Kiến nghị tiếp tục khai thác dự án mỏ sắt Thạch Khê
(PetroTimes) - Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam vừa có đề xuất tiếp tục triển khai thực hiện dự án mỏ sắt Thạch Khê, tránh trường hợp dự án bị tạm dừng kéo dài, gây bức xúc cho người dân, lãng phí nguồn lực…
Theo đó, Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam vừa có kiến nghị gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước liên quan đến dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh. Bản kiến nghị này có chữ ký, ghi tên đầy đủ của 65 nhà khoa học về khai thác mỏ, địa chất, khoáng sản, môi trường… đưa ra đề xuất tiếp tục triển khai thực hiện dự án này, tránh trường hợp dự án bị tạm dừng kéo dài, gây bức xúc cho người dân, lãng phí nguồn lực.
Mỏ sắt Thạch Khê - Hà Tĩnh. |
Cụ thể, Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam cho biết công tác thăm dò, khảo sát và nghiên cứu điều kiện địa chất khu mỏ đã được thực hiện từ năm 1960 bởi nhiều tổ chức trong và ngoài nước (Liên Xô - Nga, Đức, Úc, Nhật…) với nhiều công trình nghiên cứu khác nhau.
Kết quả nghiên cứu qua nhiều thời kỳ cho thấy, các tài liệu về trữ lượng mỏ, địa chất thủy văn, địa chất công trình là tương đối đầy đủ, đảm bảo độ tin cậy để tiến hành nghiên cứu, thiết kế và khai thác mỏ đến độ sâu -550m. Là mỏ có trữ lượng lớn (544 triệu tấn quặng sắt), nằm trong khu vực có địa hình bằng phẳng, đất đai khô cằn, thưa cư dân, điều kiện giao thông thuận tiện, thân quặng lớn, tập trung và nằm dưới độ sâu so với mực nước biển. Điều kiện địa chất mỏ phù hợp với việc khai thác bằng phương pháp lộ thiên, là phương pháp mà ngành khai thác mỏ trong nước có nhiều kinh nghiệm và đạt trình độ thế giới.
Trong văn bản này, Hội đánh giá dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh là “hoàn toàn khả thi, các giải pháp công nghệ khai thác và bảo vệ được lựa chọn là hợp lý, an toàn, đạt hiệu quả cao…”.
Trên cơ sở thừa kế các nghiên cứu của các tổ chức trong và ngoài nước, dự án đã tính toán, lựa chọn phương pháp và công nghệ khai thác, cụ thể như sau: Áp dụng phương pháp khai thác lộ thiên, đào sâu đáy mỏ đa cấp, công nghệ đổ bãi thải ngoài trên đất liền, vận tải bằng ô tô và bãi thải lấn biển, vận tải bằng ô tô…
Hiệp hội khẳng định qua kinh nghiệm thực tế của các mỏ lộ thiên lớn vùng Quảng Ninh vài chục năm nay và kết quả thử nghiệm công nghệ và đất tầng phủ tại mỏ Thạch Khê vừa qua có thể khẳng định phương pháp và công nghệ khai thác được lựa chọn là tiên tiến, hiện đại, phù hợp với điều kiện địa chất của mỏ và điều kiện khí hậu của Việt Nam, đảm bảo hiệu quả, giảm thiểu tổn thất tài nguyên và tác động xấu tới môi trường.
Ngoài ra, Hội cho biết việc khai thác mỏ này cũng đã có các giải pháp bảo vệ môi trường như giải pháp giảm thiểu ảnh hưởng của hạ mức nước ngầm; giải pháp ứng phó với thiên tai, sự cố môi trường như động đất, mưa bão, nước biển dâng; giảm thiểu ảnh hưởng của cát bay, cát chảy; xử lý nước thải mỏ… Hội khẳng định “các giải pháp thiết kế đưa ra là có cơ sở khoa học và thực tế, đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn về đê chắn chóng và giảm thiểu ảnh hưởng môi trường”. Hiện nay, giá quặng trên thế giới dao động khoảng 65-70 USD/tấn. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, đến năm 2030 giá quặng sắt không dưới 60 USD/tấn. Như vậy hiệu quả kinh tế của dự án sẽ khả thi hơn và thời gian hoàn vốn sẽ sớm hơn.
Tùng Dương