Pháp kêu gọi doanh nghiệp chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất
(PetroTimes) - Sau khi Quốc hội Anh bác bỏ dự thảo hiệp định Brexit, Pháp thông báo kế hoạch khẩn cấp để bảo vệ quyền lợi quốc gia và kiều dân ở hai nước cũng như tăng cường các biện pháp hải quan theo hướng giới hạn thiệt hại cho ngoại thương.
Các dân biểu Anh ngày 29/1 sẽ bỏ phiếu thông qua hàng loạt biện pháp sửa đổi để tránh kịch bản “Brexit không thỏa thuận”, thậm chí có thể lui thời hạn nước Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) nếu không một thỏa thuận nào được các bên chấp nhận. Trong khi đó, tại Pháp, chính phủ kêu gọi giới doanh nghiệp chuẩn bị đối phó với khả năng Anh ra khỏi EU mà không có thỏa thuận.
Ngày 25/1, Bộ Kinh Tế Pháp đã mời đại diện nhiều tổ chức ngành nghề đến trao đổi. Quốc vụ khanh phụ trách kinh tế Agnès Pannier-Runacher lưu ý các doanh nghiệp phải xác định hệ quả của Brexit đối với hoạt động của họ, và có biện pháp đối phó thích hợp.
Bộ Kinh Tế Pháp thiết lập ba hòm thư điện tử để nhận câu hỏi về Brexit của các doanh nghiệp. Chính phủ Pháp cũng khuyến khích các Liên đoàn ngành nghề lưu ý các doanh nghiệp thành viên. Alban Maggiar, đại diện cho Liên đoàn các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoan nghênh biện pháp của chính phủ, đồng thời đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp. Chẳng hạn đăng ký nhãn hiệu, thiết kế với cơ quan chức năng ở Anh, nhanh chóng dự báo tình hình, xác định biện pháp giải quyết và lịch trình thực hiện giải pháp.
Cũng theo ông Alban Maggiar, đa phần các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp vẫn nghĩ rằng nước Anh sẽ đạt được một thỏa thuận Brexit, nên họ chưa thực sự sẵn sàng đối đầu với khả năng Brexit không thỏa thuận. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ thậm chí còn không biết rằng họ sẽ bị tác động vì nghĩ nước Anh không liên quan trực tiếp tới họ.
Trước đó, một ngày sau khi quốc hội Anh bác bỏ kế hoạch Brexit của Thủ tướng May, chính phủ Pháp khẩn cấp ban hành “kế hoạch Brexit không hiệp định” khi nhận thấy xác suất ly thân Anh -Liên minh châu Âu trong tình hữu hảo gần như quá thấp.
Cụ thể, để có thể giới hạn thiệt hại kinh tế quốc gia sau khi Anh ra đi không thỏa thuận, không những quyền lợi kiều dân Pháp tại Anh, 300 ngàn người, mà quy chế kiều dân Anh sống tại Pháp, 200 ngàn, phải được bảo vệ, không ai phải hồi hương hay bị kỳ thị. Một cách rộng lượng, chính phủ Pháp muốn duy trì thụ đắc xã hội, trợ cấp hồi hưu, thất nghiệp cho kiều dân Anh, cấp giấy định cư một năm sau khi họ bị mất quy chế công dân EU. Paris cũng hy vọng Luân Đôn đối xử công bằng với kiều dân Pháp.
Trước mối lo ngại xuất nhập khẩu bị tác động tiêu cực làm chậm hoặc giảm tiến độ trao đổi thương mại, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe ngày 17/1 nhấn mạnh đến kế hoạch yểm trợ cho 3.000 công ty đầu tư làm ăn tại Anh và 30.000 công ty xuất khẩu hàng hóa qua biển Manche.
Ác mộng của doanh nhân và của hải quan đôi bên là làm sao lượng hàng hóa hai nước tiếp tục lưu thông như 40 năm qua một khi hàng rào biên giới thiết lập lại. Cảng Boulogne-Calais sẽ nâng cấp một bãi đậu xe có sức tiếp đón cùng lúc 200 xe tải chờ khám xét thủ tục và một khu mới để kiểm dịch thú y.
Sẽ là ảo tưởng nếu cho rằng có thể tiếp tục thời vàng son tự do đi lại cho dù Pháp đã tính đến phương án làm thủ tục hải quan trên mạng. Biện pháp càng mới thì càng có phí tổn cao. Trong bước đầu, chính phủ Pháp dự chi 50 triệu euro để canh tân cơ sở và tuyển mộ 600 nhân viên hải quan, y tế để lưu thông hàng hóa không bị đình trệ.
Tuy nhiên, nếu Anh ly thân không thỏa thuận, thì lãnh vực ngư nghiệp giữa Anh và Pháp, trong biển Manche sẽ là một vấn nạn. Bởi vì trong 40 năm qua, ngư dân hai bờ eo biển Manche có quyền qua lại đánh bắt, đôi bên cùng có lợi nhưng ngư dân Pháp được ưu đãi hơn vì biển bên Anh nhiều cá.
Không có thỏa thuận, Anh sẽ tái lập vùng đặc quyền kinh tế và tùy nghi phân chia định mức. Thủ tướng Pháp cam kết sẽ bảo vệ quyền lợi ngư dân nhưng không thông báo một biện pháp cụ thể nào.
Liệu “kế hoạch khẩn cấp” của Pháp có thể thúc giục Luân Đôn và Bruxelles tìm một thỏa hiệp mới, một phương án B mà báo chí suy đoán. Hy vọng mong manh.
Châu Âu gợi ý để Anh ở lại liên minh |
Nước Anh rơi vào khủng hoảng chính trị trầm trọng nhất |
Thấy gì qua những tuyên bố mạnh mẽ của quân đội Anh? |
Th.Long