Tết Kỷ Hợi 2019: Heo vàng “phủ sóng” thị trường
(PetroTimes) - Tết Nguyên đán 2019 theo lịch âm là tết Kỷ Hợi, bởi vậy hình tượng heo - linh vật năm nay đã được các doanh nghiệp, nhà sản xuất nắm bắt tâm lý, sáng tạo thêm nhiều mẫu mã và được người dân đặc biệt ưa chuộng.
Cách tết một tháng, anh Tạ Văn Duy - chủ một xưởng sản xuất nến thủ công tại Hưng Yên - đã dừng nhận đơn hàng của các khách buôn bởi số lượng hàng đặt đã quá tải. Tổng kết khối lượng đơn hàng thì đến 80% là sản phẩm nến Heo vàng an phú quý, một sản phẩm độc đáo xưởng mới ra mắt trong năm nay để phục vụ thị trường tết Kỷ Hợi.
Nến Heo vàng an phú quý |
Lý giải độ “hot” sản phẩm này anh Duy cho biết, không chỉ được làm từ các nguyên liệu sạch, an toàn, khi đốt cho hương dịu nhẹ, có thể cháy âm ỉ trong suốt ba ngày tết, Heo vàng an phú quý còn có nét độc đáo là khi đốt không bị cháy mà sẽ nổi lên 3 chữ An - Phú - Quý trên bông sen vàng.
Được biết để làm ra những sản phẩm như vậy, riêng khâu sản xuất đổ và gỡ khuôn phải cần đến 5 giờ, và đòi hỏi người thợ phải cẩn thận và tỉ mỉ từng chút một trong quá trình từ pha nấu. “Bởi vậy chúng tôi không thể sản xuất nhiều. Khách mua phải đặt trước nhiều ngày mới có hàng”, anh Duy nói.
Anh Tạ Văn Duy kiểm tra sản phẩm nến |
Anh Duy chỉ là một trong số những người kinh doanh, sản xuất nắm bắt được xu hướng tết Kỷ Hợi. Chính bởi thế, bên cạnh các hình tượng truyền thống tết như Phật cười, nén vàng bạc Thần tài, hoa sen, tháp ngọc…, những chú ỉn đáng yêu đang “phủ sóng” rộng khắp trên thị trường tết. Từ đồ thủ công mỹ nghệ đến những sản phẩm sản xuất công nghiệp, từ đồ trang trí cho đến mặt hàng thực phẩm như bánh kẹo, rượu vang đều có thể mang hình tượng chú lợn hoặc đựng trong những chiếc bình hình heo.
Với mặt hàng phong thủy mang ý nghĩa tâm linh cầu may cho năm mới Kỷ Hợi, càng không thể thiếu vắng những chú tượng heo. Các vật phẩm tượng heo được chế tác từ các loại đá, gỗ, đồng, gốm sứ, pha lê… và đặc biệt là dòng sản phẩm mạ vàng được rất nhiều người tiêu dùng chọn lựa làm quà tặng để cầu chúc một năm mới thịnh vượng.
“Trong 12 con giáp, heo là biểu tượng của một cuộc sống an nhàn, vui vẻ hạnh phúc, sung túc no đủ về vật chất và thoải mái về tinh thần nên hình tượng heo rất được ưa chuộng. Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2019, chúng tôi đã nhập số lượng hàng lớn với mẫu mã đa dạng”, chị Trần Lâm, Công ty Pha lê Hà Nội, cho biết.
Một số mẫu tượng heo bằng đồng do Việt Nam sản xuất |
Trên thị trường, các loại vật phẩm mạ vàng công nghiệp 24k nhập từ Trung Quốc có giá từ 1 đến 3 triệu đồng. Cao cấp hơn là các sản phẩm phủ vàng ròng do Việt Nam sản xuất mang những cái tên “Heo vàng phát tài”, “Heo vàng viên mãn”, “Heo vàng đại cát”, “Heo vàng chiêu tài tấn bảo”… có giá từ 3 đến 25 triệu đồng/vật phẩm.
Tiền heo cũng là một trong những mặt hàng độc lạ được nhiều người săn lùng. Năm nay, những hàng độc có biểu tượng heo như đồng tiền xu Australia in hình con heo được thiết kế và đúc tinh xảo với lớp mạ màu vàng, tiền heo Kamberra Australia 50 Numisma, tiền Mỹ mệnh giá 2 USD in heo vàng, hay tiền heo kỷ niệm của Macao… Các loại tiền đều được bán với giá trị gấp nhiều lần giá trị thực để làm tiền lì xì dịp tết, dù nhiều loại trong số đó không có giá trị tiêu dùng.
Đối với mặt hàng heo đất, 2019 là một năm thú vị khi “vật chính chủ” lên ngôi. Thay vì phải làm thêm mẫu các con giống khác thì năm nay người thợ lại khá nhàn khi chỉ cần tập trung vào hình tượng chú ỉn.
Lợn đất quen thuộc dành cho các em nhỏ được bán tại hiệu sách |
Tuy nhiên, nhiều cơ sở và nghệ nhân gốm sứ đã kỳ công sáng tạo để làm nên những chú heo tiết kiệm cao cấp tuyệt đẹp từ đất với các đường nét, sắc màu và loại men khác nhau như men xanh, men hồng, men rạn cổ với giá từ 500.000 đến 900.000 đồng/sản phẩm.
Lợn sứ Minh Long với nhiều mẫu mã |
Góp mặt trong thị trường cây cảnh Tết Nguyên đán 2019 là các loại cây tạo hình heo. Đây là các sản phẩm được chăm chút bởi những nghệ nhân trồng cây cảnh. Để làm ra các sản phẩm này, từ nhiều tháng trước đó, người nghệ nhân phải rất kỳ công chọn cây có đặc tính phù hợp để lên khuôn. Sau một quá trình uốn, tỉa, ghép… sản phẩm mới được hoàn thiện. Hiện giá bán của cây cảnh hình heo cũng rất đa dạng, từ vài triệu đến vài chục triệu/cặp, tùy vào kích thước theo yêu cầu của khách hàng.
Trồng cây trong chậu hình thú đã một xu hướng khá phổ biến. Năm nay, “heo cõng cây” tràn ngập trên thị trường với mặt hàng cây tài lộc nhỏ xinh được bán tại nhiều cửa hàng và website cây cảnh.
Kỳ công hơn là các sản phẩm heo cõng quất bonsai của làng quất Tứ Liên. Theo chia sẻ của các nghệ nhân ở đây, để cây quất ra nhiều quả và có thế đứng độc đáo, phù hợp với thế của mỗi chú heo, các nghệ nhân phải bỏ ra vài tiếng đồng hồ cắt tỉa lá, tạo hình cây mỗi ngày.
Bonsai heo cõng quất của làng Tứ Liên |
Chậu sứ heo được đặt làm từ làng nghề Bát Tràng và Bắc Ninh, kết hợp với quất Tứ Liên lâu đời đã cho ra những sản phẩm đón xuân Kỷ Hợi độc đáo, thuần Việt và giàu ý nghĩa. Chính bởi vậy, những chú heo cõng quất với giá dao động 2 đến 5 triệu đồng đã được nhiều khách tấp nập tới vườn đặt mua. “Dù cây quất bonsai trong chậu chú ỉn có giá cao hơn chậu thường tôi vẫn chọn mua, bởi năm nay là năm con heo mà”, anh Thái Tùng - một khách hàng chia sẻ.
“Năm nay là năm Kỷ Hợi, hay còn gọi là năm con heo thì những nhu cầu tiêu dùng và đặc biệt thú chơi sẽ xoay quanh biểu tượng con vật đó. Bởi vậy hình tượng heo được chú trọng và ưa chuộng là điều tất yếu”, chủ một vườn quất Tứ Liên lý giải.
Hàng hóa Tết Kỷ Hợi: Khách hàng đang thực sự là "thượng đế"! |
Quất bonsai trồng trong heo đất hút khách dịp Tết Kỷ Hợi |
Tết Kỷ Hợi 2019: Suối Tiên xây dựng “Kỳ hoa Thượng Uyển Cung” phục vụ du khách |
Thanh Nhiên