Những câu hỏi xung quanh quyết định rút quân khỏi Syria của Tổng thống Trump
Quyết định đưa Mỹ ra khỏi chiến trường Syria của Tổng thống Donald Trump đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về mục đích thật sự của ông Trump khi đưa ra quyết định cũng như tình thế chiến lược hiện tại ở đất nước Trung Đông.
Quân nhân Mỹ tại Syria (Ảnh: AFP) |
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ thị cho Lầu Năm Góc rút quân ngay lập tức khỏi Syria khi Syria đã gần giải phóng hoàn toàn lãnh thổ khỏi sự kiểm soát của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), theo Reuters.
“Chưa một ai tuyên bố nhiệm vụ đã hoàn thành”, ông Brett McGurk, đặc phái viên của Mỹ tại liên minh toàn cầu chống IS phát biểu cách đây chỉ 2 tuần trước.
Mặt khác, trong những tháng gần đây, giới chức Mỹ nhiều lần nhấn mạnh rằng ngoài mục tiêu chống khủng bố, Washington sẽ hiện diện đến khi Iran rút lực lượng khỏi Syria cũng như khi quốc gia Trung Đông chìm ngập trong nội chiến liên miên suốt những năm qua tìm được giải pháp chính trị.
Mỹ bắt đầu xuất hiện tại Syria vào mùa thu năm 2015 khi cựu Tổng thống Barack Obama điều một nhóm lực lượng đặc biệt tới đào tạo cho dân quân người Kurd các kỹ năng tiêu diệt IS. Sau 3 năm, số lượng quân nhân Mỹ ở Syria tăng mạnh, vào thời điểm hiện tại là 2.000 người. Các căn cứ, công trình quân sự được xây dựng dọc khu vực đông bắc Syria.
Chính vì vậy, khi nhìn vào tình hình hiện tại, ông Trump dường như đã cân nhắc về quyết định rút quân khỏi Syria. IS gần như đã bước tới ngày tàn. Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn tại nhiệm với sự ủng hộ từ các đồng minh Nga và Iran. Nếu mục tiêu hiện diện quân sự của Mỹ là nhằm kiềm chế sức ảnh hưởng của Iran hay Nga tại khu vực, thì con số 2.000 quân dường như không thấm vào đâu.
Câu hỏi đầu tiên mà giới quan sát đặt ra chính là liệu ông Trump quyết định rút quân khỏi Syria có phải vì cuộc bầu cử năm 2020 hay không. Trên thực tế, trong thời gian gần đây ông đã có một số động thái nhằm tạo ấn tượng tốt với cử tri Mỹ.
Ngày 18/12, ông đã thông qua lệnh cấm thiết bị có khả năng biến súng trường bán tự động thành súng máy tự động, hơn 1 năm sau vụ xả súng kinh hoàng ở Las Vegas.
Quyết định rút quân khỏi Syria mà chưa cảnh báo trước với Quốc hội được cho là một phần trong chính sách “Nước Mỹ là trên hết” của ông Trump. Giới chuyên gia hoàn toàn có thể đưa ra nhận định trên, nhất là trong bối cảnh ông Trump đang tìm cách thuyết phục đảng Dân chủ đồng ý chi tiền xây bức tường biên giới với Mexico, thậm chí ông còn từng hé lộ rằng quân đội có thể đóng vai trò trong việc xây công trình này. Rõ ràng, ông Trump dường như đang muốn các cử tri thấy rằng chiến lược của ông đang đặt nước Mỹ vào trọng tâm giống như những gì mà ông từng cam kết trước đó.
Xe quân sự Mỹ tại Syria (Ảnh: AFP) |
Mặc dù vậy, quyết định rời Syria của ông Trump khiến cho các thành viên có quan điểm “diều hâu” của đảng Cộng hòa không đồng lòng. Nếu Mỹ rút quân, gần 1/3 lãnh thổ nằm ngoài tầm kiểm soát của ông Assad sẽ ra sao? Liệu một cuộc nội chiến mới có nảy sinh khi Mỹ rời đi? Và nếu tình hình hỗn loạn trở lại, liệu một lực lượng cực đoan như IS có xuất hiện lại lần nữa?
Ngoài ra, Mỹ cũng chống lưng cho lực lượng người Kurd ở phía bắc Syria, một trong những lực lượng nòng cốt đánh IS. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ lại xếp người Kurd vào danh sách phần tử khủng bố và nhiều lần dọa tấn công lực lượng này bất chấp đồng minh Washington thân thiết.
Câu hỏi đặt ra là Washington đã thương lượng gì với Ankara? Sau khi họ rời đi, người Kurd có được đảm bảo an ninh và nếu người Kurd bị “bỏ rơi” liệu Thổ Nhĩ Kỳ có tấn công lực lượng này hay không? Câu hỏi quan trọng hơn cả đó chính là chiến lược Trung Đông kế tiếp của Mỹ là gì?
Giới quan sát cũng đồng thời đặt ra câu hỏi rằng liệu Nga có phải là “người thắng cuộc” khi Mỹ rút quân khỏi Syria hay không? Trên thực tế, Nga đã tham chiến chống khủng bố tại Syria từ năm 2015 sau khi nhận được yêu cầu trợ giúp từ chính phủ ông Assad. Nga cũng nhiều lần chỉ trích sự hiện diện của Mỹ ở Syria là trái phép vì không được Damascus hay Liên Hợp Quốc công nhận.
Theo Dân trí