Tuyến Bắc miền Trung:
Phía sau những 'cung đường ma túy' xuyên quốc gia (Phần 3)
Phía Tây Thanh Hóa và Sơn La, là Hủa Phăn, một trong những tỉnh nghèo nhất nước Lào.
Cái tên Hủa Phăn hiếm khi vắng mặt trong các báo cáo của UNODC về ma túy tại Lào. Trong phần "Hồ sơ quốc gia" của Cơ quan chống ma túy Liên Hợp Quốc, hình ảnh minh họa cho ma túy tại Lào, là một bánh heroin bắt được tại Hủa Phăn, có nguồn gốc từ Myanmar (hay chính xác hơn, là từ Tam giác Vàng).
Các khu vực cực Bắc của Lào, cùng với nhiều phần các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam, là một vùng trồng anh túc truyền thống. Cây thuốc phiện từng là một phần quan trọng của đời sống đồng bào nơi này, là dược phẩm, hay là vật ngang giá (một loại thẻ tín dụng, theo cách gọi của các chuyên gia Mỹ, không bao giờ nên đi xa mà không mang theo). Cho đến những năm đầu thập niên 90, ngay tại Việt Nam, đồng bào vẫn nộp thuế bằng thuốc phiện.
Nhưng tốc độ phát triển kinh tế của Hủa Phăn, cùng với đó là khả năng xóa bỏ "nền văn minh anh túc" trong đời sống của bà con, chậm hơn các tỉnh phía Đông thuộc Việt Nam. Đến tận năm 2018, Hủa Phăn vẫn xuất hiện trên báo chí thế giới cùng hình ảnh một người Mông đang nằm nghiêng hút thuốc phiện, và những chương trình khuyến nông của Liên Hợp Quốc – tạo sinh kế cho bà con để đẩy lùi ma túy. Những chương trình đó đã kéo dài suốt gần 20 năm qua.
Sầm Nứa, thủ phủ của Hủa Phăn, trong thế kỷ 21 không còn thuần túy là một ý thơ. Đó là nơi các ông trùm ma túy Lào điều phối những đường dây đưa ma túy vào Việt Nam. Hủa Phăn, cùng với Xiêng Khoảng, trở thành những trạm transit chính của ma túy từ Tam giác Vàng vào Việt Nam.
Vị trí của "thủ phủ ma túy" Lượng Minh.
Cách đó khoảng 7.000 km về hướng Nam, Adelaide – thủ phủ bang Nam Australia – nằm trong danh sách những thành phố có chất lượng sống hàng đầu thế giới. Trừ một điểm đau đầu của nhà chức trách: Adelaide đang trở thành nơi có tỷ lệ người lạm dụng ma túy đá cao bậc nhất quốc gia. Và bản thân Australia, đang là quốc gia nói tiếng Anh có tỷ lệ người nghiện ma túy tổng hợp lớn nhất.
Khoảng cách giữa những cánh rừng trên đất Lào và bãi biển trên vịnh St Vincent của Australia, khoảng cách giữa đầu nguồn hàng hóa và thị trường màu mỡ tại các quốc gia phát triển, được rút ngắn bởi mưu tính của chính những "thương lái" người Việt Nam.
Bản Xốp Mạt của xã Lượng Minh, Tương Dương, Nghệ An trước nhìn ra đỉnh Pù Lôm, trong tiếng Thái, nghĩa là "đèo gió", quanh năm thổi những cơn gió mát lành tới bản làng quần tụ dưới chân. Nhưng từ những năm 90 của thế kỷ trước, từ đỉnh Pù Lôm tràn xuống những cơn gió độc thổi tan hoang cả bản làng.
Đó là khi những "ông mẹo" – trùm ma túy người Mông từ bên kia Mường Lống của huyện Kỳ Sơn xuất hiện. Họ cầm đầu những đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy từ Lào về qua biên giới Việt Nam.
Ông Lương Văn Tao, một người con rể đi tù, một người chết vì ma túy. |
Có thời, người ở bản Xốp Mạt bên này Tương Dương trồng thuốc phiện thay ngô lúa. Phía bên kia đỉnh núi, Mường Lống cũng là đất trồng cây thuốc phiện năng suất nhất của Kỳ Sơn. Suốt một dải miền Tây xứ Nghệ, thuốc phiện nhiều hơn rau trong vườn nhà. Năm 1994, khi những đồi anh túc dần bị xóa bỏ vì lệnh cấm, từ bên kia biên giới, ma túy lại tràn sang.
Ban đầu, đám đệ tử của mẹo dụ dỗ cánh đàn ông, thanh niên khỏe mạnh trong bản. "Thuốc của Phà (ông trời) đấy, hút khỏe lắm". Đám trai bản lên rẫy muốn khỏe thì hút. Lúc đầu được hút miễn phí, sau nghiện rồi muốn hút thì phải chuyển hàng cho ông mẹo. Từ hút đến buôn bán, vận chuyển thành đường dây. Đàn bà thì chuyển lương thực tiếp tế cho các ông mẹo và đám đệ tử.
Khoảng 90% dân số ở đây thuộc về các dân tộc thiểu số, Thái, Khơ Mú, Mông, Tày Poọng, Ơ Đu. Tương Dương không có khu công nghiệp, chỉ có thủy điện. Địa hình thiếu đất sản xuất nên người dân chỉ làm rẫy, thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 25 triệu/năm.
Ở Lượng Minh, "70% số người dính vào ma túy ban đầu chỉ xách hàng thuê, rồi sau quen mối, thấy lợi thì lao vào buôn theo", trưởng công an xã Vi Văn Thủy ước lượng.
Anh nhớ rõ tên tuổi, ngày sinh, số hàng cầm, án tù của những ông trùm trong xã.
Phó trưởng công an xã Vi Văn May lĩnh án 20 năm tù vì tội buôn ma túy. Khi bị phát giác, May bỏ trốn vào rừng sống ẩn dật bảy năm rồi ra đầu thú. May từng là đầu tàu trong cuộc chiến chống ma túy ở đất này.
Lô Văn Tuấn có 17 năm làm trưởng bản Xốp Mạt, hằng ngày đi vận động người dân sống và làm việc theo pháp luật. Ông trưởng bản gương mẫu hóa ra là "trùm cuối", tổng kho chuyên cấp ma túy cho các đường dây lớn ở Vinh, Hà Tĩnh, TP HCM và cả Lào. Tuấn mang ba lệnh truy nã, nhận án chung thân, vợ cũng vào tù. Con cả bị bắt vì buôn bán ma túy. Hai cô con gái cũng nghiện nặng.
Bà Phó chủ tịch UBND xã khóa trước cùng hai con trai cũng đang ngồi tù vì buôn ma túy. Chồng bà chết vì nghiện ma túy. Những đứa cháu không biết đã bỏ đi đâu. Tám thành viên trong gia đình mười người này, đều đang đi tù, hoặc nghiện.
Nhiều cái tên cán bộ nữa được anh trưởng Công an xã bấm đốt ngón tay kể lại với những điểm chung "chết, nghiện, tù". Trên con đường ma túy chảy qua, cũng đồng nghĩa với dòng lợi nhuận khổng lồ, nhiều cán bộ không còn thỏa hiệp với cái ác: họ hợp thể với cái ác làm một.
Trước vành móng ngựa, những mắt xích của con đường Bắc miền Trung cũng hiện lên một cách giản đơn: những đồng bào nhận lời đề nghị dễ dàng, thực hiện những giao dịch dễ dàng, và ở hai đầu, kẻ bán cho họ và mua cho họ, là vô danh.
"Một người đàn ông" tới gặp Thò Bá D. và hỏi mua một bánh heroin và 5 túi hồng phiến. D. nhờ người gọi sang Lào mua ma túy. Chiều hôm sau, đã có một người Lào sang bàn bạc, lựa chọn địa điểm giao nhận hàng trong rừng. Người Lào này, cũng không thể xác minh lý lịch, cho dù sẵn sàng cho D. nợ tiền hàng.
May Nguyệt, 14 tuổi, bên di ảnh của mẹ. Cha mẹ em chết vì HIV. |
Diễn biến chính của một vụ án mua bán ma túy tại Nghệ An, như trong bản án 87/2017/HSST của TAND tỉnh Nghệ An chỉ có thể tóm tắt trong vài câu như vậy. Nghề nghiệp của các đối tượng liên quan được ghi trong bản án: Làm ruộng. Cũng như tại Lóng Luông, chỉ tới khi lực lượng cảnh sát thực hiện các chuyên án lớn sau thời gian theo dõi dài, người ta mới nhìn thấy chân dung những kẻ điều khiển thực sự.
Địa hình phức tạp đã biến Lượng Minh thành điểm tập kết hàng, và pháo đài cho những kẻ cầm đầu trong nhiều năm. Ông trùm Lô Văn Tuấn, người có hơn một thập niên điều phối những chuyến hàng từ Xốp Mạt đi ngang dọc đất nước, đã 3 lần bị khởi tố, 3 lần phát lệnh truy nã đặc biệt, và lẩn trốn trong suốt gần 6 năm. Cuối cùng, lực lượng công an bắt được Tuấn trong một lán nhỏ nằm sâu trong rừng, ngay tại Tương Dương.
Xu hướng sử dụng ma túy trong những năm gần đây có thể nhìn thấy rõ trên những cung đường chính của khu vực Đông Nam Á, như Nghệ An hay Sơn La.
Đại tá Nguyễn Đức Thính, Trưởng phòng 3, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, nhận định, những năm nay, ma túy tổng hợp có xu hướng tăng cả về số lượng vận chuyển lẫn các vụ bắt. Ngược lại heroin có chiều giảm xuống. Đây là xu thế chung của thế giới, khi người sử dụng chuyển từ việc dùng ma túy truyền thống sang ma túy tổng hợp. Việc sản xuất ma túy tổng hợp cũng dễ dàng hơn, không phải chờ thời vụ, có thuốc phiện mới sản xuất được như heroin.
Trung Quốc từng là công xưởng ma túy tổng hợp của toàn thế giới với giá thành thấp, từ 200 đến 250 triệu đồng một cân. Khi lực lượng chức năng nước này truy quét mạnh, thì "công xưởng" ấy lại chuyển về khu vực Tam giác Vàng, cụ thể là Myanmar. Ma túy tổng hợp giá thành thấp sản xuất bên Myamar qua Lào, đưa về Việt Nam chỉ khoảng 130 triệu một cân, bằng một nửa, nhưng có chất lượng cao, đóng bánh đẹp.
Đại diện của UNODC tại Việt Nam bổ sung một kiến giải quan trọng khác: chất lượng ma túy tổng hợp sản xuất tại vùng Tam giác Vàng đang được nâng lên, bắt kịp nhu cầu của thị trường. Điều này đồng nghĩa với khối lượng ma túy tổng hợp đi qua đường biên giới Lào vào Việt Nam, sẽ còn tăng nhanh trong những năm tới.
Khối lượng ma túy bắt giữ tại tiểu vùng Mekong qua các năm. Nguồn: UNODC. |
Trong Báo cáo thường niên năm 2017của UNODC về xu hướng tội phạm ma túy ở khu vực Đông Nam Á, sự mở rộng của thị trường ma túy tổng hợp không có dấu hiệu dừng lại. Năm 2015, khoảng 630 xưởng sản xuất ma túy tổng hợp trái phép bị triệt hạ trong khu vực, số ma túy đá bị thu giữ vào khoảng 60 tấn.
Theo C47, chỉ khoảng 20% số ma túy thẩm lậu qua biên giới được tiêu thụ trong nước, 80% còn lại tiếp tục được vận chuyển sang nước thứ ba, chủ yếu là Trung Quốc và Australia.
Năm 2005, tám cơ quan của Australia, bao gồm thuế vụ, cảnh sát và hải quan phối hợp thành lập Chiến dịch Gordian. Mục tiêu của chiến dịch, là theo dõi và tiêu diệt các đường dây buôn bán ma túy từ hải ngoại vào Australia.
Các thành viên của Gordian đi theo từng tay buôn ma túy, đánh dấu từng đồng dollar chúng kiếm được, và đi theo các túi tiền này, đến các văn phòng chuyển tiền quốc tế để tìm người nhận. Họ tìm thấy nhiều dòng tiền có cùng một đích đến.
Đại diện của con đường thần chết, lần này, không phải là một người Mông làm ruộng. Đó là một người đàn ông 40 tuổi phong độ, được đào tạo tại Nga, kéo vali trong dáng vẻ đĩnh đạc và hài lòng tiến thẳng tới cửa xuất cảnh của sân bay Sydney.
Dáng vẻ tự mãn của người đàn ông này trước khi bị bắt, khiến các điều tra viên của Chiến dịch Gordian cảm thấy ấn tượng tận tới khi xét hỏi. Anh ta có quyền tự tin: hành lý cá nhân của người này sẽ không bị kiểm tra bằng máy soi. Đó là một phi công của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam.
Trần Đình Đang bị tuyên án 4 năm rưỡi tù giam năm 2006 vì hàng loạt tội danh liên quan đến rửa tiền, sau khi khai nhận đã chuyển tổng cộng 6,5 triệu AUD từ Australia về Việt Nam qua nhiều chuyến bay. Các đại diện của Ủy ban tội phạm Australia khẳng định trước tòa rằng đó là tiền bán ma túy của các băng nhóm tại nước này. Khi bị bắt, trong hành lý của Đang có 500.000 AUD tiền mặt – những đồng dollar đã bị Gordian theo dấu.
Đang không hợp tác điều tra, và không khai thêm tên những người có liên quan. Hai năm sau, một phi công khác của Vietnam Airlines, Lại Quốc Việt, bị bắt vì cùng hành vi.
Khung cảnh bản Xốp Mạt, Lượng Minh, Tương Dương. |
Ngoài vận chuyển tiền mặt qua hàng không, thì nhà chức trách Australia còn khẳng định rằng tiền ma túy còn từ Australia về Việt Nam thông qua những phiếu gửi tiền quốc tế, để làm quà tặng, thanh toán hàng nhập khẩu... và nhiều lý do khác. Trong hai năm thực hiện chiến dịch Gordian, họ tuyên bố đã có hàng trăm triệu AUD tiền bán ma túy được chuyển về Việt Nam.
Chưa có đủ dữ liệu để ước đoán tổng khối lượng ma túy được đưa từ Việt Nam và Australia mỗi năm. Nhưng hải quan cửa khẩu các sân bay, đặc biệt là Tân Sơn Nhất, vẫn liên tục bắt giữ các vụ vận chuyển với khối lượng lớn.
Và nguồn gốc của ma túy tại Australia, có thể bắt đầu từ chính những cánh rừng ở biên giới Hủa Phăn và Xiêng Khoảng. Giữa năm 2018, khi bị bắt, trùm ma túy Hiệu "chuột" – kẻ cầm đầu một đơn vị cung cấp hàng lớn tại TP HCM - khai rằng các cuộc mua bán được thống nhất tại Nghệ An, trước khi hàng được chuyển vào từ Lào qua đường biên giới Quảng Trị.
Dù nhận thức được hay không, từ những đồng bào đi vận chuyển lúc nông nhàn, những tay buôn ẩn náu trong lán nứa như Lô Văn Tuấn hay những ông trùm nghênh ngang cưỡi siêu xe như Tráng A Tàng, đều là mắt xích trong một đường dây toàn cầu.
Theo VnExpress.net