Vì sao Tổng thống Nga lần đầu tiên tham dự thượng đỉnh Đông Á?
(PetroTimes) - Sự kiện Tổng thống Nga V. Putin đến Singapore trong tuần này gây ngạc nhiên cho nhiều người, bởi chưa bao giờ ông tham gia hội nghị thượng đỉnh Đông Á từ khi nước Nga gia nhập năm 2011.
Từ trước đến nay, Tổng thống Putin chỉ dự các cuộc họp của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC), nhưng năm nay, trong khi Thủ tướng Dimitri Medvedev dự APEC thì Tổng thống Putin công du Singapore và tham dự thượng đỉnh Đông Á trong hai ngày 14 và 15/11/2018.
Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long |
Sự “bất ngờ” này được các chuyên gia giải thích như sau: Từ khi Liên Xô tan rã, để tái cấu trúc kinh tế, Nga đã bắt đầu hướng về Đông Á, đầu tàu của tăng trưởng từ thập niên 1990. Tiếp theo đó, vì xung khắc với Mỹ và Liên minh châu Âu, nhất là từ năm 2014 sau vụ Crimea, Nga tập trung vào Trung Á, vùng ảnh hưởng truyền thống. Trong bối cảnh bị phương Tây và Mỹ gia tăng trừng phạt gây sức ép trong mấy năm qua, chính quyền Nga phải nỗ lực hơn đi tìm những đối tác mới, cải thiện quan hệ với Trung Quốc qua các định chế kinh tế, an ninh Hợp tác Thượng Hải và Liên minh Kinh tế Á - Âu. Tuy nhiên, theo phân tích của Valdai Club, Viện nghiên cứu chiến lược của Nga ở Matxcơva, Tổng thống Putin không muốn nước Nga phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia cụ thể nào, ở đây là Trung Quốc.
Do vậy, chiến lược hướng đông của Matxcơva phải đi xa hơn. Có 3 lý do thúc giục Tổng thống Putin phải đi xuống tận châu Á - Ấn Độ Dương.
Trước tiên là nhu cầu kinh tế: các nước châu Á, nhất là Nhật Bản, có thể giúp Nga phát triển vùng Viễn Đông thừa đất thiếu dân.
Thứ hai là quân sự: Nga xuất khẩu khá nhiều vũ khí cho một số nước lớn trong vùng như Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Malaysia. Bộ tư lệnh lực lượng Viễn Đông được cải tổ, hạm đội Thái Bình Dương được tái tổ chức, nếu được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ sẽ là một lá chủ bài của cường quốc quân sự thứ hai thế giới.
Lý do thứ ba: Tham dự các diễn đàn của ASEAN là cơ hội để Tổng thống Nga phục hồi vị thế trước đây của Matxcơva ở khắp khu vực từ tình hình bán đảo Triều Tiên, bang giao với Nhật Bản và quan hệ với Mỹ bên ngoài khuôn khổ NATO. Nói cách khác, Tổng thống Putin làm một công đôi ba việc: thoát trừng phạt Mỹ, không rơi vào thế bị động với Trung Quốc, cân bằng cán cân lực lượng tại Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Theo Anna Maria Romero, một nhà phân tích độc lập ở Singapore, thách thức của Tổng thống Nga là làm sao biến vận hội ở phương Đông thành kết quả cụ thể.
Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) là một diễn đàn gồm các quốc gia ở châu Á được các lãnh đạo của 16 quốc gia Đông Á và khu vực lân cận tổ chức mà khối ASEAN là trung tâm. Năm 2011, Nga và Mỹ lần đầu tiên tham gia EAS sau khi các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí mở rộng EAS tại Hà Nội vào năm 2010. |
Hội nghị ASEAN sẽ không bỏ sót vấn đề Biển Đông |
Lẽ ra Trung Quốc đã "thu hồi” hết các đảo ở Biển Đông?! |
Hiểm họa mang tên... Trung Quốc! |
Th.Long