Cú bạo chi trên 7.300 tỷ đồng, “đại gia ngầm” lộ diện
Với vốn điều lệ 360 tỷ đồng do 2 cá nhân góp vốn là ông Nguyễn Xuân Đông và bà Đỗ Thị Thanh, tuy nhiên An Quý Hưng vẫn quyết chi tới 7.366,6 tỷ đồng, cao hơn 35,6% giá khởi điểm để sở hữu 57,71% vốn điều lệ của Vinaconex.
Như tin đã đưa, chiều nay (22/11), tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã diễn ra phiên đấu giá cổ phần Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – mã VCG) của Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Tại sự kiện này, SCIC đấu giá 255 triệu cổ phiếu VCG tương đương 57,71% vốn điều lệ Vinaconex với giá khởi điểm trọn lô là 5.431 tỷ đồng. Vượt qua 2 nhà đầu tư khác (1 nhà đầu tư tổ chức đã rút lui), tổ chức trúng đấu giá là Công ty TNHH An Quý Hưng với mức giá bỏ ra là 28.900 đồng/cổ phiếu, cao hơn 35,6% so với mức giá khởi điểm mà SCIC đưa ra.
Theo đó, công ty này sẽ chi trả tổng cộng 7.366,6 tỷ đồng cho lô cổ phiếu nói trên. An Quý Hưng sẽ phải thu xếp để trả số tiền này cho SCIC trước ngày 4/12 tới đây.
Chân dung ông Nguyễn Xuân Đông - CEO An Quý Hưng (ảnh AQH), vị đại gia từng thất bại trước bầu Thuỵ trong vụ đấu giá mua cổ phần Khách sạn Kim Liên 3 năm trước |
Trên thực tế thì trong số 4 nhà đầu tư đăng ký tham gia phiên đấu giá cổ phần này, An Quý Hưng cũng là đơn vị có tình hình tài chính khả quan nhất với doanh thu thuần đạt được năm 2017 là 956,5 tỷ đồng, lãi sau thuế 62,4 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 456,2 tỷ đồng và tổng nguồn vốn đạt gần 1.000 tỷ đồng.
Theo giới thiệu của An Quý Hưng, công ty này đã có 17 năm thành lập và phát triển. Tháng 4/2017, công ty này tăng vốn điều lệ lên mức 360 tỷ đồng với hai cá nhân góp vốn là ông Nguyễn Xuân Đông và bà Đỗ Thị Thanh. Trong đó, phần vốn góp của ông Đông là 252 tỷ đồng (chiếm 70%), còn bà Thanh là 108 tỷ đồng (chiếm 30%).
Công ty này được cho biết là có kinh nghiệm thi công gần 60 dự án lớn, nhỏ cho các đối tác trong và ngoài nước, trong đó có tới gần 50 nhà máy có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Công ty sở hữu nền tảng là đội ngũ gần 2.000 nhân sự.
Một số dự án đã được An Quý Hưng thực hiện là Nhà máy sản xuất giày Nike, Nhà máy sản xuất sợi Texhong – Ngân hàng giai đoạn 1, Nhà máy sản xuất giày Regis, Dự án khu nhà phố thương mại 24h Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), Nhà máy Henry Việt Nam; Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, Nhà máy Piagio, Nhà máy Năng lượng Laurel giai đoạn 2…
Hai dự án đang được đơn vị này thi công là Shophouse Gleximco Lê Trọng Tấn và Nhà máy năng lượng mặt trời Laurel.
An Quý Hưng từng có thời gian sở hữu tới gần 31% cổ phần tại Công ty CP Vimeco (VMC) – đơn vị thành viên của Vinaconex. Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, do có bất đồng xảy ra nên An Quý Hưng đã toàn bộ cổ phần tại Vimeco và thu hồi lại vốn.
Mặc dù vậy, công ty này vẫn khá tích cực trong việc tham gia các đợt đấu giá cổ phần Nhà nước. Công ty này từng đăng ký tham gia mua cổ phần của Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam (Forexco) vào hồi năm ngoái và trước đó, trong năm 2015, công ty này cũng đã đăng ký tham gia đấu giá mua cổ phần của Công ty CP Du lịch Kim Liên bằng nguồn vốn tự có. Tuy nhiên, sau đó, tổ chức thắng phiên đấu giá này là ThaiGroup của bầu Thuỵ.
Tổng giám đốc An Quý Hưng - ông Nguyễn Xuân Đông hiện còn đảm nhận chức vụ Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ Đức Hồng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH An Quý Hưng Land, và từng có thời gian giữ cương vị Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Vimeco (từ tháng 04/2014 – tháng 04/2017).
Ngày 27/4/2018, ông Nguyễn Xuân Đông cũng được bầu tham gia HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (mã HPX) và là một trong 2 Thành viên độc lập của công ty này.
Theo Dân trí