“Như loài thú hoang”: Thái Thuỳ Linh “gặp” được Lê Uyên Phương
(PetroTimes) - Sau 8 năm không “sinh thêm đứa con tinh thần nào”, thì vào nửa cuối tháng 12/2018, nữ ca sĩ Thái Thuỳ Linh chính thức phát hành album CD “Như loài thú hoang”, một cái tên có phần gai góc, hoang dại, lạ lùng và bí ẩn, hoàn toàn không giống những gì mà Thái Thuỳ Linh đã xuất hiện trước khán giả trước đây.
Album gồm 8 nhạc phẩm của nhạc sĩ Lê Uyên Phương: Hãy ngồi xuống đây, Tình khúc cho em, Một ngày vui mùa đông, Cho lần cuối, Không nhìn nhau lần cuối, Dạ khúc cho tình nhân, Uống nước bên bờ suối, Vũng lầy của chúng ta… Đây cũng là những ca khúc mà Thái Thuỳ Linh đắm đuối với những lời ca đã giúp cô giải đáp được rất nhiều câu hỏi của chính cuộc đời mình. Thái Thuỳ Linh chưa từng tưởng tượng được rằng, có một ngày cô có thể gặp những tác phẩm không chỉ đẹp mà còn mang tinh thần triết học vô cùng sâu sắc như vậy.
Đã tìm được nơi để bộc lộ… sự nữ tính của chính mình
Trong lời tựa album, Thái Thuỳ Linh viết:
“Hãy ngồi xuống đây như loài thú hoang yêu nhau ngoài đồng
Dưới nắng ban mai phô thân trần truồng kiếp sống hoang sơ
Hãy ngồi xuống đây trên lưng cuộc đời thách đố thương đau”
“Nghe Lê Uyên Phương từ khi còn là một nhi đồng, ấy thế nhưng đến tận khi là một người đàn bà gần bốn mươi, tôi mới "gặp" Lê Uyên Phương, thực sự gặp chính mình trong âm nhạc của Lê Uyên Phương khi lần đầu tiên tôi bị cuốn vào một niềm say mê thực sự với dòng nhạc mà người ta thường gọi là “nhạc vàng”, “nhạc xưa” - thứ nhạc mà khi còn trẻ tuổi, ngông cuồng và quằn quại với pop rock, tôi chỉ thấy nó não nề, buồn tẻ.
Trong nhiều năm, tôi đã mang nặng thành kiến về thứ âm nhạc mà bố mẹ tôi thường phải lén lút vặn nhỏ chiếc cassette để nghe khi cả khu phố đã ngủ say. Những năm 80, Morden Talking và Boney M có thể được bật ầm đường, nhưng Chế Linh, Duy Khánh, Thanh Tuyền Khánh Ly thì bị cấm. Tôi bị bàng hoàng khi nhận ra, mình đã vì cái thành kiến tuổi thơ mà bỏ quên đi biết bao ca khúc mê đắm, những lời ca và giai điệu vừa trần trụi đời, vừa rực rỡ hoan ca, vừa run rẩy đẹp:
“Em ơi lắng nghe chim trong vườn hót
Chim ơi hãy cho ta luôn được mãi xuân nồng”
(Không nhìn nhau lần cuối)
“Giấc mơ xưa khăn phủ vành sô
Có yêu nhau ngọt ngào tìm nhau”
(Dạ khúc cho tình nhân)"
Đây là album nhạc của một người đàn bà đang độ chín, như ly rượu vang có ngọt, có chát, đã ủ đủ lâu. Người đàn bà đã xước xát vì trải qua nhiều giông bão, nhưng hôm nay có thể ung dung mỉm cười xăm lên lưng mình một chữ NGỘ, kiêu hãnh và hào sảng hát lên:
“Hãy ngồi xuống đây bên con vực này ngó xuống thương đau”
Chừng ấy tâm sự được chắt chiu như ly rượu vang sánh đỏ, là lý do Thái Thuỳ Linh yêu nhạc Lê Uyên Phương. Cô tìm được chính mình, được bộc lộ phần nữ tính trong mình mà từ lâu cô đã ngỡ quên đi giữa những lo toan, sóng gió cuộc đời.
Lâu nay, khi nhắc đến Thái Thuỳ Linh, người ta nghĩ ngay đến sự mạnh mẽ, ngang tàng, thậm chí còn có thời gian rất… quằn quại. Rất ít người biết đến hình ảnh một Thái Thùy Linh khác, phần nữ tính cũng bị Linh “giấu nhẹm” đi, như để đối phó với bão giông. Nhưng lúc này, khi gặp được nhạc Lê Uyên Phương, Linh mới bày tỏ rằng cô thực sự thấy mình như đã đạt đến độ chín của người phụ nữ, với đầy đủ những trải nghiệm lúc bình yên hay sóng gió của cuộc đời.
“Rất may mắn cho tôi “gặp”Lê Uyên Phương khi bản thân mình đã nếm trải đủ cung bậc vui buồn của cuộc sống, cả hạnh phúc và đau khổ, cả khi viên mãn hay lúc cô đơn. Âm nhạc của Lê Uyên Phương đẹp diễm lệ nhưng cũng đau đến tận cùng, có đỉnh cao và có vực sâu, rất đời thực mà cũng đầy tính triết học, có tính nhân văn khiến tôi thổn thức nhưng cũng có những giây phút ngạo nghễ điên cuồng. Tôi thấy tôi rất nhiều trong âm nhạc của ông, như một bức tranh họa lại đời sống tôi đang có.
Ai cũng biết đến tình yêu không dời đổi của cặp đôi âm nhạc Lê Uyên và Phương. Hầu hết các ca khúc đã được ra đời bởi tình yêu mãnh liệt ấy, nên hình ảnh của người phụ nữ trong âm nhạc Lê Uyên Phương đẹp vô cùng, kiêu sa mà nữ tính vô cùng. Tôi thấy hân hoan khi nhập tâm vào lời ca, tôi như được nương nhờ, được khoe ra những gì “đàn bà” nhất trong cảm xúc và giọng hát của mình. Tôi thực sự rất tâm đắc khi gặp được âm nhạc Lê Uyên Phương”.
Người đầu tiên phát hành album nhạc Lê Uyên Phương với vai trò ca sĩ độc lập
Nhạc Lê Uyên Phương tuyệt vời là thế, mà không ngờ, Thái Thuỳ Linh may mắn là người đầu tiên ra album nhạc Lê Uyên Phương với vai trò ca sĩ độc lập. Trước đó, chỉ có vợ chồng nhạc sĩ Lê Uyên Phương ra album nhạc của chính mình, cả trong nước và hải ngoại.
Tính đến thời điểm này, đã 7 năm Thái Thuỳ Linh chưa ra sản phẩm mới. Người ta thấy cô chỉ say sưa với những hoạt động thiện nguyện, lúc lên miền núi khi vào bệnh viện, chọn con đường tận hiến phục vụ những khán giả đặc biệt là trẻ em nghèo hay bệnh nhân đau ốm. Nhiều người cho rằng cứ đà này, có khi Thái Thuỳ Linh sẽ nghỉ hát dần.
Sự thực là, người ca sĩ, khi đam mê nghệ thuật đã ngấm vào máu thì sẽ không thể nào rời xa được. Cũng đôi lần cái tôi trong âm nhạc trỗi dậy, Linh cũng dự định thực hiện dự án này, dự án nọ; cũng đặt hàng các nhạc sỹ viết những ca khúc mới, cũng có đôi lúc phân vân trước những lời đề nghị ra sản phẩm theo xu hướng thị trường… Nhưng chưa có mối duyên âm nhạc nào đủ sức cuốn Linh theo. Vài lần thấy cô hẹn khán giả, rồi bỏ lửng…
Thế rồi, cái duyên đến thật tình cờ.
Tháng 4/2017, ca sĩ Ngọc Châm tổ chức chương trình nghệ thuật kỉ niệm 1 năm ngày mất của nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9. Bằng tấm lòng kính trọng người nghệ sỹ già, Linh gọi điện cho Châm xin được góp 1 tiết mục trong đêm nhạc ấy. Bài hát “Kiếp Hoa” mà nhạc sỹ Nguyễn Quang (con trai nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9) chọn cho Linh cũng chính là bài hát nhạc xưa đầu tiên mà Linh trình diễn trong đời, ngay lần đầu thể hiện đã nhận được những tràng pháo tay vang dội của khán giả Hà Nội. Sau đêm nhạc này, Ngọc Châm tha thiết khuyên Linh nên chinh phục dòng nhạc tình mà Linh “thành kiến” bấy lâu. Linh ậm ừ, chần chừ, suy nghĩ…
Một lần, trong khi lên mạng tìm hiểu và nghe nhạc, Linh gặp bản song ca “Vũng lầy của chúng ta”, do Lê Uyên và Phương trình diễn. Thái Thùy Linh lập tức bị chinh phục.
Những lời ca “lạ” quá…
Những giai điệu đẹp, dễ hát nhưng không dễ đoán trước giai điệu sẽ phát triển thế nào, chẳng giống phần lớn ca khúc nhạc xưa với những cấu trúc quen thuộc.
Linh háo hức nghe tiếp “Dạ khúc cho tình nhân”, “Cho lần cuối”, “Hãy ngồi xuống đây”… Cô lập tức… “si tình”, trở thành tín đồ của những lời hát đẹp có lúc đến hoang tàn, nhưng ẩn sau đó là tính triết học và nhân văn sâu sắc. Linh sung sướng gọi đó là những bài hát không tuổi.
Lúc ấy, Linh 37. Cô tự biên tập rất nhanh tuyển tập Lê Uyên Phương yêu thích cho mình, hạnh phúc nhận ra một sự đồng cảm, đồng điệu lớn lao với người nhạc sỹ mà cô chưa một lần gặp mặt.
Nếu “gặp” sớm hơn, chưa chắc Linh đã đồng cảm đến thế, si mê đến thế. Là vì, sau khi sinh em bé thứ hai ở tuổi 35, đây là giai đoạn Linh bắt đầu quan tâm và cảm mến đạo Phật, nghiên cứu tìm hiểu những triết lý, tư duy sống tiến bộ, bắt đầu chiêm nghiệm nhiều hơn về chính mình, về cuộc đời. “Gặp” Lê Uyên Phương, Thái Thùy Linh vui sướng đến run rẩy khi lắng nghe những lời ca:
“Hãy ngồi xuống đây như loài thú hoang yêu nhau ngoài đồng
Dưới nắng ban mai phô thân trần truồng kiếp sống hoang sơ
Hãy ngồi xuống đây trên lưng cuộc đời thách đố thương đau…”
Cô choáng ngợp trước tư tưởng của người nhạc sỹ ấy: con người với con người hãy trở về yêu nhau bằng những gì chân thật nhất, bản năng nhất, bỏ qua mọi oán giận, thù ghét, hận thù. Những lớp mặt nạ rồi cũng sẽ rơi xuống, son phấn cũng sẽ nhạt phai, chỉ còn lại người với người, như muôn loài trên trái đất này.
Và có lẽ, tất cả những lý do về độ chín của tuổi, của những chiêm nghiệm ấy đã giúp cô tìm thấy tiếng nói của đời sống mình ở nhạc Lê Uyên Phương. Với dự án Vol.4 lần này, Thái Thuỳ Linh đang vẽ nên miếng ghép quan trọng để hoàn thiện bức chân dung âm nhạc của chính mình. Không chỉ là một Thái Thùy Linh mạnh mẽ, ngang tang, mà còn là một Thái Thùy Linh nồng nàn yêu đương, yếu mềm và khao khát.
Cái bóng của cặp đôi huyền thoại Lê Uyên và Phương quá lớn nên rất ít ca sỹ chọn hát lại những bài họ đã hát quá thành công. Nhưng nhưng Linh tin tưởng một cách sâu sắc rằng, có một mối Duyên đã ở đó, chờ ngày cô tìm tới. Và thế là và cô nhất định phải hát thôi, cho dù khi Linh gặp thì hầu hết các bài hát của Lê Uyên Phương đều đã trên dưới tuổi 50.
Chắp cánh cho Thái Thùy Linh trong album này, không thể không nhắc tới nhạc sĩ Nguyễn Quang, người đã giúp cô thực hiện toàn bộ phần hòa âm phối khí và cả trực tiếp thu âm cho Linh 8 ca khúc trong 3 ngày kỉ lục. Gặp nhạc sĩ Nguyễn Quang, Thái Thuỳ Linh cũng như “cá gặp nước” khi cả hai lập tức tìm thấy những sự đồng điệu trong âm nhạc. Cả 2 đều đã cảm thấy chán chường với những sự “na ná” nhau và bão hòa của thị trường âm nhạc, đều mong muốn thực hiện những dự án “vì âm nhạc” nhất, mà không bị phụ thuộc bởi phép tính toán nào. Là người được gặp nhạc sỹ Lê Uyên Phương nhiều lần khi còn nhỏ và rất am hiểu, Nguyễn Quang đã có phần hòa âm phối khí xuất sắc, thực sự thổi một hơi thở mới vào những bài hát đã quá quen thuộc từ nửa thế kỷ qua.
Một điểm thú vị nữa của album, điều mà Thái Thuỳ Linh không thể ngờ được chính là việc: cô là người đầu tiên được cấp phép hát ca khúc “Hãy ngồi xuống đây” tại Việt Nam. Đích thân danh ca Lê Uyên đã có bút tích xác nhận đồng ý cho Thái Thuỳ Linh được thực hiện album ca khúc mà cô rất tâm đắc này - ca khúc chủ đề album mà Thái Thuỳ Linh rất yêu thích và đồng cảm. Thái Thuỳ Linh thấy mình như được trợ duyên hết mức để có thể toại nguyện đưa nhạc Lê Uyên Phương đến với công chúng rộng khắp hơn qua album lần này.
Một trang mới của đời sống
Thái Thuỳ Linh kể: “Cho đến khi bắt tay vào thực hiện album “Như loài thú hoang”, tôi vẫn nghĩ rằng ca khúc mình thích nhất là “Vũng lầy của chúng ta”, nó dường như miêu tả đúng tôi thời điểm đó, khi tôi trải qua giai đoạn bế tắc và hoang mang trong cuộc sống. Xã hội nhiều hiểm nguy rình rập, lòng người thay đổi, có lúc tôi như thấy chính tôi trong vũng lầy nào đó của cuộc đời. Suốt thời gian gần 1 năm khi tôi bắt tay vào thực hiện album, tôi tình cờ được trải qua nhiều cung bậc cuộc sống, có những lúc rất đau khổ, có những lúc xuống đáy vực thẳm, có lúc thăng hoa. Đến thời điểm đó, tôi vẫn loay hoay với “vũng lầy” của mình, loay hoay với cả ngàn câu hỏi tại sao tôi đã hi sinh và tận hiến thế này mà sao phải nhận lại thế kia? Tôi muốn hát Lê Uyên Phương, mà lại sợ Lê Uyên Phương, chính là vì tôi đã có lúc đặt kì vọng quá cao vào bản thân mình.
Một buổi sáng ở Sài Gòn, tôi ngủ dậy muộn sau buổi thu âm khuya ngày hôm trước, những ngày mà tôi cũng vẫn loay hoay thấy mình hát chưa thật đúng tinh thần Lê Uyên Phương. Bỗng, trong một tích tắc nào đó, trong đầu tôi chợt bật ra cái tựa đề album mà bấy lâu mình nghĩ mãi chưa ra. “Như loài thú hoang” được chọn luôn như vậy, lấy cảm hứng từ ca khúc chủ đề mà tôi tâm đắc. Bất luận điều gì thì cũng “hãy ngồi xuống đây, bên con vực này, ngó xuống thương đau”.
Và, tôi cũng như rơi vào trạng thái thiền, không còn quan tâm đến bất cứ điều gì, gạt mọi muộn phiền và chỉ nghĩ đến âm nhạc, đến đời sống nhạc Lê Uyên Phương. Và tôi đã thu rất nhanh với tốc độ kỷ lục 3 ngày 8 ca khúc trong album này…”.
Không chỉ có tâm thế sống mới, Thái Thuỳ Linh còn xăm trên vai trước mình dòng chữ “Không có bùn, không có sen” và phía sau là chữ “Ngộ”. Cô như bước sang một trang khác của đời sống.
Linh bảo, bây giờ cô đã… dễ tính hơn nhiều so với trước đây, kể cả trong chuyện tình cảm. Trước đó, cô cũng như bất kể ai luôn thấy sợ đau khổ, ngay cả muốn yêu ai đó cũng phải tính tới tính lui để làm sao hạn chế nhiều nhất những khổ đau. Nhưng rồi khi “ngộ”, Thái Thuỳ Linh thấy và cũng như nhạc Lê Uyên Phương “nói”: đau khổ là chuyện thường tình của đời sống này, mình còn khao khát yêu thì còn đau khổ vì yêu, đó là điều bình thường quá đỗi bình thường. Trong âm nhạc, dù đau khổ hay đang say đắm, lãng mạn thì Lê Uyên Phương vẫn luôn tìm được nét đẹp của nó, không bế tắc hay tuyệt vọng.
Và, Thái Thuỳ Linh đã, đang sống như thế. Cô đã tìm được mảnh ghép để hoàn thiện chân dung âm nhạc của mình, cũng đồng thời tìm chân lý của bức tranh đời sống mà cô tìm kiếm bao lâu nay với dằng dặc những thăng trầm đã qua, thấu hiểu tận cùng rằng “Không có bùn, không có sen”…
Thái Thuỳ Linh đã tìm thấy mảnh ghép cuối cùng trong chân dung âm nhạc của mình, tìm thấy lời giải cho cuộc đời, duyên phận mình từ nhạc Lê Uyên Phương.
Việt Châu
Thái Thùy Linh: Cô ca sĩ nổi tiếng với... thiện nguyện! | |
Tuyệt chiêu “tâm thư”! | |
Thái Thùy Linh: "Tôi thực tế và dám sống” |