Nhà đầu tư Trung Quốc tăng cường mua doanh nghiệp Việt
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, số dự án, lượt góp vốn mua cổ phần tại Việt Nam của các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục và các vùng lãnh thổ thuộc nước này đang gia tăng rất mạnh mẽ tại Việt Nam.
Trong gần 11 tháng qua, có hơn 922 lượt góp vốn mua cổ phần của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam với số vốn hơn 500 triệu USD. Tính bình quân, mỗi tháng các nhà đầu tư Trung Quốc giao dịch thành công hơn 80 dự án, góp vốn tại Việt Nam.
Trung Quốc đang tăng cường thực hiện các thương vụ mua bán doanh nghiệp Việt Nam. |
Các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đại lục có số lượt góp vốn mua cổ phần lớn thứ 2 tại Việt Nam sau các doanh nghiệp và chủ đầu tư Hàn Quốc. Nhà đầu tư Trung Quốc vượt qua và bỏ rất xa số lượng dự án góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư Nhật Bản, Singapore trong các thương vụ mua bán tại Việt Nam.
Ngoài các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục, vốn gián tiếp của các nhà đầu tư Hồng Kông và Đài Loan cũng tập trung rất lớn vào việc mua bán cổ phần, góp vốn mua lại các công ty Việt Nam.
Các nhà đầu tư Hồng Kông có hơn 105 dự án, số vốn hơn 220 triệu USD; các nhà đầu tư Đài Loan có hơn 460 dự án, với số vốn hơn 365 triệu đồng.
Đáng chú ý, các dự án có vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam thậm chí ít hơn so với các dự án mua lại của thương nhân nước này.
11 tháng qua, các nhà đầu tư Trung Quốc chỉ đăng ký hơn 335 dự án FDI tại Việt Nam với số vốn hơn 890 triệu USD. So về số dự án, rõ ràng các dự án bỏ vốn trực tiếp của Trung Quốc chưa bằng 1/3 số lượt dự án mà các nhà đầu tư nước này bỏ vốn tại Việt Nam.
Theo con số mà Bộ KH&ĐT đưa ra, 11 tháng qua Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nhà đầu tư lớn nhất Việt Nam với số vốn lần lượt là 8 tỷ USD và 6,8 tỷ USD, đứng thứ 3 là Singapore với số vốn hơn 4 tỷ USD.
Hầu hết các dự án của ba nhà đầu tư lớn nhất kể trên đều đổ vào các dự án cấp mới hoặc tăng thêm vốn. Cụ thể, các nhà đầu tư Nhật Bản đổ lượng vốn hơn 6 tỷ USD vào các dự án cấp mới, 1,4 tỷ USD vào các dự án tăng thêm vốn và chỉ dành hơn 530 triệu USD để mua cổ phần tại Việt Nam.
Các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng đổ hơn 3,4 tỷ USD vào các dự án cấp mới ở Việt Nam, hơn 2 tỷ USD để cấp cho dự án tăng thêm vốn và 1,3 tỷ USD để mua lại cổ phần tại Việt Nam.
Các nhà đầu tư Singapore dành hơn 1 tỷ USD để cho các dự án cấp mới tại Việt Nam, 1,8 tỷ USD cho dự án tăng thêm vốn và 1,2 tỷ USD cho mua bán cổ phần.
Tính trung bình, số vốn/dự án cấp mới của Nhật Bản tại Việt Nam là 15,5 triệu USD/dự án, của Hàn Quốc là 3 triệu USD, của Singapore là 5,5 triệu USD, vốn của nhà đầu tư Trung Quốc chỉ hơn 2,6 triệu USD/dự án.
Trong báo cáo 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, Bộ KH&ĐT cảnh báo, vốn Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam hiện nay chủ yếu tập trung ở các dự án có vốn nhỏ, trình độ công nghệ thấp kém và đặc biệt rủi ro về môi trường.
Theo Dân trí