Vì sao Ukraine tiếp tục thách thức Nga ở Biển Azov?
(PetroTimes) - Ukraine sẽ lại điều nhiều tàu chiến khác tới vùng Biển Azov, sau vụ ba chiếc tàu chiến của Ukraine bị Hải quân Nga bắt giữ hồi cuối tháng 11/2018 ở eo biển Kertch, nối Biển Azov với Biển Đen. Theo các chuyên gia, Kiev đang cố gắng lôi kéo sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đen.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông Anh BBC ngày 19/12, Oleksandr Turchynov, thư ký của hội đồng quốc phòng và an ninh quốc gia của Ukraine, cho biết nước này sẽ đưa chiến hạm trở lại các cảng trên biển Azov.
Ông Turchynov còn nói rằng Kiev sẽ mời đại diện khối NATO và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) lên tàu của họ để chứng tỏ rằng Ukraine không vi phạm bất cứ quy định nào.
Ông Turchynov không cho biết khi nào thì những chiến hạm này sẽ ra khơi tiếp mặc dù ông cho biết rằng sẽ không còn lâu nữa.
Phản ứng trước viêc này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, nói rằng ý định của Ukraine muốn điều tàu chiến trở lại thông qua eo biển Kertch là “hành động khiêu khích”.
Nga vây bắt 3 tàu Ukraine vi phạm chủ quyền ngày 25/11/2018 ở eo biển Kertch |
Chuyên gia quân sự Nga, ông Igor Korotchenko trong cuộc trao đổi với Sputnik nói rằng: "Nỗ lực vượt qua eo biển Kerch có thể gây ra tình huống, trong đó Ukraine sẽ biến mình trở thành nạn nhân của một ‘hành vi gây hấn khác’ của Nga, và khi đó Kiev sẽ nhờ tới sự giúp đỡ và bảo vệ của Hoa Kỳ".
Theo vị chuyên gia Nga, ở đây đề cập tới việc chuẩn bị một nền tảng thông tin cho các hoạt động tiềm năng trong tương lai của Hoa Kỳ và NATO nhằm hỗ trợ Ukraine, bao gồm mở rộng quy mô hiện diện của Hoa Kỳ ở Ukraine theo định dạng hải quân.
"Đây là một hành động khiêu khích khác được dàn dựng nhằm gây ra một cuộc đụng độ chiến sự ở khu vực eo biển Kertch với những người lính biên phòng Nga, tạo cớ gia hạn thiết quân luật ở Ukraine", ông Korotchenko cho biết.
Ngày 25/11, ba tàu của Hải quân của Ukraine là Berdyansk, Nikopol và Yana Kapa, vi phạm Điều 19 và 21 của Công ước Liên Hiệp Quốc, vượt qua biên giới biển của Nga một cách bất hợp pháp. Các tàu này không tuân theo các yêu cầu chính đáng của chính quyền Nga. Nga quyết định sử dụng vũ khí. Cả ba con tàu đều bị bắt giữ cách bờ biển Nga khoảng 20 km. Mỹ và châu Âu yêu cầu Nga thả người và tàu của Ukraine nhưng Moscow từ chối.
Chủ quyền lãnh hải của Nga tại eo biển Kertch và Biển Azov được xác định rất rõ ràng và được quốc tế thừa nhận. Vùng lãnh hải này là biển nội địa, nửa kín và được quản lý theo điều khoản số 123 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, quy định Nga và Ukraina phải “hợp tác trên mọi lĩnh vực hàng hải, kể cả việc tiếp cận eo biển”.
Điều này cũng có nghĩa là sẽ không có chuyện Mỹ hay nhiều nước phương Tây điều tàu chiến qua lại eo biển Kertch nhân danh “tự do lưu thông hàng hải” như tại Biển Đông, bởi vì mọi ý định và mục đích tại vùng nước và eo biển này đều liên quan đến quyền sở hữu và tài phán của Nga và Ukraine.
Luật lệ quốc tế nêu rõ mọi giải pháp đều phải thông qua các thỏa thuận song phương giữa Nga và Ukraine, nhất là vì cả hai nước đã ký kết một đồng thuận về việc hợp tác trên mọi lĩnh vực liên quan đến eo biển.
Căn cứ theo bản thỏa thuận gốc giữa Nga và Ukraine liên quan đến eo biển, thì Kiev vẫn có thể mời tàu chiến Hoa Kỳ hay NATO ghé thăm các cảng biển nước này. Trong khuôn khổ văn bản này, ngày 29/11/2018, Tổng thống Ukraine Petro Porochenko đã đề nghị các nước thành viên trong khối NATO và nhất là Đức triển khai tàu chiến tại Biển Azov nhằm hỗ trợ nước này đối phó với Nga.
Chỉ có điều một chiến dịch như thế rất có thể sẽ bị xem như một hành động khiêu khích và có nguy cơ gánh những đòn trả đũa từ Nga.
Th.Long