Hoạt động nhân đạo là một phần không thể thiếu của văn hóa doanh nghiệp
Tại Hội nghị xúc tiến hoạt động nhân đạo với chủ đề “Phát huy trách nhiệm xã hội và viện trợ nhân đạo của các tổ chức, doanh nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá, cộng đồng các doanh nghiệp (DN) đang và sẽ luôn là các chủ thể tích cực tham gia hoạt động nhân đạo từ thiện.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho hay, kết quả từ một nghiên cứu 500 DN tại Việt Nam do cơ quan này thực hiện cùng Quỹ châu Á (TAF) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) cho thấy, hiện nay có đến 96% DN làm từ thiện khi doanh thu đạt 100 - 300 tỷ đồng, 25% DN có doanh thu từ 10 -50 tỷ đồng cũng tham gia hoạt động từ thiện, an sinh xã hội.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại hội nghị |
Các DN cũng như một số doanh nhân hoạt động từ thiện chủ yếu ở 3 lĩnh vực: giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, cứu trợ thiên tai, xóa đói giảm nghèo. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 58% xác định họ làm từ thiện không vì mục đích kinh doanh nào, chỉ 15% DN Việt Nam cho rằng họ làm từ thiện với mục đích “nâng cao” danh tiếng, 2% trong số đó cho rằng các hoạt động nhân đạo nhằm mục đích bù lại các tác động xấu đến DN.
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, dù là một tổ chức phi lợi nhuận, hay một DN kinh doanh điển hình, thì các hoạt động an sinh xã hội, các chương trình từ thiện sẽ là những nhân tố giúp DN xây dựng một văn hóa lành mạnh, giúp kết nối các thành viên trong DN ngày càng gắn bó và bền chặt. Bên cạnh đó, nó cũng giúp DN nâng cao hình ảnh, uy tín của thương hiệu.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, DN có những chương trình hỗ trợ từ thiện chiến lược sẽ giúp cộng đồng giải quyết tận gốc vấn đề về xã hội, môi trường và cũng góp phần tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh cho chính DN đó. Nhiều DN đã và đang coi từ thiện, an sinh xã hội là một phần không thể thiếu song song với các chỉ tiêu trong kinh doanh, nhiều trong số đó thậm chí còn coi đó là một phần không thể thiếu của văn hóa doanh nghiệp.
Toàn cảnh hội nghị |
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, xây dựng văn hóa DN và nâng cao trách nhiệm xã hội sẽ giúp hài hòa lợi ích, tạo sự hợp tác - tương tác tốt giữa con người với robot trong công việc và giữa DN với xã hội - cộng đồng xung quanh. DN phải có trách nhiệm xã hội ngoài nghĩa vụ đóng thuế. Bởi không có DN nào không đứng trên đất, không có quan hệ với con người, môi trường và sử dụng tài nguyên xã hội để sản xuất kinh doanh. Hoạt động sản xuất kinh doanh của DN luôn tác động đến đời sống dân sin như gây ra tiếng ồn, khói bụi, mùi hôi, nước bẩn, và nhiều yếu tố khác. DN phải chuyển chi phí từ lợi nhuận sản xuất kinh doanh (một tỷ lệ nào đó trong khoản mục chi phí phúc lợi) mang tính đền bù, trả lại cho xã hội để góp phần nâng cao, cải thiện đời sống xã hội, nhằm khắc phục sửa chữa những tác hại do mình gây ra, đó là thể hiện trách nhiệm xã hội của DN. Về tính chất, hoạt động nhân đạo, từ thiện mang tính tự nguyện, tự giác, độc lập, một chiều cho mà không có hoàn lại.
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, xét cho cùng, hoạt động từ thiện còn là một sách lược kinh doanh quan trọng của DN. Hoạt động này có tác dụng tạo dựng danh tiếng, mở rộng ảnh hưởng, gây thiện cảm cho người tiêu dùng, giúp cho DN củng cố thị trường đã có và mở rộng thị phần trong phát triển.
Nguyễn Hoan