Hơn 50% doanh nghiệp Việt phải đối mặt với tội phạm gian lận
Những người tham gia khảo sát của PwC tại Việt Nam cho biết, loại hình tội phạm kinh tế mà họ thường gặp nhất là biển thủ tài sản (40%) và hối lộ - tham nhũng (36%).
Tại báo cáo “Khảo sát tội phạm kinh tế và gian lận toàn cầu: Góc nhìn Việt Nam” do PwC lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam, tổ chức này cho biết, chỉ tính riêng trong hai năm vừa qua, 52% các doanh nghiệp tại Việt Nam đã phải đối mặt với tội phạm gian lận. Tỷ lệ này cao hơn so với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (46%) và toàn cầu (49%).
Mặc dù có 40% số người tham gia khảo sát cho biết họ chưa từng phải đối mặt với tội phạm gian lận, tuy nhiên, PwC cho rằng, rất có thể là do các gian lận này chưa bị phát giác mà thôi.
Những người tham gia khảo sát tại Việt Nam cho biết loại hình tội phạm kinh tế thường gặp nhất là biển thủ tài sản (40%) và hối lộ - tham nhũng (36%).
Đáng chú ý, theo kết quả cuộc khảo sát này, phần lớn (53%) các vụ phạm tội kinh tế ở Việt Nam có thủ phạm là người trong nội bộ của tổ chức. Hơn nữa, các cán bộ quản lý cấp trung và quản lý cấp thấp chiếm tới 61% tổng số vụ gian lận nội bộ này. Trong khi đó, tỷ lệ tội phạm kinh tế do các đối tượng bên ngoài tổ chức (như khách hàng, nhà cung cấp, đại lý, tin tặc, v.v.) gây ra là 36%.
Mức tổn thất tài chính do loại tội phạm này gây ra phần lớn dưới 100.000 USD (tương đương 2,3 tỷ đồng). Trong khi đó, gần một phần ba (32%) số người tham gia khảo sát ước tính họ đã gánh chịu mức tổn thất trên 100.000 USD từ các vụ gian lận. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và cá nhân còn phải gánh chịu tổn thất về uy tín, thương hiệu, quan hệ kinh doanh.
“Một số tổn thất tài chính có thể đo lường được bao gồm chi phí khắc phục sự vụ, chi phí pháp lý, tổn thất thực tế về tiền hay thậm chí là các hình phạt hình sự. Các tổn thất phi tài chính tuy không thể định lượng được nhưng có thể gây ra hậu quả còn nặng nề hơn tổn thất tài chính, ví dụ như tổn thất về danh tiếng hay tinh thần nhân viên” - ông Marcus Paciocco, Giám đốc Dịch vụ điều tra gian lận tại PwC Consulting Việt Nam nhận định.
Tuy nhiên, hầu hết các vụ gian lận và tội phạm kinh tế lại chỉ được phát hiện bởi mật báo trong nội bộ hoặc do tình cờ. Mỗi hình thức phát hiện này giúp phát hiện được 16% số vụ gian lận. PwC cũng đưa ra một số liệu gây “giật mình”, đó là nếu như trên thế giới, kiểm toán nội bộ là một chức năng khá phổ biến trong các doanh nghiệp và góp phần phát hiện 14% số vụ gian lận thì tại Việt Nam, tỷ lệ phát hiện gian lận kinh tế thông qua kiểm toán nội bộ lại chỉ là 3%.
Tương tự, đường dây nóng tố giác ở Việt Nam chỉ phát hiện được 3% số vụ việc gian lận, trong khi tỷ lệ này trên thế giới và ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được ghi nhận là 7%.
“Mặt trái của một nền kinh tế phát triển nhanh chóng là các doanh nghiệp tập trung quá nhiều vào mục tiêu tăng trưởng doanh số mà không chú trọng đến các ưu tiên cải thiện chốt kiểm soát nội bộ,” ông Paciocco.
Bên cạnh đó, báo cáo của PwC cũng cho thấy, Việt Nam vốn là một nền kinh tế chủ yếu dựa vào tiền mặt nên được xem như mục tiêu hàng đầu của tội phạm rửa tiền, bởi giao dịch tiền mặt không để lại dấu vết. Song điều đáng mừng là các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được về các quy định phòng, chống rửa tiền. 86% tổ chức tham gia khảo sát cho biết doanh nghiệp của họ đang tuân theo các quy định về phòng, chống rửa tiền.
Theo Dân trí
Doanh nghiệp chỉ vì một dấu phẩy, phải "gặp" cán bộ... mới xong |
Giải quyết doanh nghiệp "nặng" hay "nhẹ" vẫn ở cái phong bì |
Doanh nghiệp không dám tố "tham nhũng vặt" vì sợ bị trù dập, gây khó khăn |