Châu Âu đánh đồng eo biển Kerch với Biển Đông
(PetroTimes) - Trong tuyên bố chung ngày 28/12 của Pháp và Đức, lãnh đạo hai nước đã kêu gọi cung cấp giao thông không bị cản trở cho tất cả các tàu qua eo biển Kerch và giải phóng các thủy thủ Ukraine bị bắt giữ sau khi vượt biên giới Nga bất hợp pháp.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tình hình ở Crimea và việc “Nga sử dụng lực lượng quân sự ở eo biển Kerch, cũng như kiểm tra ngặt nghèo quá mức ở biển Azov”.
“Chúng tôi kêu gọi tất cả các tàu lưu thông trên eo biển Kerch được đi lại tự do, không bị cản trở, cũng như thả ngay lập tức và vô điều kiện các thủy thủ Ukraine. Họ cũng cần có cơ hội hưởng kỳ nghỉ cùng gia đình”, bản tuyên bố chung được Điện Elysée đưa ra.
Trước đó Tổng thống Nga Vladimir Putin nói không ai hạn chế các hoạt động thông thường ở eo biển Kerch.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel |
Bộ Ngoại giao Nga ngày 28/12 cho biết eo biển Kerch chưa bao giờ là vùng biển quốc tế theo nghĩa của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, các yêu cầu về quyền quá cảnh hoặc lưu thông tự do đối với các tàu nước ngoài không được áp dụng ở đây, việc kiểm tra tàu thuyền do Cảnh sát biển Nga thực hiện là hợp lý, và tăng cường các biện pháp an ninh liên quan đến việc đưa vào vận hành cây cầu Crimea giai đoạn đầu tiên.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, chủ quyền lãnh hải của Nga tại eo biển Kerch và Biển Azov được xác định rất rõ ràng và được quốc tế thừa nhận. Vùng lãnh hải này là biển nội địa, nửa kín và được quản lý theo điều khoản số 123 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, quy định Nga và Ukraine phải “hợp tác trên mọi lĩnh vực hàng hải, kể cả việc tiếp cận eo biển”.
Điều này cũng có nghĩa là sẽ không có chuyện Mỹ hay nhiều nước phương Tây điều tàu chiến qua lại eo biển Kerch nhân danh “tự do lưu thông hàng hải” như tại Biển Đông, bởi vì mọi ý định và mục đích tại vùng nước và eo biển này đều liên quan đến quyền sở hữu và tài phán của Nga và Ukraine.
Luật lệ quốc tế nêu rõ mọi giải pháp đều phải thông qua các thỏa thuận song phương giữa Nga và Ukraine, nhất là vì cả hai nước đã ký kết một đồng thuận về việc hợp tác trên mọi lĩnh vực liên quan đến eo biển.
Liên quan tới lời kêu gọi thả người, Bộ Ngoại giao Nga nhắc lại lời ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin đưa ra trong một cuộc họp báo ngày 13/12 rằng: “Những lời kêu gọi như vậy không thể là căn cứ để vi phạm tiến trình tố tụng và cuộc điều tra đang diễn ra đối với những kẻ vi phạm biên giới nhà nước của Nga”.
Th.Long