Canada “tiếp máu” cho dầu khí
(PetroTimes) - Chính phủ Canada ngày 18/12/2018 công bố gói viện trợ 1,2 tỉ USD cho ngành dầu khí. Động thái “tiếp máu” này được kỳ vọng sẽ giảm thiểu tác động của giá dầu thấp kéo dài.
Ottawa sẽ giải ngân 1,6 tỉ đôla Canada (1,2 tỉ USD) để đáp ứng nhu cầu vốn lưu động cho các tập đoàn dầu khí, cho phép họ đủ điều kiện khám phá thị trường mới và hỗ trợ khi đối mặt với sự bất ổn hiện tại của thị trường, theo tuyên bố của Chính phủ liên bang Canada ngày 18/12/2018.
Chương trình hỗ trợ đặc biệt này được đưa ra khi khoảng 35 triệu thùng dầu ở tỉnh Alberta đang chờ đợi để xuất khẩu do sự quá tải của đường ống Bắc Mỹ và cung vượt cầu.
Khai thác dầu cát ở Alberta, Canada |
Mùa hè vừa qua, Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau đã chi ra 5 tỉ đôla Canada (3,3 tỉ euro) để quốc hữu hóa một đường ống dẫn dầu gây tranh cãi nối các mỏ dầu của Alberta với cảng Vancouver, nhưng công việc mở rộng đường ống này vẫn đang giậm chân tại chỗ.
Để đối phó với sự bão hòa của mạng lưới đường ống Bắc Mỹ, tỉnh Alberta gần đây đã quyết định mua hàng ngàn toa xe bồn và chính phủ liên bang đã công bố hôm 18/12 rằng các gói hỗ trợ mới có thể tài trợ cho giải pháp thay thế đường ống dẫn bằng đường sắt này. “Ngành công nghiệp dầu khí rất quan trọng cho nền kinh tế của Canada”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Canada, Amarjeet Sohi, cho biết.
Canada có trữ lượng “vàng đen” lớn thứ ba thế giới nhưng lại phụ thuộc vào Mỹ trong xuất khẩu dầu mỏ. Trong những tháng gần đây, dầu của Mỹ đã được bán với giá cao hơn nhiều so với dầu của Canada, buộc Alberta phải tuyên bố cắt giảm 8,7% sản lượng dầu trong năm 2019 để kiềm chế sự sụt giảm của giá dầu.
Hỗ trợ mới của chính quyền liên bang chỉ là một trong nhiều khoản tài trợ cho ngành năng lượng của Canada. Ngoài các khoản trợ giúp của Ottawa, các tỉnh của Canada cũng cung cấp tài chính cho các doanh nghiệp dầu mỏ. Vào tháng 3/2018, Viện Quốc tế về phát triển bền vững (IISD) ước tính có khoảng 3,3 tỉ đôla Canada (liên bang và tỉnh) đã được cung cấp hằng năm để khai thác và tiêu thụ dầu mỏ trong thời gian từ giữa năm 2013 đến 2015.
Các tổ chức môi trường ngay lập tức “tố” giải pháp này của Chính phủ Canada. “Trở về từ thượng đỉnh COP24, nơi Canada đề xuất các mục tiêu đầy tham vọng cho mọi người, thật không thể hiểu nổi là Ottawa giờ lại tăng các khoản đầu tư để tăng xuất khẩu nguồn năng lượng hóa thạch” - tổ chức phi chính phủ Équiterre than thở, đồng thời kêu gọi Canada nhất quán với mục tiêu đã đưa ra với thế giới trong việc giảm nhiên liệu hóa thạch, ngăn chặn sự ấm lên của trái đất.
Tỉnh Alberta của Canada sẽ mua toa xe tàu chở dầu để tăng lượng dầu xuất khẩu lên 120.000 thùng/ngày, do hệ thống đường ống hiện tại đã bão hòa, Thủ hiến Rachel Notley công bố ngày 3/12/2018.
Tỉnh phía tây Canada này đang ngồi trên khu dự trữ dầu lớn thứ ba thế giới, đã tiến hành đàm phán với các nhà cung cấp toa xe chở dầu và hy vọng sẽ ký kết thỏa thuận này trong một vài tuần nữa - bà Notley cho biết và mong có sự tham gia của chính phủ liên bang. Những toa tàu chở dầu mới sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2019, theo bà Rachel Notley.
Theo truyền thông Canada, Alberta sẽ mua khoảng 1.000 toa xe chở dầu, với tổng trị giá khoảng 3 tỉ đôla Canada (2 tỉ euro).
Alberta hiện đang sản xuất vượt 250.000 thùng dầu so với khả năng vận chuyển của hệ thống đường ống hiện có, bà Notley nói. Bà Notley hoan nghênh chính sách quốc hữu hóa đường ống nối Alberta và cảng Vancouver, nhưng mong rằng Chính phủ Canada cần phải thực hiện nhiều hơn ngay lập tức. Dự án tăng gấp 3 lần khả năng của đường ống này mới đây đã bị đình chỉ theo lệnh của tòa án.
Vận chuyển dầu bằng đường sắt vốn gây nhiều tranh cãi ở Canada kể từ khi xảy ra vụ trật bánh một đoàn tàu chở dầu ở Lac-Megantic (Quebec) vào tháng 5-2013, khiến 47 người tử vong. Việc vận chuyển dầu bằng tàu đã tăng gấp đôi trong vòng 1 năm qua với mức 270.000 thùng/ngày trong tháng 9/2018, theo số liệu mới nhất từ Hội đồng quản trị năng lượng quốc gia của Canada.
Canada hiện sản xuất khoảng 4,8 triệu thùng dầu/ngày, chủ yếu là dầu cát ở Alberta.
Canada có trữ lượng “vàng đen” lớn thứ ba thế giới nhưng lại phụ thuộc vào Mỹ trong xuất khẩu dầu mỏ. Trong những tháng gần đây, dầu của Mỹ đã được bán với giá cao hơn nhiều so với dầu của Canada. |
S.P
Ngành dầu khí Canada hồi sinh sau thảm họa | |
Các đại gia năng lượng châu Á nhòm ngó thị trường dầu khí Canada |