, formate gây toan chuyển hóa, giảm oxy máu và các rối loạn khác làm cho bệnh nhân nhanh chóng hôn mê dẫn tới tử vong. Tuy nhiên, ngộ độc methanol diễn tiến chậm vì nó cần thời gian chuyển hóa thành các chất gây độc nêu trên.
Kể cả ethanol (rượu uống được) và methanol (không uống được) đều có thể gây độc và gây chết người nhưng methanol nguy hiểm hơn nhiều.
Một vài nghiên cứu cho thấy trong cùng một thời điểm, ethanol có thể ức chế methanol. Trong “Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí ngộ độc” của Bộ Y tế Việt Nam năm 2015, trang 180 có đề cập và chỉ định dùng ethanol truyền dạ dày trong xử trí cấp cứu ngộ độc methanol nhưng chỉ đề cập “rượu mạnh”. Sử dụng bia để truyền cho bệnh nhân thay ethanol nguyên chất chỉ là biện pháp “túng thế tùng quyền”.
ThS.BS Khâu Minh Tuấn |
Tại Mỹ, việc sử dụng ethanol trong cấp cứu ngộ độc methanol đã được sử dụng cách đây hơn nửa thế kỷ nhưng chưa được FDA chấp nhận do chưa đủ chứng cứ, hơn nữa nó là rượu và có tác hại chứ không phải hoàn toàn an toàn. Nếu tai biến xảy ra thì lợi bất cập hại!
Cũng theo ThS.BS Khâu Minh Tuấn, nói dùng bia truyền để cứu sống bệnh nhân ngộ độc methanol là một cách nói quá, nó chỉ là một bước trong quá trình cấp cứu, quan trọng nhất vẫn là hồi sức, giữ được các dấu hiệu sinh tồn ổn định như hô hấp, tuần hoàn và chống toan chuyển hóa, quan trọng nhất vẫn là lọc máu để loại trừ chất độc. Vì vậy, người dân không nên uống bia để giải độc rượu vì có thể làm tăng tình trạng ngộ độc ethanol.
Mai Phương