Hoa Tết: Hồi hộp chờ khách mua
Cũng như nhiều nhà vườn đang tập trung ở đây, anh Hùng kể, nghề làm hoa kiểng cả năm chỉ hy vọng vào một mùa mang sản phẩm đi bán dịp Tết. Không héo hắt vì thời tiết nhưng năm nay, người bán lại lo ít khách mua…
Trưa rằm tháng chạp, có hàng trăm nhà vườn ở Bến Tre, Đồng Tháp, Cần Thơ… vẫn miệt mài chăm sóc hoa kiểng ở bến Bình Đông (quận 8). Từng chậu mai kiểng bonsai lần lượt được tháo kẽm, tươi tắn khoe ra những nụ hoa chớm nở. Rồi những chậu hoa cúc, hoa xương rồng, hoa mồng gà, vạn thọ… muôn sắc màu xếp ngay ngắn thành luống nhỏ đón chờ khách mua. Những cây kiểng, chậu hoa mang mồ hôi công sức và cả ước mơ một năm quần quật của người làm vườn.
Hoa nhiều, giá khó tăng
Anh Mai Quốc Hùng, nhà vườn ở Cái Mơn (Bến Tre) đưa mai lên đây bán từ hôm đầu tháng chạp. Bỏ ra 5 – 6 triệu đồng thuê hai lô mặt bằng tổng cộng 4m ở bến Bình Đông (quận 8), Hùng nói: “Phải đưa mai lên bán kiếm được nhiêu hay nhiêu chứ ở quê mùa này cũng chẳng biết làm gì”. Còn hơn một tuần nữa mới vào ngày cao điểm bán hoa kiểng, nhưng dọc bến Bình Đông, có hàng trăm nhà vườn đưa hàng lên bán như Hùng.
Chạy xe lòng vòng qua các điểm bán hoa kiểng, khách vào hỏi mua khá vắng, đa số họ chỉ “quá cảnh” cho biết chứ chưa vội mua vì sợ… hớ. Năm nay, theo ghi nhận, hoa Tết ở bến Bình Đông không có nhiều loại mới, đặc trưng vẫn là các loại kiểng bonsai, cúc, vạn thọ, mồng gà, sống đời… Nhà vườn cho biết thời tiết năm nay ổn định, khoảng nửa tháng trở lại đây tuy có giá lạnh vào đêm nhưng ngày nắng ấm, mai Tết bung nụ đều, đẹp hơn năm ngoái. Người bán nhận định giá mai Tết năm nay tăng không đáng kể vì sức mua dự báo sẽ kém.
Ông Ba Hà, năm nay 62 tuổi nhưng ông bảo mình đã có hai mươi mấy năm bán hoa ở bến Bình Đông. Ông Ba Hà lại rầu rĩ nói: “Tui đưa hoa lên đây gần nửa tháng nay nhưng bán chậm lắm, ngày nào nhiều thì được một trăm ngàn đồng, còn bình thường thì bảy tám chục ngàn đồng, không đủ chi phí”.
Một chậu hoa mồng gà có giá 20.000 đồng, trừ chi phí 17.000 đồng, nhà vườn lời 3.000 đồng; hay như chậu hoa xương rồng, hoa sống đời xum xuê cũng chỉ có 25.000 đồng, lợi nhuận sau ba đến sáu tháng chăm sóc được 5.000 đồng/chậu. Các chậu mai kiểng có giá khá đa dạng, từ vài chục ngàn đến cả trăm triệu đồng cũng có, tuy có lời cao hơn nhưng nhà vườn phải bỏ ra kha khá vốn và công chăm sóc. “Làm cả năm trời đằng đẵng, lời vài chục triệu đồng là may mắn lắm rồi”, bà Nguyễn Thị Dung, nhà vườn ở huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre tâm sự.
Nỗi lo chi phí
Ăn cùng hoa, ngủ cùng hoa và thao thức cùng hoa là tâm trạng của mỗi nhà vườn ở bến Bình Đông vào những ngày cuối năm này. Anh Nguyễn Văn Dũng, quê ở huyện Chợ Lách, chủ nhân của hơn hai trăm chậu mai thoáng thấy chúng tôi dừng xe liền vội ném cả hộp cơm xuống võng xếp nhoẻn miệng cười: “Mấy anh mua mai đi. Năm nay nụ đều lắm. Em bao hàng sẽ nở đúng ngày Tết”. Với cặp mắt hằn rõ vết thâm quầng sau nhiều đêm thức canh mai, Dũng vừa giới thiệu mai cho khách, vừa nhai vội miếng cơm khô khốc. Năm nay, theo Dũng đã hết nửa tháng chạp rồi mà mới có lưa thưa khách tới hỏi mua. Cũng như Dũng, nhiều nhà vườn bán hoa ở đây, cho biết như mọi năm giờ này có khi đã hết cả ghe, rồi chuyển thêm hai, ba chuyến lên nữa…
Ế ẩm, tiền bán hoa không đủ trang trải chi tiêu hàng ngày khiến cho nhiều nhà vườn lo âu. Một hộp cơm có vài lát dưa leo, miếng thịt chiên mỏng dính mà anh Dũng đang ăn là 16.000 đồng. Ông Ba Hà thì tính toán, ngày ăn ba bữa, cộng thêm càphê, thuốc lá cũng mất tong hơn trăm ngàn đồng. Rồi tiền nước tưới hoa 90.000 đồng/khối, mỗi ngày một nhà vườn sử dụng ít nhất 50.000 đồng, thêm 15.000 đồng chi phí cho một bóng điện mỗi đêm nữa cũng mất đứt 65.000 đồng: “Từ hôm đầu tháng đến rày, mỗi ngày tui bỏ ra 200.000 đồng, nhưng tiền bán hoa chỉ thu được năm bảy chục ngàn đồng”, ông Ba Hà nói.
Cách đó không xa, ông Năm Nghĩa, một chủ vườn ở Lấp Vò (Đồng Tháp) cũng chưa lý giải được tại sao năm nay khách mua lại hẻo như thế trong khi chưa kể tiền công, chi phí bỏ ra cho “thương vụ” hoa Tết đã ngốn trên chục triệu đồng. Ông Nghĩa cho biết cuối tháng 12/2011 ông đã thuê xe tải chở hoa lên đây. Hơn hai tuần, ông chỉ mới bán được hai cây mai trong khi chi phí ăn, uống phải chi đều đều: “Mong là từ 23 tháng chạp người mua sẽ rộ hơn mới mong có tiền xài Tết”, ông Nghĩa trầm ngâm.
Dù vậy, người bán hoa không hẳn chỉ quan tâm lời, lỗ mà quan trọng là được mang hoa đi khắp nơi, được sống trong cái không khí chộn rộn của những ngày Tết Nguyên đán sắp tới. Như chia sẻ của ông Ba Hà, ở cái tuổi 62 thì quan trọng là tạo ra không khí Tết và sống trong không khí Tết. Còn bà Nguyễn Thị Dung thì nói vọng sang: “Ôi trời, lời bạc trăm bạc tỉ gì chú ơi. Kiếm thêm mấy đồng cho con cháu vui Tết là đủ rồi. Tui bán hoa Tết ở đây mười mấy năm, nếu giờ không làm nữa chắc nhớ lắm”.