Năm 2019: Nhìn lại cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc
(PetroTimes) - Trong gần hết quãng thời gian năm 2018, thế giới đã mệt mỏi vì căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Vào những ngày cuối cùng của năm 2018 và đầu năm mới 2019, Washington và Bắc Kinh đang thi nhau “dập lửa” chiến tranh thương mại.
Thế giới mệt mỏi vì Mỹ-Trung
2018 là năm mà mọi chú ý dồn về Washington và Bắc Kinh. Sau giai đoạn hù dọa, chính quyền Tổng thống Trump khơi mào cuộc chiến. Tháng 3/2018, ông Trump ký sắc lệnh đánh thuế thép và nhôm nhập vào thị trường Hoa Kỳ. Nhà Trắng "tạm tha" cho một số nước "bạn", nhưng Trung Quốc không được hưởng ân huệ đó. Nhôm, thép chỉ là khúc dạo đầu.
Đến tháng 5, 6/2018, Nhà Trắng phạt thêm hàng "made in China" bán sang thị trường Mỹ: tăng thuế nhập khẩu 10%, rồi 25% nhắm vào 50 tỷ đôla, rồi 100 tỷ và thậm chí là 200 tỷ đôla hàng của Trung Quốc. Ở góc đài bên kia, Bắc Kinh không khai chiến nhưng chơi trò "ăn miếng trả miếng". Mỗi bên đều đưa ra một danh sách hàng trăm, hàng ngàn mặt hàng của đối phương bị "trừng phạt".
Vào cuối mùa xuân năm nay, sứ giả của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tưởng chừng đạt được đồng thuận với ban cố vấn của ông Donald Trump sau khi thông báo một số nhượng bộ. Ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ coi những hứa hẹn đó là "quá trễ và chưa đủ". Chương trình đàm phán bị gián đoạn, cho dù là ở hậu trường, đôi bên vẫn ngầm duy trì kênh liên lạc.
Cuộc đọ sức giữa hai người khổng lồ kinh tế của thế giới này bắt cả thế giới phải theo dõi. Tại hội nghị quốc tế ASEAN, Singapore, đầu tháng 11/2018 hay thượng đỉnh G20 vừa qua ở Argentina, mọi người chỉ chú ý vào những màn đấu khẩu hay phát biểu của lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc với hy vọng Washington và Bắc Kinh đình chiến.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, các đòn ăn miếng trả miếng trên mặt trận thương mại làm tổn hại đến tăng trưởng toàn cầu. Riêng đối với châu Á, vốn lệ thuộc nhiều cả vào Mỹ lẫn Trung Quốc, "bầu không khí càng thêm nặng nề": IMF giảm dự báo tăng trưởng của châu Á đang từ 5,6 % xuống còn 5,4 % cho năm 2019. IMF nhấn mạnh tới "môi trường bất lợi cho các hoạt động đầu tư".
Về tương quan lực lượng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, khối lượng hàng hóa mà Trung Quốc bán sang thị trường Mỹ lớn gấp 4 lần so với kim ngạch nhập khẩu của nước này từ Hoa Kỳ. Cố vấn Trung tâm Nghiên cứu về Triển vọng và Thông tin Quốc tế (CEPII), Michel Aglietta, ghi nhận việc Trung Quốc phải nhượng bộ là điều gần như hiển nhiên. Hiện tại, xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Mỹ chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Tức là Mỹ mua vào 1/5 hàng Trung Quốc bán ra nước ngoài. Đây là một khối lượng rất lớn. Nếu như Mỹ đánh thuế 10 hay 25% vào một khối lượng hàng hóa nhất định của Trung Quốc thì ảnh hưởng sẽ không nhiều. Nhưng nếu đánh thuế vào toàn bộ hàng của Trung Quốc bán sang thị trường Hoa Kỳ thì tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc ra toàn thế giới sẽ giảm khoảng 4,5% và khi đó tăng trưởng của Trung Quốc bị đe dọa.
Hội đồng Phân tích Kinh tế (CAE), một cơ quan nghiên cứu trực thuộc phủ tổng thống Pháp, trong báo cáo ngày 2/7/2018, đưa ra kịch bản đen tối nhất, trong trường hợp Hoa Kỳ áp dụng đến cùng chính sách bảo hộ và thế giới đáp trả một cách ngang ngửa.
Theo thẩm định của CAE, trong trường hợp nổ ra một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện và cũng xin nói là chúng ta chưa tiến gần tới kịch bản đó, thì cả ba cột trụ kinh tế của thế giới là Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc đều thiệt hại nặng nề. Mỗi bên mất khoảng từ 3 đến 4% GDP một năm và kịch bản này sẽ kéo dài trong rất nhiều năm. Với Pháp chẳng hạn, thì mỗi hộ gia đình sẽ mất khoảng 1.200 euro một năm. Nhưng đây là kịch bản xấu nhất.
Dập lửa chiến tranh
Nếu như từ châu Á đến châu Âu đều thấm mệt vì những đòn đánh qua, đánh lại của Washington và Bắc Kinh, nhưng bản thân hai nước khổng lồ này cũng mệt mỏi vì cuộc chiến không có lợi cho bất kỳ một ai này. Đó là lý do khiến cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều chuẩn bị rất kỹ cho cuộc tiếp xúc hôm 1/12/2018 giữa lãnh đạo hai nước bên lề thượng đỉnh G20 ở Argentina và thế giới tạm thở phào khi hai ông Donald Trump, Tập Cận Bình tuyên bố "tạm ngừng leo thang".
Vào đầu tuần thứ hai của tháng 1/2019, phái đoàn chính phủ Hoa Kỳ sẽ thăm Bắc Kinh để đàm phán thương mại. Trước đó, Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố kế hoạch của các bên tổ chức đàm phán thương mại vào tháng 1/2019.
Ngày 22/12, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ "đã có những tiến bộ mới" trong các vấn đề về cán cân thương mại và sở hữu trí tuệ. Tiến bộ đã được thực hiện thông qua tham vấn qua điện thoại của những vị đại diện chính thức của hai nước. Trước đó, vào ngày 14/12, Bắc Kinh tuyên bố rằng từ ngày 1/1/2019, họ sẽ đình chỉ việc thu thêm thuế quan đối với ô tô và phụ tùng thay thế được sản xuất tại Mỹ. Các bên cũng đã chuẩn bị những bản báo cáo về việc khởi động lại cơ chế mua-bán đậu nành và tự do hóa các quy tắc đầu tư của Mỹ vào thị trường Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, các cuộc tham vấn Trung-Mỹ sắp tới có thể diễn ra theo chiều hướng khá tích cực. Phái đoàn Hoa Kỳ sẽ do Phó đại diện thương mại Jeffrey Jerrish đứng đầu. Mức này không phải là cao nhất, điều đó có nghĩa là các bên hiện giờ chưa thực sự mong muốn đạt được thỏa thuận thương mại đầy đủ.
Có thể thỏa thuận về việc giảm thâm hụt thương mại của Mỹ. Về nguyên tắc, Trung Quốc đã sẵn sàng đồng ý về điều này sớm hơn, giống như đã sẵn sàng đàm phán về vấn đề này ngay bây giờ. Có thể đàm phán tăng khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc đối với các nhà sản xuất Mỹ, không chỉ hàng hóa, mà cả dịch vụ. Chẳng hạn, số lượng công ty bảo hiểm Mỹ có thể tăng, có thể có nhiều ngân hàng hơn, có thể có nhiều loại hình giải trí hơn. Tất nhiên, tại thị trường Trung Quốc, có thể tìm thấy nhiều không gian hơn cho dầu tự nhiên và khí hóa lỏng của Mỹ. Điều này áp dụng tương tự cho đậu nành Mỹ. Tất cả những gì liên quan đến việc tăng mua sản phẩm của Mỹ, thì thỏa thuận có thể đạt được.
Edward Alden, một chuyên gia về thương mại quốc tế thuộc viện nghiên cứu quan hệ quốc tế của Mỹ, Council on Foreign Relations được AFP trích dẫn cho rằng "Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng thực sự bắt đầu nghiêm túc đàm phán" sau nhiều đòn hù dọa lẫn nhau để gây sức ép.
Dù vậy viễn cảnh sang trang chiến tranh thương mại Mỹ-Trung còn xa vời, vì theo như giải thích của các chuyên gia kinh tế, mậu dịch chỉ là phần nổi của tảng băng trong xung khắc Mỹ-Trung và từ lâu nay, Washington luôn coi Bắc Kinh là một mối đe dọa.
Đối với việc Trung Quốc từ bỏ tham vọng khoa học và công nghệ của mình dưới áp lực của Mỹ là không thể xảy ra. Trung Quốc sẽ không từ bỏ kế hoạch hiện đại hóa khoa học và công nghệ. Bất chấp sự phản đối của Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác, Bắc Kinh sẽ quảng bá các sản phẩm công nghệ cao của mình ra thị trường nước ngoài, đặc biệt là thiết bị của Huawei và ZTE.
Quân đội Mỹ-Trung Quốc vẫn liên lạc với nhau bằng kỹ thuật “cổ lỗ sĩ” |
Nh.Thạch