Thế giới đêm qua - 24/11
(PetroTimes) - Tổng thống Iran kêu gọi người Hồi giáo đoàn kết chống lại Mỹ. Nga cáo buộc Mỹ viện cớ tiêu diệt IS để hiện diện quân sự tại Syria. Thủ tướng Tây Ban Nha ủng hộ Brexit sau khi đạt thảo thuận với EU.
Tin nóng thế giới hôm nay - 24/11 |
Tin nóng thế giới hôm nay - 23/11 |
1. Tổng thống Iran kêu gọi người Hồi giáo đoàn kết chống lại Mỹ
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Nguồn: AP) |
Theo Reuters và AP, ngày 24/11, trong bài phát biểu được phát sóng trực tiếp trên kênh truyền hình quốc gia khi tham dự Hội nghị Đoàn kết Hồi giáo Quốc tế thường niên lần thứ 32 ở thủ đô Tehran, Tổng thống Iran Hassan Rouhani kêu gọi cộng đồng người Hồi giáo trên toàn thế giới đoàn kết chống lại Mỹ, thay vì “trải thảm đỏ đón tiếp những kẻ phạm tội." Tổng thống Rouhani nói: “Việc phục tùng phương Tây do Mỹ dẫn đầu sẽ là hành động bội tín đối với tín ngưỡng của chúng ta, và cũng là hành động phản lại thế hệ tương lai của khu vực này" ám chỉ tới Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh khác vốn có quan hệ mật thiết với Washington.
Cũng tại hội nghị trên, Tổng thống Rouhani gọi Israel là “khối u ác tính” do các nước phương Tây dựng lên nhằm thúc đẩy các lợi ích của họ ở Trung Đông. Theo ông Rouhani, Mỹ củng cố mối quan hệ gần gũi với “các quốc gia Hồi giáo trong khu vực” để bảo vệ Israel.
2. Nga cáo buộc Mỹ viện cớ tiêu diệt IS để hiện diện quân sự tại Syria
Theo Sputniknews, ngày 24/11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc, Mỹ đang viện cớ tiêu diệt các phần tử khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng để tiếp tục hiện diện quân sự ở Syria. Ông Lavrov cũng chỉ trích việc Washington "coi IS gần như là một đồng minh" trong cuộc chiến nhằm vào chính phủ Syria. Ngoại trưởng Nga nhắc lại tuyên bố gần đây của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc IS chưa thất bại hoàn toàn, trong khi nêu ra điều kiện cần thiết để đánh bại nhóm khủng bố này, đó là sự thay đổi chính phủ cầm quyền ở Syria cũng như việc Iran và các lực lượng thân Iran cần rút quân khỏi Syria. Theo Ngoại trưởng Nga, Mỹ có một "chương trình nghị sự ngầm" ở Syria bên cạnh mục tiêu công khai là tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố ở quốc gia Trung Đông này.
3. Thủ tướng Tây Ban Nha ủng hộ Brexit sau khi đạt thỏa thuận với EU
Theo AFP, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 24/11 tuyên bố chính phủ của ông sẽ ủng hộ thỏa thuận Brexit với Anh sau khi đạt được thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề lãnh thổ Gibraltar. Ông Sanchez nêu rõ: "Tôi đã thông báo cho Nhà vua Tây Ban Nha rằng chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận về vấn đề Gibraltar. Tây Ban Nha sẽ bỏ phiếu tán thành Brexit."
Trước đó cùng ngày, một nguồn tin ngoại giao cho biết, Tây Ban Nha đã đạt được thỏa thuận với EU về vấn đề lãnh thổ Gibraltar. Động thái này đã mở đường cho hội nghị thượng đỉnh EU được tổ chức vào 25/11 nhằm thông qua dự thảo thỏa thuận Brexit cùng Thủ tướng Anh Theresa May.
4. Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại việc Mỹ xây trạm quan sát ở biên giới Syria
Theo Reuters, ngày 24/11, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết, nước này lo ngại về kế hoạch của Mỹ thiết lập “các trạm quan sát” ở khu vực biên giới giữa Syria với Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Hulusi Akar khẳng định việc thiết lập các trạm quan sát sẽ gây ra tác động tiêu cực tới hình ảnh nước Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nói thêm: “Chắc chắn các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ và Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết để đối phó với mọi rủi ro cũng như đe dọa từ phía bên kia biên giới. Chúng tôi hy vọng các đồng minh Mỹ của chúng tôi cắt đứt ngay mối quan hệ với nhóm khủng bố Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), vốn không hề có điểm khác biệt nào với Đảng Công nhân người Kurd (PKK)".
Trước đó, ngày 21/11, người đứng đầu Lầu Năm Góc James Mattis thông báo, Mỹ đang thiết lập các trạm quan sát để giúp tập trung vào mục tiêu xóa bỏ các thành trì quân sự cuối cùng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria.
5. Trung Quốc và Ấn Độ đạt đồng thuận về các vấn đề biên giới
Trong một thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay các quan chức cấp cao của nước này và Ấn Độ đã đạt được sự đồng thuận quan trọng về các vấn đề biên giới trong một cuộc đàm phán vào ngày 24/11 tại thành phố Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc. Theo thông cáo, hai bên đã nhất trí tiếp tục thúc đẩy tiến trình đàm phán cấp đại diện đặc biệt phù hợp với những đồng thuận quan trọng mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đạt được về việc giải quyết thỏa đáng các vấn đề biên giới và thúc đẩy mối quan hệ Trung-Ấn, nhằm đạt được các giải pháp công bằng, hợp lý và cả hai bên đều chấp nhận được càng nhanh càng tốt. Thông cáo cũng nhấn mạnh, hai nước sẽ cùng nhau bảo vệ sự bình ổn tại các khu vực biên giới trước khi đạt được một giải pháp cuối cùng cho các vấn đề biên giới.
Lâm Anh (t/h)