Thời gian chồng chất, lụi tàn hai nghề: Bán báo và chụp ảnh dạo
(PetroTimes) - Bây giờ, đi vòng các con đường ở Sài Gòn, tìm “đỏ mắt” mới thấy một sạp báo. Người bán báo dạo, người đi giao báo vào sáng sớm gần như biến mất. Và những một ông thợ chụp ảnh dạo ở Tao Đàn, Sở thú, trung tâm thành phố cũng vắng bóng… Chỉ còn vài giờ nữa, hành tinh chào đón năm 2019, chúng ta cùng nhau tiếc nuối những giá trị tinh thần sắp lùi vào dĩ vãng
Sạp báo thưa thớt như lá mùa thu
Chiếc điện thoại thông minh ra đời, đã làm thay đổi nhiều giá trị tinh thần của con người.
“Nạn nhân” đầu tiên của nó, chính là những người bán báo.
Thời nay, báo chí chui vào tận chiếc điện thoại, người ta chỉ đọc báo điện tử. Người đọc báo giấy hiếm dần, người bán báo cũng chuyển nghề. Bây giờ muốn kiếm một sạp báo ở Sài Gòn cũng phải chạy xe mấy vòng mới có. Ngay cả “thiên đường báo giấy” trên đường Lý Chính Thắng, hiện nay cũng còn lèo tèo vài sạp báo của những người yêu nghề.
Bà Thu Nga ngồi bên sạp báo, than: “Tui đã có 24 năm ngồi đây bán báo. Ngày xưa, ở khúc đường này có hơn 30 sạp báo, đâu thưa vắng như bây giờ. Thời buổi công nghệ, giới trẻ đọc báo mạng nhiều, chỉ còn những người lớn tuổi như tui mới đọc báo in nên khó bán lắm. Tui già rồi, không còn sức khỏe để đi làm nghề khác, một phần cũng vì yêu cái nghề này nên vẫn còn ngồi ở đây. Mấy đứa trẻ chuyển nghề hết, một số đứa đi làm nghề chạy taxi, một số khác thì bán quán cà phê hết rồi".
Bà Thu Nga đang bán báo cho khách |
Gần sạp báo của bà Thu Nga, hai chị em bà Chi Mai đang ngồi đợi khách vào mua báo. Hai chị em này đã có thâm niên 30 năm ngồi bán báo trước nhà in Lê Quang Lộc.
Bà Lý, em gái của bà Mai tự hào: "Chị em tui bán báo ở đây từ cái thời chị Kim Hạnh còn là Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, tòa soạn chưa chuyển đi. Chắc lúc đó chú còn xách cặp đi học, từ năm 1986 tới giờ. Hỏi tên hai chị em tui thì trong làng báo nhiều người biết đó".
"Tui theo nghề bán báo suốt mấy chục năm cũng vì lý do thích đọc báo. Giờ già rồi, không biết làm gì khác, bán được bao nhiêu thì bán", bà Mai buồn bã.
Bà Mai đã dành gần trọn cuộc đời ngồi bán báo trước nhà in Lê Quang Lộc, từ thời báo in còn hưng thịnh đến lúc lụi tàn |
Bà Lý tiếp lời chị mình, nhớ lại: "Ngày xưa, vào những ngày cận tết, mỗi lần có khách tấp vào, có người mua tới 500-600 ngàn đồng báo các loại. Bây giờ bán từ sáng đến tối chỉ được vài trăm ngàn. Tui cũng không buồn làm gì, báo in ở Mỹ còn chết, huống gì ở Việt Nam. Bây giờ nào là Zalo, Facebook, báo điện tử... một miếng bánh chia ra nhiều người thì mỗi người nhận phần phải ít thôi".
Nhà báo Nguyễn Công Khế nhớ lại thời khắc thăng hoa nhất của tờ Thanh niên khi ông còn là Tổng biên tập: “Năm 1991, tôi đang ngủ thì nhận được tin Mỹ và đồng minh tấn công Iraq. Tôi nhảy ngay xuống giường, ra lệnh cho toàn cơ quan tập trung viết bài phản ánh. Đồng thời tôi quyết định in số lượng báo phát hành vào sáng mai tăng lên gấp đôi như thường lệ. Đúng như tôi dự đoán, 800.000 tờ báo đã bán hết sạch ngay trong buổi sáng”.
Người viết bài này nhớ thời hoàng kim của báo giấy những năm thập niên 90. Bước ra ngõ đã thấy sạp báo, nhà nhà đọc báo giấy. Hàng ngày, những người bán báo dạo xuất hiện ở các bến xe, quán cà phê rao inh ỏi, chào mời bằng những “tít” bài vụ án.
Đỉnh điểm, năm 1996, diễn viên Lê Công Tuấn Anh tự vẫn, các báo tranh nhau đăng tin. Báo in chính vào buổi sáng không kịp bán, nhiều tòa soạn còn in thêm phụ bản vào buổi chiều. Độc giả yêu thích diễn viên tài hoa bạc mệnh này đổ xô mua báo, các sạp không đủ bán, phải đi photo báo chính bản để bán. Tờ báo phô tô nhem nhuốc mực vẫn có người giành giật nhau mua…
Nghề chụp ảnh dạo lụi tàn
“Thỉnh thoảng mới có người kêu tui chụp ảnh. Người ta tự chụp bằng điện thoại hết rồi chú ơi! Nghề này mai một lắm rồi”, đứng chơi vơi giữa trung tâm Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Diên cười buồn bã.
Ở cái độ tuổi 74, ông Diên vẫn bám nghề, kiếm chút cháo rau. Đã hơn 50 năm ông ôm máy ảnh đi chụp dạo, từ lúc tóc còn xanh, nay tóc đã bạc da mồi, chân yếu. Ở cái thời nghề chụp ảnh dạo còn hưng thịnh, ông Diên vác máy ảnh đi một vòng Sở thú, các tuyến đường trung tâm, chỉ một buổi… đã đủ thu nhập nuôi cả gia đình. Thời công nghệ, mỗi người một cái điện thoại di động, cả ngày ông chụp được vài kiểu ảnh là mừng.
Làm nghề nhiếp ảnh dạo, ông Diên ăn mặc bảnh bao, sạch sẽ. Ông cười: “Tui chỉ có hình thức, chứ thiếu nội dung. Làm cái nghề này sao mà giàu nổi. Hiện tui đang thuê nhà trọ bên quận 8, hàng tháng phải chạy lo tiền đóng”.
Ông Nguyễn Văn Diên và chiếc máy ảnh Canon D30 lỗi thời so với những chiếc điện thoại thông minh đời mới |
Từ ngày tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên khởi công, khu vực trước nhà hát Thành phố, Chợ Bến Thành bị rào chắn, những người thợ chụp ảnh dạo cuối cùng của Sài Gòn, trong đó có ông Diên trôi dạt nhiều địa điểm khác, càng thảm hơn. Ông Diên phải tìm về các miền quê hẻo lánh, nơi chiếc điện thoại còn thưa thớt trên tay người dân.
Ông Diên buồn bã kể: “Tui ra Phú Quốc hành nghề được 5 năm. Nhưng ngoài đó bây giờ cũng khó sống, người ta cũng dùng điện thoại chụp ảnh hết rồi. Chân tui là chân đi, nằm nhà không chịu được nên tui phải vác máy ảnh đi tìm khách. Thời này mình phải tìm khách, chớ khách không có tìm mình như trước đâu”.
Đằng xa, một nhóm du khách nước ngoài đang “tự sướng” bằng điện thoại trước chợ Bến Thành. Nhìn cảnh đó, ông Diên nheo nheo đôi mắt, buông tiếng thở dài.
Chiếc điện thoại thông minh ra đời đã làm teo tóp nồi cơm của nhiều người chụp ảnh dạo |
Vào những ngày rằm lớn, hay dịp lễ tết, khách viếng chùa Vĩnh Nghiêm sẽ thấy bà hai người phụ nữ và một người đàn ông lớn tuổi túc trực chờ khách gọi chụp ảnh. Họ đã đeo đuổi nghề chụp ảnh dạo từ thở mái đầu còn xanh đến bây giờ đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, cũng hơn nửa thế kỷ.
Bà Thanh cúi người, lồm chồm chụp cho một gia đình đi viếng chùa kiểu ảnh. Xong, bà bảo khách đợi bà đi “rửa” ảnh. Chiếc máy in ảnh cũ chạy rè rè…
"Nghề này buồn thấy mồ, cũng như nhiều nghề khác để kiếm sống thôi. Quanh năm đói. Già rồi, không biết làm nghề gì thì làm thôi”, bà Thanh chia sẻ.
Bà Thanh đang tráng ảnh và giao cho khách |
Ngồi ở góc sân chùa, một phụ nữ khác (yêu cầu giấu tên) đang cần mẫn in ảnh, chờ ảnh khô mực để giao cho khách, trong khi người anh trai của bà đang chụp ảnh. Bà cho biết anh em bà nối nghiệp cha, trước cũng làm nghề chụp ảnh dạo nuôi sống cả gia đình. Người phụ nữ này nói: “Bạn bè tui bây giờ ai cũng có cuộc sống an nhàn, chỉ còn tui là vất vả. Tui làm cái nghề này từ lúc còn là thiếu nữ, theo chân cha khắp Sài Gòn chụ ảnh, mê chụp ảnh hồi nào không hay. Tui không ngờ anh em tui theo nghề đến bây giờ, sắp lụi tàn. Nghề này bạc bẽo lắm, buồn nhiều hơn vui”.
Lê Ngọc Dương Cầm