Mỹ gióng hồi chuông cảnh báo lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài sau vụ Huawei
Vụ Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ được cho là lời cảnh báo sớm với các lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài khi lực lượng hành pháp Mỹ bắt đầu nhắm mục tiêu tới các cá nhân làm việc tại các công ty vi phạm lệnh trừng phạt.
Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu (Ảnh: Yahoo) |
Những tranh cãi liên quan tới vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu ngày càng được nhiều người Trung Quốc xem là động thái “bắt cóc chính trị”, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông sẽ can thiệp vào vụ việc này nếu như điều đó có lợi cho việc đàm phán thương mại giữa Bắc Kinh và Washington. Đối với lãnh đạo của các tập đoàn nước ngoài có quan hệ làm ăn với các quốc gia nằm trong “danh sách đen” của Mỹ, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo cho những điều sắp đến.
Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng, vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu đã “chọc giận” chính phủ Trung Quốc và khiến mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Canada gặp sóng gió. Đây là kết quả của việc Bộ Tư pháp Mỹ chuyển đổi trọng tâm, trong đó tập trung vào việc điều tra các nhà lãnh đạo làm việc trong các công ty vi phạm luật pháp Mỹ.
Giám đốc Tài chính Huawei bị bắt tại Canada vào ngày 1/12 theo đề nghị của tòa án New York với cáo buộc gian lận. Cáo buộc này có liên quan tới nghi vấn tập đoàn Huawei vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Bà Mạnh đã đồng ý trả 7,5 triệu USD để được tại ngoại.
Trong bài phát biểu hôm 29/11, Thứ trưởng Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein cho biết theo Luật Chống tham nhũng nước ngoài sửa đổi, “việc bắt các cá nhân phải chịu trách nhiệm vì những hành vi sai trái sẽ là ưu tiên hàng đầu trong mọi cuộc điều tra về doanh nghiệp”.
“Biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn hành vi tội phạm của các doanh nghiệp là phát hiện và trừng phạt những người phạm tội. Vì vậy chúng tôi đã điều chỉnh lại chính sách để làm rõ rằng… doanh nghiệp không nên ra quy định để bảo vệ cho các cá nhân trước nghĩa vụ pháp lý”, Thứ trưởng Rosenstein nhấn mạnh.
Giám đốc tài chính Huawei lần đầu xuất hiện sau khi được tại ngoại
Theo Thứ trưởng Rosenstein, Bộ Tư pháp Mỹ đã cáo buộc hơn 30 cá nhân và kết tội 19 trường hợp trong một năm qua, sau khi xem xét lại chính sách về trách nhiệm của cá nhân trong các vụ vi phạm của doanh nghiệp.
Trước đó, Mỹ từng nhắm mục tiêu tới các công ty vi phạm các lệnh trừng phạt và phạt nặng hàng loạt ngân hàng quốc tế. Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc Washington chuyển mục tiêu sang các công dân trong các doanh nghiệp nước ngoài nhằm “nối dài cánh tay” hành pháp có thể đem lại những rủi ro mới.
Theo Giáo sư Jeffrey Sachs tại Đại học Columbia, mặc dù các lãnh đạo doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm vì những hành vi sai trái của doanh nghiệp, nhưng “việc bắt đầu bằng một doanh nhân hàng đầu của Trung Quốc, thay vì hàng chục (giám đốc điều hành) CEO và (giám đốc tài chính) CFO phạm tội của Mỹ, là động thái khiêu khích mạnh mẽ đối với chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và công chúng Trung Quốc”.
Ông Sachs cho rằng nhiều ngân hàng, bao gồm cả các ngân hàng Mỹ như JP Morgan Chase, đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. Tuy nhiên, không có bất kỳ CEO hay CFO nào của các ngân hàng này bị bắt giam.
“Ai cũng có thể nói mà không cần phóng đại rằng, vụ việc này (bắt giữ bà Mạnh) là một phần trong cuộc chiến kinh tế với Trung Quốc, và đây là một hành động liều lĩnh”, Giáo sư Sachs nhận định.
Toan tính của Mỹ?
Tranh vẽ bà Mạnh dự phiên tòa tại Canada. (Ảnh: AP) |
Trong cuộc phỏng vấn với Reuters hôm 12/12, Tổng thống Trump cho biết ông sẵn sàng can thiệp vào vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu để đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc hoặc giành được lợi thế cho các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Tổng thống cũng nói thêm rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa gọi cho ông để trao đổi về vụ bắt giữ. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã liên lạc với cả Bộ Tư pháp và các quan chức Trung Quốc về vụ việc này.
Theo nhà nghiên cứu Mei Xinyu tại Viện Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế Trung Quốc, một viện nghiên cứu nhà nước có liên hệ với Bộ Thương mại Trung Quốc, những phát ngôn của Tổng thống Trump có thể được hiểu là “lời thú nhận gián tiếp” về việc Mỹ đã bắt cóc bà Mạnh Vãn Chu.
Vụ bắt giữ giám đốc tài chính Huawei đã khiến Bắc Kinh “nổi đóa”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu tập cả đại sứ Mỹ và đại sứ Canada để phản đối vụ việc và yêu cầu Canada thả bà Mạnh, nếu không sẽ phải đối mặt với “những hậu quả nghiêm trọng”.
Truyền thông nhà nước và giới nghiên cứu Trung Quốc hầu hết đều xem vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu là một “mưu đồ” của Mỹ nhằm gây tổn hại cho kế hoạch phát triển công nghệ 5G của tập đoàn Huawei, đồng thời kiềm tỏa sự trỗi dậy của Trung Quốc.
“Washington không nên tìm cách sử dụng luật nội bộ của nước này để hậu thuẫn chiến lược cho cuộc cạnh tranh thương mại và ngoại giao trên toàn thế giới. Hành động của Mỹ chắc chắn mang mục đích chính trị, vì lớp ngụy trang công lý mỏng manh không thể che đậy các động cơ chính trị”, Thời báo Hoàn cầu, một ấn phẩm của nhà nước Trung Quốc, nêu trong bài viết đăng ngày 11/12.
Khi bà Mạnh được tại ngoại hôm 11/12, bà được yêu cầu phải đeo vòng định vị GPS ở chân, chịu sự giám sát 24/7 của một hãng an ninh tư nhân, đồng thời phải nộp lại các hộ chiếu Hong Kong và Trung Quốc. Bà Mạnh sẽ vẫn ở lại căn hộ ở Vancouver mà bà cùng chồng đồng sở hữu. Trong khi đó, Mỹ vẫn đang tìm cách dẫn độ giám đốc tài chính Huawei, bất chấp việc Huawei đã lên tiếng phủ nhận mọi cáo buộc.
Theo Dân trí
Canada đã nhượng bộ Trung Quốc trong vụ Huawei? | |
Trung Quốc bắt cựu giới chức ngoại giao Canada để trả đũa vụ Huawei | |
Trung Quốc đe dọa Mỹ và Canada về vụ Huawei |