Vi phạm quyền tác giả: Mạnh tay phạt nặng
(PetroTimes) - Chia sẻ mang tính hiến kế của chuyên gia Nhật Bản cho việc “phạt nặng” các trường hợp vi phạm quyền tác giả trong Hội thảo “Thực thi quyền tác giả, quyền liên quan” (Cục Bản quyền tác giả Việt Nam và Cục Bản quyền tác giả Nhật Bản phối hợp tổ chức tại Hà Nội) đã gây chú ý.
Hội thảo được tổ chức trước vấn nạn vi phạm quyền tác giả tràn lan cả ở Việt Nam và Nhật Bản.
Nhất là Việt Nam vừa trải qua những sự kiện quan trọng liên quan đến lĩnh vực bảo vệ quyền tác giả như: Ủy ban châu Âu (EC) trình Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) lên Nghị viện châu Âu để các nước thành viên EU xem xét, phê chuẩn. Kỳ họp Quốc hội Việt Nam vừa qua đã xem xét, biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng là một trong những nội dung quan trọng của cả hai hiệp định trên.
Luật sư Đặng Xuân Cường |
Những đề cập của các chuyên gia Nhật Bản trong hội thảo rất đáng quan tâm.
Theo ông Akihiko Noda, Phó trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Bản quyền tác giả Nhật Bản, cái khó của việc thực thi quyền tác giả bởi “bản quyền” bấy lâu nay như “quyền vô hình” và có ở khắp nơi trong cuộc sống. Trong quá trình sử dụng bản quyền và vi phạm bản quyền, có người biết nhận thức được mình đang vi phạm nhưng lại có người hoàn toàn không hề hay biết. Điều đó khiến cho vấn nạn vi phạm quyền tác giả ngày càng thêm nghiêm trọng.
Ông Akihiko Noda đặt vấn đề: “Việt Nam cũng như Nhật Bản đều đang vấp phải một khó khăn lớn là sự lan tràn các ấn phẩm lậu, nhất là trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển, ai cũng sẵn có một chiếc smartphone hay thiết bị thông minh khác trong tay”. Vì thế, dù ở Việt Nam hay Nhật Bản thì việc đối phó với vấn nạn này đang vô cùng khó.
Thế nhưng, đề cập đến vấn đề xử phạt thì có sự khác biệt giữa hai nước.
Theo các chuyên gia, tại Nhật Bản, việc vi phạm bản quyền tác giả bị phạt rất nặng. Người vi phạm bản quyền không khác gì kẻ trộm bởi chính họ đã lấy đi tiền bản quyền của người sáng tạo. Nếu “dính” đến vi phạm bản quyền thì khâu phân phối sản phẩm cũng gặp khó. Thế nhưng, Việt Nam chưa có biện pháp ngăn chặn, thậm chí khâu phân phối càng được đẩy nhanh hơn khi giá thành sản phẩm lậu bao giờ cũng rẻ hơn sản phẩm chính.
Chuyên gia Nhật Bản trong buổi hội thảo “Thực thi quyền tác giả, quyền liên quan” |
Vì vậy, ông Atsushi Ito, Phụ trách Pháp chế, Nhà xuất bản Shueisha Publishing Inc, cho rằng: “Hiệu quả nhất là những biện pháp mạnh, ví như khởi tố vụ án hình sự”.
“Kế sách” của ông Atsushi Ito cũng là vấn đề mà nhiều chuyên gia Việt Nam đã đề cập, nhưng hiện tại, xử lý vi phạm quyền tác giả ở Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ là xử phạt hành chính, mức phạt không đủ sức răn đe.
Đồng ý với quan điểm này, luật sư Đặng Xuân Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: Nguyên nhân dẫn tới tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ chủ yếu là do nhận thức và hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, chế tài xử phạt quá nhẹ so với mức lợi nhuận mà các đối tượng vi phạm thu về từ hành vi vi phạm. Có thể nói, vi phạm bản quyền chẳng khác một “căn bệnh trầm kha” và có dấu biểu hiện “nhờn thuốc”.
Do vậy, đã đến lúc chúng ta cần thực thi bảo vệ quyền tác giả một cách mạnh mẽ hơn. Luật sư Cường cho rằng: Đây không còn là vấn đề mới để chúng ta phải chần chừ bởi thực tế thực thi bằng biện pháp hình sự là một trong những nội dung quan trọng trong đàm phán các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và là nội dung được đặc biệt nhấn mạnh bởi các đối tác phát triển.
Trên thế giới, các nước phát triển cũng có xu hướng “hình sự hóa” các hành vi vi phạm quyền tác giả cũng như quyền sở hữu trí tuệ bằng cách mở rộng đối tượng áp dụng biện pháp hình sự đối với những vi phạm về nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh... chứ không chỉ là vi phạm về quyền tác giả cùng các quyền liên quan.
“Chỉ có mạnh dạn thay đổi tư duy về xử lý các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, từ chỉ xử phạt hành chính sang xử lý hình sự một cách cương quyết thì mới có thể đẩy lùi tình trạng vi phạm quyền tác giả, từ đó thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển, hướng tới một xã hội công bằng, văn minh” - luật sư Cường khẳng định.
Chế tài xử phạt quá nhẹ so với mức lợi nhuận mà các đối tượng vi phạm thu về từ hành vi vi phạm. Có thể nói, vi phạm bản quyền chẳng khác một “căn bệnh trầm kha” và có dấu biểu hiện “nhờn thuốc”. |
Chuyện chưa có hồi kết |
Sẽ thu tiền tác quyền âm nhạc trong khách sạn từ tháng 10/2017 |
Huy An