Thiếu một chữ ký, PVOIL mất 20 tháng để được hoàn trả 67 tỷ đồng tiền thuế
(PetroTimes) - Ngày 23/1, trả lời phỏng vấn trong cuộc gặp mặt báo chí đầu năm 2019, Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) Cao Hoài Dương cho biết, vào tháng 12/2018, sau 20 tháng với 20 công văn kiến nghị (mỗi tháng một công văn), Tổng cục Hải quan thông qua Kho bạc Nhà nước đã hoàn trả lại cho PVOIL số tiền 67 tỷ đồng, bao gồm cả tiền hoàn thuế và tiền phạt do chậm nộp trước đó.
Năm 2018, PVOIL nộp ngân sách Nhà nước toàn hệ thống hơn 8.200 tỷ đồng |
PVOIL hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018 |
PVOIL Lào và Shell Thái Lan ký kết hợp đồng mua bán xăng dầu |
Ông Dương cho biết, vụ việc bắt đầu từ năm 2015 khi Việt Nam mới bắt đầu áp dụng ưu đãi thuế quan với các nước ASEAN, theo đó xăng dầu nhập khẩu có nguồn gốc xuất xứ từ ASEAN sẽ được hưởng ưu đãi thuế. Tuy nhiên, trước tiên doanh nghiệp vẫn sẽ nộp thuế theo mức thuế thông thường, sau đó Hải quan sẽ rà soát lại hồ sơ, nếu như những lô hàng đủ điều kiện để hoàn thuế thì doanh nghiệp sẽ được hoàn lại thuế. Những lô hàng của PVOIL đáp ứng đầy đủ yêu cầu được hoàn thuế với tổng số tiền khoảng 60 tỷ đồng. PVOIL đã nộp thuế đầy đủ và nộp hồ sơ xin hoàn thuế lên cơ quan Hải quan.
Hải quan sau khi xem xét hồ sơ thì thấy rằng, hồ sơ xin hoàn thuế của PVOIL hợp lệ và đã hoàn trả lại cho PVOIL 60 tỷ đồng. Nhưng 16 tháng sau Hải quan trong một đợt kiểm tra sau thông quan đã thông báo cho PVOIL rằng hồ sơ của PVOIL thiếu một chữ ký, cho nên hồ sơ không hợp lệ và truy thu 60 tỷ đồng, đồng thời phạt thêm 7 tỷ đồng là tiền chậm nộp trong những tháng vừa qua.
Tổng giám đốc PVOIL Cao Hoài Dương trao đổi với báo chí ngày 23/1 |
“Việc này đương nhiên chúng tôi không chấp nhận, chúng tôi là người thật việc thật, hàng của chúng tôi mua có nguồn gốc rõ ràng từ hãng Shell của Singapore. PVOIL là doanh nghiệp Nhà nước có thương hiệu, chúng tôi không có lý do gì để mua hàng trôi nổi, kiếm lợi phi pháp. Tuy nhiên, việc thiếu một chữ ký là có thật nhưng Hải quan đã cho thông quan rồi. Đồng thời, thời điểm đó là giai đoạn mới áp dụng nên cả Hải quan và doanh nghiệp đều rất bỡ ngỡ. Việc thiếu một chữ ký đó không làm thay đổi bản chất của lô hàng, lô hàng vẫn đáp ứng toàn bộ tất cả những tiêu chuẩn để được hưởng ưu đãi thuế quan” ông Dương nói.
Ông Dương cho biết thêm, thời điểm Hải quan thông báo cho PVOIL về hồ sơ không hợp lệ là 16 tháng sau đó nhưng về nguyên tắc sau 12 tháng doanh nghiệp không còn quyền hồi tố. Nếu Hải quan thông báo cho PVOIL trong thời hạn 12 tháng thì PVOIL có thể bổ sung hồ sơ từ phía đối tác, nhưng đến 16 tháng sau Hải quan mới thông báo nên đối tác bên Singapore không còn lưu lại hồ sơ vì đã quá hạn hồi tố.
“Chúng tôi đã gặp Hải quan và kiên trì gửi công văn, giải thích, thuyết phục và rất may là Hải quan Singapore rất hợp tác và xác nhận cho PVOIL là lô hàng của PVOIL hoàn toàn đáp ứng yêu cầu hưởng ưu đãi theo đúng hiệp định thuế quan. Hải quan sau đó cũng thừa nhận lô hàng hợp lệ hưởng ưu đãi thuế và trả lại cho doanh nghiệp 67 tỷ đồng. Chúng tôi đánh giá cao ứng xử của Hải quan với doanh nghiệp” ông Dương khẳng định.
Mai Phương