PVTrans khát vọng vươn xa
(PetroTimes) - Trải qua 16 năm không ít thăng trầm, với bản lĩnh, ý chí mạnh mẽ, sự kiên định và quyết liệt trong công tác tái cấu trúc, Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans) dần vượt qua “sóng lớn”, trở thành thương hiệu vận tải biển số 1 Việt Nam. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trò chuyện với Tổng giám đốc PVTrans Phạm Việt Anh về những nỗ lực “vượt sóng” của PVTrans.
PV: Thưa ông, từ một doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản, đến nay PVTrans là doanh nghiệp vận tải có giá trị vốn hóa lớn nhất trên sàn HSX, đứng trong Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam do Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn. Làm thế nào PVTrans có được sự “lột xác” ngoạn mục như vậy?
Ông Phạm Việt Anh: Giai đoạn 2009-2011, ngành vận tải biển rơi vào suy thoái chưa từng có, khi giá cước giảm tới 80%. Khoảng hơn 90% các công ty vận tải biển thế giới bị thua lỗ hoặc phá sản. Ở trong nước, thị trường chứng kiến sự sụp đổ của Vinashin, Vinaline và một số doanh nghiệp vận tải biển có tên tuổi khác. PVTrans cũng không phải ngoại lệ, luôn là doanh nghiệp khó khăn nhất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và đứng trước nguy cơ phá sản. Thời điểm đó, lãnh đạo PVN đã tính đến phương án giải thể PVTrans và chia tách, sáp nhập một số doanh nghiệp thành viên về các tổng công ty khác của PVN.
PVTrans có 10 doanh nghiệp thành viên thì có 8 doanh nghiệp thua lỗ với nguy cơ phá sản, trong đó có doanh nghiệp lỗ lũy kế đến 360 tỉ trên tổng số 382 tỉ đồng vốn điều lệ. Công ty không có tiền trả lương nhân viên, thuyền viên, không có tiền trả nợ ngân hàng. Tàu nằm chờ cũng lỗ mà ký được hợp đồng cũng lỗ vì giá cước quá thấp. Ký được hợp đồng rồi mà không có tiền đổ dầu để tàu chạy...
Bị dồn vào thế chân tường, PVTrans buộc phải thay đổi để tồn tại. Năm 2011, cùng với sự hỗ trợ và chỉ đạo của PVN, PVTrans đã tiến hành tái cấu trúc toàn diện, triệt để, quyết liệt và đồng bộ từ việc tái cấu trúc tài chính, các khoản vay, bảo đảm vốn duy trì hoạt động; tái cấu trúc thị trường với việc đưa các tàu sang Trung Đông và cả Iran bị cấm vận, dù có nguy cơ gặp cướp biển cao; tái cấu trúc mô hình quản trị nhằm khơi thông nguồn lực, nâng cao tính trách nhiệm của từng doanh nghiệp, từng cá nhân; tái cấu trúc tài sản xấu, các dự án đầu tư, đặc biệt các dự án với Vinashin; xử lý khó khăn cho từng doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp có một loại “bệnh” khác nhau, phải dùng “thuốc”, các giải pháp khác nhau...
PVTrans thời điểm đó tập trung tái cấu trúc, xong từng việc, xử lý từng vấn đề, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, với một niềm tin mãnh liệt “hết mưa trời lại sáng”.
Sự hỗ trợ và chỉ đạo của PVN và các doanh nghiệp thành viên thời điểm đó thật sự có ý nghĩa vô cùng quan trọng với PVTrans, giúp PVTrans có thêm nguồn lực, thêm niềm tin, thêm động lực để vượt khó.
Và chỉ sau 2 năm, đến năm 2013, PVTrans về cơ bản đã hoạt động bình thường và với các đà đó, bắt đầu tăng trưởng. Hiện nay, PVTrans vẫn còn những tồn đọng cũ cần phải xử lý tiếp để nâng cao năng lực cạnh tranh, nhưng về cơ bản đã phát triển ổn định.
PV: Theo ông, đâu là yếu tố tạo nên một PVTrans khác biệt?
Ông Phạm Việt Anh: Không ai muốn phải vất vả, không ai muốn gặp khó khăn, bị đẩy vào chân tường cả. Nhưng khi đã trải qua những thời khắc đó, những giai đoạn vất vả khó khăn đó, tôi nghĩ PVTrans đã tự tôi luyện cho mình, tự rèn rũa, tạo cho mình nên sự khác biệt nhất định.
Sự khác biệt đó của PVTrans, theo tôi, đó là sự quyết liệt, tính trách nhiệm trong công việc, lấy hiệu quả, kết quả công việc làm thước đo chính, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của tập thể lãnh đạo PVTrans. Đó là kỷ cương, tính tuân thủ cao, đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, tuân tủ các quy định, tuân thủ sự chỉ đạo của cấp trên. Đó là sự đoàn kết của Ban lãnh đạo và tập thể cán bộ chủ chốt, từ đó lan tỏa tới CBCNV, trên dưới một lòng vì mục tiêu chung. Đó còn là khả năng chịu thương, chịu khó, chấp nhận vất vả, khó khăn mà ít so bì thiệt hơn của mọi người trong PVTrans.
Tổng giám đốc Phạm Việt Anh cùng người lao động PVTrans |
PV: “Hải trình” của “con tàu” PVTrans những năm tiếp theo như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Việt Anh: Trong những năm tới, khó khăn thách thức còn nhiều, nhưng vẫn có nhiều cơ hội. PVTrans sau 16 năm đã ở một tâm thế khác: Doanh nghiệp vận tải biển số 1 Việt Nam hiện nay.
Ngoài việc duy trì và giữ vững các thị phần truyền thống tại thị trường vận tải nội địa, PVTrans sẽ tập trung phát triển hàng loạt các lĩnh vực vận tải tiềm năng, trong đó phải kể đến: Vận tải dầu thô bằng tàu VLCC lớn nhất thế giới; vận tải LPG lạnh và LNG; vận tải hóa chất cho các nhà máy hóa dầu; vận tải than và hàng rời cho các nhà máy điện.
Dư địa cho thị trường vận tải là khá lớn, cả quốc tế và Việt Nam. PVTrans có thế mạnh về thương hiệu, về nguồn lực tài chính, khả năng thu xếp vốn và kinh nghiệm, năng lực quản trị vận tải biển chất lượng cao suốt nhiều năm qua. Đây sẽ những lợi thế không nhỏ so với các đối thủ cạnh tranh khác, để PVTrans có thể tận dụng được các cơ hội nhằm trẻ hóa đội tàu, mở rộng nâng cao năng lực đội tàu và chiếm lĩnh thị trường.
Chúng tôi cũng xác định rằng, không nên tự hài lòng về những thành quả đã đạt được để dễ sinh ra ngộ nhận và tự mãn, thiếu đi động lực và ý chí vươn lên. Qua những năm tháng khó khăn, một điều mà chúng tôi tâm đắc là không có gì xấu sẽ xấu mãi hoặc tốt sẽ tốt mãi. Ngày hôm nay tốt đấy, thuận lợi đấy, nhưng ngày mai có thể xấu và khó khăn. Ngược lại ngày hôm nay xấu, khó khăn đấy nhưng ngày mai có thể sẽ tốt. Trong “nguy” sẽ có “cơ”.
Tàu chứa FPSO Đại Hùng Queen |
Với suy nghĩ và tâm thế đó, cùng với sự hỗ trợ và chỉ đạo rất lớn từ PVN, chúng tôi tin tưởng rằng PVTrans sẽ tiếp tục đưa con tàu rẽ sóng ra khơi và gặt hái thêm những thành công mới, để khẳng định là doanh nghiệp vận tải số 1 Việt Nam, có uy tín trong khu vực và là một trong những doanh nghiệp mạnh của PVN.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này! Chúc con tàu PVTrans tiếp tục vươn xa ra biển lớn.
Năm 2018, doanh thu của PVTrans đạt 7.750 tỉ đồng, tăng gấp hơn 2 lần và lợi nhuận trước thuế đạt kỷ lục 910 tỉ đồng, tăng 12 lần so với năm 2010. Tăng trưởng bình quân hằng năm là 15%. |
Thuận Thiên