Tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc “đúng sai rõ ràng”, không ngại va chạm
(PetroTimes) - Chiều 21/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự cuộc họp sơ kết đánh giá những kết quả đạt được và triển khai kế hoạch, nhiệm vụ trong thời gian tới của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương (sau đây gọi tắt là Tổ công tác).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp |
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng nhắc lại tình hình đầu nhiệm kỳ khi số nhiệm vụ nợ đọng, quá hạn chiếm tới 25%. Cùng với đó, nhiều cơ chế chính sách chưa đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc có vướng mắc không được tháo gỡ kịp thời, nổi lên các vấn đề chậm trễ, lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách, đặc biệt là về kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cán bộ, công chức.
“Tổ công tác của Thủ tướng ra đời đáp ứng đòi hỏi cấp bách là chống trì trệ, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao”, Thủ tướng phát biểu.
Nhất trí với báo cáo của Tổ công tác, Thủ tướng nêu rõ, kết quả lớn nhất trong hoạt động của Tổ là đã phát hiện nhiều khó khăn, vướng mắc do cơ chế chính sách. Vừa qua, việc cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã được triển khai mạnh mẽ, đôn đốc quyết liệt, kết quả đáng mừng. Cùng với đó, phát hiện nhiều khoảng trống pháp lý cần điều chỉnh.
Thông qua hoạt động của Tổ công tác, nhiều vấn đề bức xúc được tập trung tháo gỡ, các phiên họp Chính phủ mang hơi thở cuộc sống, ban hành nhiều nghị quyết quan trọng để thực thi liên quan tới các vấn đề lớn như cắt giảm điều kiện kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, cải cách hành chính…
Thủ tướng cho biết ông đánh giá cao cách làm của Tổ công tác, của Thường trực Tổ công tác, như việc ứng dụng công nghệ thông tin, huy động sự tham gia của các hiệp hội, doanh nghiệp, các chuyên gia, sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, truyền thông. Tinh thần là tạo áp lực cho các cơ quan hành chính để cải cách, đổi mới, chống trì trệ, đặc biệt là chống tham nhũng chính sách, chống thể chế lạc hậu, lợi ích nhóm, chống cửa quyền, hách dịch, xa dân.
“Tổ tuy không phải cơ quan hành chính nhưng đã tạo được niềm tin xã hội, tạo dấu ấn trong việc chống trì trệ. Những kết quả của Tổ công tác tạo chuyển biến tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao, tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính”, Thủ tướng phát biểu và ghi nhận, biểu dương những kết quả được, tinh thần trách nhiệm làm việc quyết liệt, chủ động, không né tránh, không ngại va chạm, “đúng sai rõ ràng” của Tổ công tác, nhất là của đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng khen cho các thành viên và nguyên thành viên Tổ công tác. |
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương để làm tốt hơn nữa.
Trước hết, vẫn còn tình trạng nể nang trong thực thi nhiệm vụ, vẫn còn bộ chưa hoàn thành đúng thời gian các nhiệm vụ được giao, vẫn báo cáo xin lùi thời hạn. Đây là vấn đề kỷ luật, kỷ cương công vụ cần kiên quyết khắc phục.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra mới dừng lại ở kiểm tra theo đầu việc, kiểm đếm công việc theo tiến độ mà chưa đánh giá chất lượng công việc; còn vướng mắc chưa được phát hiện, các kiến nghị của các cơ quan đôi lúc chưa được giải quyết thoả đáng. Một số bộ chưa kịp thời cung cấp thông tin số liệu trong phạm vi quản lý một cách đầy đủ cho Tổ công tác.
Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới của Tổ công tác, Thủ tướng nhắc lại phương châm hành động của Chính phủ trong năm 2019 là “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Tổ công tác vào cuộc mạnh mẽ hơn.
“Tổ công tác sẽ bứt phá thế nào để thực hiện phương châm công tác của Chính phủ? Tôi đồng ý là Tổ không làm thay cơ quan quản lý nhà nước mà tập trung tháo gỡ những mắc mứu trong thực hiện nhiệm vụ, do tổ chức thực hiện hay thể chế lạc hậu”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng Tổ cần bám sát chương trình, kế hoạch để đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019.
Tổ công tác cần tăng tốc kiểm tra việc hoàn thiện thể chế chính sách, theo dõi, đôn đốc mạnh mẽ hơn việc xây dựng các luật, nghị định, tinh thần là sớm chấm dứt tình trạng chậm các đề án, dự án, nhất là các dự án luật.
Thủ tướng bày tỏ đồng tình với Tổ công tác là phải tiếp tục đổi mới phương thức làm việc, “làm sao để cán bộ, công chức trong toàn hệ thống hành chính phải chuyển động thực sự” với lực đẩy thôi thúc từ bên trong, giảm “lực kéo” của Thủ tướng.
Đánh giá cao sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông trong hoạt động của Tổ công tác, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu “khen chê đúng mức, rõ ràng” đối với việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, địa phương. Truyền thông đóng vai trò rất quan trọng, nhất là với tinh thần làm việc không ngại va chạm, dám phê bình, “cái gì cũng thông cảm cả thì không được”.
Thủ tướng nêu một số trọng tâm kiểm tra trong năm 2019, đây đều là những vấn đề, vụ việc nổi cộm, mà trước hết là chống tham nhũng vặt. Cùng với đó là việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế; giải ngân vốn đầu tư công; việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để vửa đáp ứng yêu cầu sản xuất, vừa bảo đảm an toàn cho môi trường….
“Nhân đây, tôi lưu ý Tổ công tác về kiểm tra công vụ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân làm Tổ trưởng cần hoạt động mạnh mẽ hơn. Cuộc sống mong chờ hoạt động của hai Tổ công tác này để phục vụ nhân dân, đất nước. Cái gì nhân dân kỳ vọng thì phải ủng hộ mạnh mẽ hơn”, Thủ tướng phát biểu.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng báo cáo Thủ tướng tại cuộc họp |
Báo cáo Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết gần 3 năm qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng, Tổ đã tiến hành 61 cuộc kiểm tra.
Đến nay, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã được khắc phục về cơ bản và có chuyển biến tích cực. Năm 2017, có 51/60 văn bản được ban hành, đạt 85%, năm 2018 có 118/122 văn bản được ban hành, đạt gần 97%.
Cùng với đó, kịp thời phát hiện những rào cản liên quan đến thể chế, chính sách, những khoảng trống, lỗ hổng pháp lý cần khẩn trương xử lý. Tổ cũng đã phát hiện nhiều vấn đề thực tiễn đang đòi hỏi nhưng bị ràng buộc, hạn chế bởi các chế định pháp lý hiện hành cần khẩn trương tháo gỡ.
Vấn đề trì trệ trong cải cách hành chính, bất cập, yếu kém trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được kịp thời chấn chỉnh, khắc phục. Đặc biệt, kết quả ban hành các văn bản cắt giảm điều kiện kinh doanh và cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đã khẳng định sự hoạt động hiệu quả, nỗ lực, quyết liệt, quyết tâm, trách nhiệm của Tổ công tác.
Nhiều vấn đề tồn tại, bất cập chậm được xử lý, giải quyết, dư luận quan tâm, bức xúc đã được Tổ công tác chỉ ra và được các bộ, cơ quan khắc phục, chấn chỉnh kịp thời. Nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty đã được tháo gỡ.
Hoạt động của Tổ công tác đã có tác động lan tỏa mạnh đến việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính của các bộ, cơ quan, địa phương. Đến năm 2018, tỷ lệ nhiệm vụ quá hạn chỉ còn 1,15%, giảm 23,85% so với trước khi Tổ công tác được thành lập…
Trong nhiều bài học kinh nghiệm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh yêu cầu công khai minh bạch với sự tham gia rộng rãi của các cơ quan báo chí trong các buổi kiểm tra, tạo sức ép công luận để các cơ quan thực hiện.
Thay mặt Tổ công tác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Bằng khen của Thủ tướng cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác và các thành viên Tổ công tác.
Hải Anh