Ba "ông lớn" Samsung, VinFast và Thaco nói gì về công nghiệp hỗ trợ Việt Nam?
Kiến nghị để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, đại diện của Thaco - Trường Hải, Samsung và VinFast đều cho rằng, Chính phủ nên hành động cụ thể như xây dựng trung tâm triểm lãm tích hợp, đào tạo nhân lực và hỗ trợ kết nối và hợp tác đào tạo để tìm nhà cung ứng.
Tại Hội nghị về Các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam do Văn phòng Chính phủ tổ chức sáng 19/12, có khá nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đăng đàn nói về thực trạng và giải pháp để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
Ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup |
Ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup khẳng định: Doanh nghiệp Việt không phát triển được công nghiệp hỗ trợ vì họ không nắm được quyền mua bán, không hiểu là tập đoàn lớn cần có những nguyên phụ liệu nào?
"Điều tôi trăn trở nhất là đất nước chúng ta có bao nhiêu trung tâm triển lãm, hội chợ, nghiên cứu & sáng tạo, logistics có tích hợp vào một điểm. Tích hợp mới là quan trọng, bởi khi nước ngoài họ vào, thì họ chỉ cần đi một nơi là họ biết hết được chúng ta có gì, đang làm gì và làm như thế nào?", ông Huệ nói.
Theo ông Huệ, phải có các khu triển lãm tích hợp để làm nơi chúng ta triển lãm thành tựu, trưng bày nghiên cứu, chào bán hàng hóa, trưng bày ý tưởng... "Chúng tôi mong muốn Chính phủ xây dựng các trung tâm tích hợp để công nghiệp Việt Nam show hàng cho các doanh nghiệp quốc tế tới, đặt trụ sở ở Việt Nam", ông Huệ kiến nghị.
Là doanh nghiệp lớn nhất về sản xuất, xuất khẩu điện thoại, linh kiện điện thoại tại Việt Nam, đại diện Samsung Việt Nam, ông Ryu Kilsang, Giám đốc truyền thông Samsung Việt Nam cho biết: Mỗi năm doanh nghiệp này vẫn tự đi tìm doanh nghiệp phụ trợ cho mình.
Ông Ryu Kilsang, Giám đốc truyền thông Samsung Việt Nam |
Tính đến nay, chúng tôi đã thiết lập được 35 doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1; 190 nhà cung ứng cấp 2 và hơn 400 doanh nghiệp làm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sản xuất như vận tải, thực phẩm, an ninh, vệ sinh, cảnh quan...
Hiện Samsung cũng đang tìm kiếm và xây dựng nhóm doanh nghiệp cung ứng tiềm năng với 180 doanh nghiệp Việt để xây dựng và phát triển họ làm đầu mối cho mình.
Ngoài việc tự đi tìm các ứng viên tiềm năng cho mình, ông Ryu cho biết Samsung Hàn Quốc đã cử đội ngũ chuyên gia từ Hàn Quốc sang và triển khai chương trình đào tạo kéo dài 3 tháng tại các doanh nghiệp Việt Nam.
Đại diện Samsung Việt Nam cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 54 doanh nghiệp tham gia chương trình và đạt nhiều kết quả tốt. Samsung đã kết hợp với Bộ Công Thương đào tạo 200 chuyên gia vấn Việt Nam và trong năm nay đã hoàn thành đào tạo cho 95 chuyên gia.
Ông Ryu cho rằng, phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của mỗi quốc gia, đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Đó cũng là đòn bẩy để Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu ở nhiều lĩnh vực trong đó có ngành điện tử.
Là doanh nghiệp tư nhân lớn lắp ráp ô tô tại Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Trường Hải - Thaco Trần Bá Dương đề xuất Chính phủ có các chính sách đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao cho ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là nhân sự làm công tác nghiên cứu và phát triển (R&D).
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch của Thaco Group |
"Chính phủ cần có những chính sách hợp lý nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định sản xuất trong thời gian dài để doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam", ông Dương nói.
Ông Trần Bá Dương nói: "Bản thân ngay các doanh nghiệp ô tô và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng cần đẩy mạnh liên kết trong chuỗi sản xuất nhằm hợp tác, phân công sản xuất, tận dụng các nguồn lực, tiêu thụ sản phẩm lẫn nhau để cùng phát triển".
Theo Dân trí