Các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ khẩn trương ứng phó với bão số 9
(PetroTimes) - Công tác phòng chống, ứng phó ở các địa phương phải khắc phục triệt để tâm lý chủ quan, để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do cơn bão gây ra
Sáng nay (22/11), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, chủ trì cuộc họp trực tuyến với 14 tỉnh thuộc khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên để triển khai các giải pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới dự báo sẽ mạnh lên thành bão.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng về hướng, bão sẽ đi thẳng vào khu vực Nam Trung bộ. Đây là nhận định được nhiều cơ quan dự báo quốc tế đưa ra, đáng chú ý đây là khu vực không thường xuyên xảy ra mưa bão.
Vì vậy, công tác phòng chống, ứng phó ở các địa phương phải khắc phục triệt để tâm lý chủ quan, để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do cơn bão gây ra, đặc biệt là các hiện tượng lũ quét, sạt lở đất do mưa bão.
* UBND tỉnh Khánh Hòa lên kế hoạch di dời, sơ tán khoảng 280 ngàn dân đến nơi an toàn.
Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa vừa khẩn trương khắc phục hậu quả của đợt mưa lớn do hoàn lưu cơn bão số 8, vừa chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 9. Tỉnh Khánh Hòa hiện có hơn 900 điểm xung yếu, dễ xảy ra lũ quét, sạt lở.
Trước diễn biến phức tạp của mưa bão, tỉnh đã lên kế hoạch sơ tán 280 ngàn dân đến những nơi an toàn như trường học, công sở, công trình công cộng. Đối với 40 ngàn lồng bè và hơn 8.000 lao động đang ở trên trên biển, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các đơn vị, địa phương kiên quyết di dời, không để người dân ở lại trên các lồng bè.
Các xã, phường bố trí lực lượng chốt gác tại 51 ngầm, tràn, nghiêm cấm người dân qua lại. Đối với các công trình đang xây dựng, địa phương yêu cầu các chủ đầu tư chằng chống, tháo dỡ các công trình nguy hiểm, tránh thiệt hại về người và tài sản.
Người dân TP Nha Trang lấy cát về chằng chống nhà cửa. (Ảnh: Báo Khánh Hòa) |
* Tỉnh Bình Thuận cấm tàu thuyền ra biển hoạt động từ 16h hôm nay (22/11). Ngành chức năng phối hợp với các địa phương ven biển tổ chức kêu gọi, bố trí bến bãi, sắp xếp tàu thuyền vào các bến neo đậu, trú tránh an toàn. Ngư dân địa phương cần phải kéo tàu đánh cá công suất nhỏ dưới 30CV lên bờ để đảm bảo an toàn phòng khi bão đổ bộ trực tiếp.
15h hôm nay, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận tổ chức cuộc họp khẩn trực tuyến với các địa phương trong tỉnh triển khai công tác ứng phó.
Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đề nghị các địa phương, sở ngành và đơn vị liên quan khẩn trương lên phương án phòng chống bão, trong đó cần triển khai ngay việc đảm bảo an toàn cho tàu thuyền; kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện đánh cá và hàng hải không đi vào vùng ảnh hưởng.
Các địa phương rà soát, có biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch tại các khu vực ven biển, khu du lịch, khu sản xuất kinh tế, lồng bè, nuôi trồng thủy sản; đồng thời rà soát phương án, kế hoạch sơ tán dân ra khỏi các vùng nguy hiểm ven biển, vùng cửa sông có nguy cơ cao.
* Tỉnh Phú Yên chỉ đạo các ngành liên quan và chính quyền các địa phương thường xuyên cập nhật thông tin bão số 9 để chủ động ứng phó. Lực lượng Biên phòng thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển về diễn biến bão số 9 và kêu gọi tàu thuyền vào bờ hoặc tìm nơi trú tránh an toàn.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên cho biết, hiện nay số lượng tàu thuyền trên biển là 227 phương tiện. Bộ đội Biên phòng đã thông tin kịp thời tình hình đến các chủ tàu và ngư dân để có phương án phòng tránh.
Tỉnh Phú Yên có 44 hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện. Khi mưa lớn, các hồ sẽ đầy nước. Ngay từ lúc này, các đơn vị quản lý hồ chứa theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và có phương án điều tiết vừa đảm bảo an toàn hồ chứa, vừa an toàn cho vùng hạ du.
* Bà Rịa - Vũng Tàu chuẩn bị phương án di dân 3 xã ven biển. Công tác ứng phó với bão số 9 đã sẵn sàng. UBND huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã kêu gọi người dân, các đơn vị khẩn trương tổ chức chằng chống nhà cửa, công sở; phối hợp với Ban quản lý 5 công trình hồ đập tổ trực 24/24 giờ để ứng phó kịp thời sự cố tràn, vỡ đập ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người dân.
Riêng các xã ven biển Bình Châu, Phước Thuận và Bưng Riềng là những địa phương có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 9, do vậy địa phương chủ động kêu gọi các phương tiện nhỏ đánh bắt gần bờ khẩn trương vào nơi neo đậu, tránh va đập khi có gió mạnh, tổ chức di dân đến nơi an toàn trước khi có gió mạnh, lốc xoáy tiến vào đất liền.
P.V (tổng hợp)