Tin nóng thế giới hôm nay - 17/11
(PetroTimes) - Mỹ lên kế hoạch chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim. Phó Thủ tướng Bulgaria từ chức sau bê bối lời lẽ xúc phạm.
Tin nóng thế giới hôm nay - 16/11 |
Tin nóng thế giới hôm nay - 15/11 |
Tin nóng thế giới hôm nay - 14/11 |
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Nguồn: Sputnik) |
1. Mỹ lên kế hoạch chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đang diễn ra ở Port Moresby (Papua New Guinea), Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết nước này đang lên kế hoạch chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh tiếp theo giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ông Pence nhấn mạnh: "Tất cả các quốc gia phải tiếp tục đoàn kết và thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chúng ta phải thận trọng và quyết tâm để có thể phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên", Sputniknews đưa tin ngày 17/11.
Trước đó một ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định nước này vẫn sẽ duy trì các lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng cho đến khi Bán đảo Triều Tiên được phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
2. Phó Thủ tướng Bulgaria từ chức sau bê bối lời lẽ xúc phạm
Phát biểu trước báo giới tối 16/11, Phó Thủ tướng Bulgaria Valery Simeonov xác nhận đã nộp đơn xin từ chức sau nhiều tuần vướng phải vụ bê bối có lời lẽ xúc phạm các bà mẹ có con khuyết tật. Cơ quan truyền thông nhà nước Bulgaria cũng cho biết Thủ tướng Boyko Borisov đã chấp thuận đơn từ chức của ông này.
Hồi giữa tháng 10, ông Simeonov từng có phát biểu cho rằng những bà mẹ này đang lợi dụng lòng thương của xã hội, đưa những đứa trẻ khuyết tật ra đường bất kể nắng mưa để xin ăn hoặc kinh doanh. Các bà mẹ của trẻ khuyết tật đã đổ ra đường biểu tình trong 26 ngày liên tiếp nhằm yêu cầu ông Simeonov từ chức vì có những lời lẽ xúc phạm họ.
3. EU và Nam Phi kêu gọi bảo toàn thỏa thuận hạt nhân Iran
Liên minh châu Âu (EU) và Nam Phi trong một tuyên bố chung được công bố ngày 15/11 tại thủ đô Brussels của Bỉ đã kêu gọi các nước trên thế giới duy trì Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) như một thỏa thuận đa phương quan trọng đã được Hội đồng bảo an Liên hợp quốc phê duyệt. Thông cáo chung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì và tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả trên tất cả các khía cạnh của Kế hoạch hành động toàn diện chung, bao gồm cả việc loại bỏ các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran và những hậu quả của nó gây ra. Hai bên tin rằng việc tiếp tục triển khai JCPOA sẽ đảm bảo hòa bình và an ninh trong khu vực cũng như trên toàn thế giới.
4. Bộ trưởng Nội vụ Đức thông báo quyết định từ chức Chủ tịch đảng CSU
Trong tuyên bố ngày 16/11, Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer thông báo quyết định từ chức Chủ tịch đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) từ ngày 19/1/2019. Ông Seehofer cho biết CSU sẽ tổ chức cuộc họp đặc biệt vào ngày 19/1 tới và cuộc họp này được xem là cơ hội để CSU thảo luận cách thức giành lại sự tín nhiệm của cử tri.
Ông Seehofer đang đối mặt với sức ép từ chức ngay từ trong nội bộ đảng CSU sau khi sự ủng hộ của cử tri đối với đảng này giảm xuống mức thấp nhất (37,2%) kể từ sau chiến tranh trong các cuộc bầu cử liên bang ở Bavaria. Nhiều thành viên đảng CSU cho rằng mâu thuẫn thường xuyên giữa ông Seehofer và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong vài tháng qua đã khiến những cử tri từng ủng hộ đảng CSU chuyển sang ủng hộ đảng trung tả Xanh và đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD).
5. Mỹ bỏ phiếu chống lại nghị quyết lên án Israel tại Liên hợp quốc
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley tuyên bố vào ngày 15/11, Mỹ sẽ bỏ phiếu chống lại nghị quyết hàng năm của Liên hợp quốc lên án Israel vì sự hiện diện liên tục của nước này trên Cao nguyên Golan.
Trong số các nước bảo trợ cho nghị quyết có Cuba, Saudi Arabia, Venezuela, Zimbabwe và Syria. Nghị quyết được đưa ra bỏ phiếu vào ngày 16/11 trước Ủy ban thứ tư của Liên hợp quốc. Trong quá khứ, Mỹ đã bỏ phiếu trắng về nghị quyết này. Tuy nhiên, Haley cho biết năm nay Mỹ sẽ bỏ phiếu chống lại nghị quyết vì nghị quyết "có thành kiến chống Israel, cũng như việc quân sự hóa biên giới Golan của Syria và cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng hơn."
Lâm Anh (t/h)