Dân biểu gốc Việt chia sẻ về chiến thắng ở bầu cử giữa kỳ Mỹ
Trâm Nguyễn, 31 tuổi, đã giành được sự ủng hộ của cả cựu tổng thống Mỹ Obama và cựu ngoại trưởng Clinton.
Trâm Nguyễn vừa trở thành dân biểu bang Massachusetts. Ảnh: Andovertownsman. |
Sau ngày bầu cử giữa kỳ Mỹ 6/11, Trâm Nguyễn, ứng viên đảng Dân chủ ở bang Massachusetts đã đánh bại ông Jim Lyons, trở thành dân biểu khu bầu cử 18 Essex tại hạ viện bang. Cô cũng là người gốc Việt đầu tiên trúng cử vào cơ quan lập pháp của bang Massachusetts.
"Tôi quyết định tranh cử vì từng cố tiếp cận ông Lyons trong hai năm liên tiếp để nêu các vấn đề mình quan tâm nhưng không có kết quả. Do đó tôi đã cố gắng làm cho các cử tri hiểu rằng tôi chính là người luôn sẵn sàng gặp gỡ họ, để xử lý những gì nổi cộm", Trâm Nguyễn nói với VnExpress về động lực khiến cô quyết tâm đi theo con đường chính trị.Ông Lyons, thành viên đảng Cộng hòa, đã giữ vị trí dân biểu tại hạ viện bang Massachusetts 8 năm.
Năm 1992, khi mới 5 tuổi, Trâm cùng ba mẹ và em gái 3 tuổi rời Sài Gòn, lên đường đến Mỹ định cư, với tất cả tài sản vẻn vẹn có 100 USD. Tại Merrimack Valley, bang Massachusetts, họ may mắn ở cùng một gia đình cũng là người Việt và được giúp đỡ nhiều.
Với vốn tiếng Anh bằng không, ba mẹ Trâm vừa phải làm nhiều việc khác nhau để nuôi sống gia đình, vừa phải đến lớp học tiếng để hòa nhập với môi trường. Cô bé Trâm ngày đầu đến lớp vô cùng nản chí vì không thể giao tiếp, nhưng nhờ có sự hướng dẫn của hai giáo viên người Việt của trường, Trâm đã bắt kịp chỉ sau vài tháng.
Tuổi thơ của Trâm trôi qua khá êm đềm, cô không bị phân biệt đối xử vì ngôi trường cô theo học có nhiều trẻ đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Đôi lúc Trâm bị một số bạn trêu chọc vì cô phát âm tiếng Anh chưa chuẩn. Trâm cũng yêu thích trường học vì có một số bạn bè người Việt và không cảm thấy cô độc.
Do mẹ Trâm phải dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình, ba cô là lao động chính với nghề giao đồ ăn. Để có tiền phụ giúp, ở tuổi 14, Trâm đã làm nhiều việc như phân loại dữ liệu trong một văn phòng của bác sĩ, gia sư và trông trẻ. Lên Đại học Tufts, Trâm cũng nỗ lực để giành được học bổng.
"Tôi phải cố gắng rất nhiều vì biết ba mẹ không đủ tiền để nuôi mình học lên cao. Bù lại, họ luôn khích lệ để tôi học tốt, vì đó là con đường để thay đổi cuộc đời, với hầu hết người châu Á. Tôi cũng muốn gia đình tự hào về mình", Trâm nói. Sau này, kinh tế của gia đình Trâm được cải thiện khi cả ba và mẹ cùng làm kỹ sư cho một công ty, dù họ không có bằng cấp. Trâm học tiếp lên và có bằng Tiến sĩ luật của Đại học Northeastern.
Trước khi học đại học, Trâm đã phải "vật lộn" để tìm hiểu về bản thân mình. Ban đầu cô chọn chuyên ngành y để sau này làm bác sĩ, nhưng sau đó cô chuyển sang học luật, với mong muốn hỗ trợ cộng đồng nhiều hơn.
Trâm Nguyễn, giữa, cùng bố mẹ và hai em gái. Ảnh: Facebook. |
Được cả Obama và Hillary Clinton ủng hộ
Cuối năm 2017, Trâm tính đến việc chạy đua vào vị trí dân biểu hạ viện bang Massachusetts, đến tháng 4 năm nay thì cô tạm dừng công việc luật sư. Trâm khá lo lắng vì lần đầu dấn thân vào con đường này. Cô cũng không ngờ khó khăn đầu tiên lại là hướng dẫn các cử tri đọc đúng tên của mình.
"Thế nhưng tôi phát hiện ra rằng họ của mình phát âm nghe giống như từ Chiến thắng trong tiếng Anh (Win). Vì thế tôi cảm thấy rất phấn chấn", Trâm nói.
Tiếp đó, cô phải tạo hình ảnh đáng tin cậy, thuyết phục các cử tri mình chính là người đại diện cho họ. Trong 5 năm làm luật sư tại Greater Boston Legal Services, một tổ chức tư vấn miễn phí cho người có thu nhập thấp, Trâm hỗ trợ nhiều người lao động, người khuyết tật, người bị bạo lực gia đình, trẻ em và cựu chiến binh.
Với những trải nghiệm này, Trâm đã đến gõ cửa từng gia đình để nói về những vấn đề còn tồn tại trong cộng đồng, thuyết phục cử tri về những điều cô có thể thực hiện. Cô làm việc này miệt mài, gặp gỡ hàng nghìn người, cùng với các tình nguyện viên. Trâm nhận thấy mọi người rất hào hứng khi có một ứng viên gốc Việt như cô chạy đua, thể hiện sự đa văn hóa và cho thấy hình ảnh trái ngược với dân biểu đương nhiệm.
Đầu tháng 10, Trâm cùng với 5 ứng viên khác của đảng Dân chủ trên toàn nước Mỹ được cựu tổng thống Barack Obama tuyên bố ủng hộ. Cựu ngoại trưởng Hillary Clinton cũng thông báo ủng hộ Trâm. Nate, bạn đời của Trâm, là người theo sát cô trong hành trình trở thành dân biểu của bang.
"Khi nghe kết quả chiến thắng, tôi vô cùng mừng rỡ và khá ngạc nhiên vì trước đó chúng tôi không biết bầu cử sẽ diễn ra thế nào. Tôi không nghĩ mình có thể vượt qua đối thủ với khoảng cách xa đến 10 điểm như thế", Trâm nói về cảm xúc của mình, khi hàng trăm người ủng hộ đến chúc mừng cô.
Các mục tiêu chính của cô khi đảm nhận vai trò mới là tạo điều kiện để y tế trở thành lĩnh vực dễ tiếp cận với người dân, ưu tiên cho giáo dục công để trẻ em có cơ hội học hành, hỗ trợ các doanh nghiệp quy mô nhỏ. Trâm mong muốn bảo đảm an toàn nơi công cộng bằng cách kiểm soát súng đạn, cô cho rằng trong năm 2018 có hơn 300 vụ xả súng là "không thể chấp nhận được". Việc tìm ra giải pháp dài hạn để giải quyết khủng hoảng nghiện Opioid (thuốc giảm đau có tính chất gây nghiện) cũng là ưu tiên của Trâm. Đến tháng 1/2019 Trâm sẽ bắt đầu công việc mới của mình.
Không giấu được niềm tự hào, Trâm cho biết mình không chỉ nói tiếng Việt thuần thục mà còn có thể đọc và viết rất tốt. Đó là nhờ ba mẹ cô luôn nói tiếng Việt với các con dù họ biết tiếng Anh. Cô em út của Trâm được sinh ra ở Mỹ cũng có thể nói tiếng Việt.
"Gia đình tôi luôn quây quần mỗi dịp chào đón các ngày lễ tết của Việt Nam, từ Tết Âm lịch, Tết Trung thu cho đến đám giỗ", Trâm cho biết.
Năm 2009, khi đang là sinh viên đại học, Trâm về thăm Việt Nam lần đầu tiên, khi đó cô không có nhiều ấn tượng vì "thích thú được đi chơi". Phải đến 2016, khi cùng ba mẹ về dự đám cưới người họ hàng, Trâm mới thấy sự khác biệt.
"Khi đó tôi mới cảm nhận được sự xúc động của ba mẹ sau 24 năm rời xa quê hương", cô nói.
Trâm Nguyễn và bạn đời Nate. Ảnh: VoteTram. |
Theo VnExpress.net
Nhiều người gốc Việt giành chiến thắng bầu cử giữa kỳ Mỹ Bà Janet Nguyễn giữ vững ghế tại Thượng viện Mỹ trong khi ông Tyler Diệp lần đầu trở thành đại diện bang California tại Hạ viện. |