Cuộc đời đói khổ, bi đát của tác giả ca khúc ‘Nửa đêm ngoài phố’
(PetroTimes) - Nhạc sĩ Trúc Phương được mệnh danh là “ông hoàng dòng nhạc bolero”. Thế nhưng, người nhạc sĩ tài hoa có một cuộc sống đầy bi đát, hoàn toàn tỉ lệ nghịch với sự nổi tiếng, "giàu có" trong âm nhạc.
Nhạc sĩ Trúc Phương qua đời năm 1996, do bệnh sưng phổi, hậu quả của những năm dài sống trong đói khổ. Trong 62 năm ở trọ trần gian, ông cho ra đời gần 100 ca khúc có giá trị.
Nhạc của Trúc Phương có một vị trí không thay đổi, luôn làm say mê công chúng. Mỗi ca khúc ông viết đều sâu lắng, dễ nghe, dễ thuộc và ai cũng có thể hát được... nên lan tỏa. Bình dân nhưng vẫn không kém đi sự sang trọng. Từng ca từ, giai điệu được tác giả trau chuốt, chọn lọc.
Các ca khúc của ông đã chắp cánh thành công cho nhiều thế hệ ca sĩ như: Thanh Thúy, Duy Khánh, Giao Linh, Phương Dung, Thanh Tuyền, Chế Linh, Nhật Trường, Tuấn Vũ, Đan Nguyên, Y Phụng...
Đến nay, những Nửa đêm ngoài phố, Thói đời, Buồn trong kỷ niệm, Ai cho tôi tình yêu, Tàu đêm năm cũ, Đôi mắt người xưa, Người xóm cũ, Sau những lần gối mỏi, Mưa nửa đêm... mang đầy tâm sự buồn của chính tác giả, vẫn tiếp tục vang lên từ mọi ngõ ngách, trên các sân khấu ca nhạc, được những ca sĩ tên tuổi hát.
Tất cả bài hát như một định mệnh đầy đau khổ, đo ni đóng giày cho ông sau này
Tuy ngự trên đỉnh cao danh vọng, nhưng những năm cuối đời, nhạc sĩ Trúc Phương lâm vào tình trạng không nhà, gia đình tan nát, lang thang đói rách khắp Sài Gòn. Đó thật sự là một bi kịch đối với một nhạc sĩ nổi tiếng như ông.
Lúc sinh thời, ông từng chua chát: "Nhiều bài hát tôi sáng tác, như đã tiên đoán cho số phận của tôi sau này". Đơn cử là bài Thói đời, lời bài hát như vận vào những năm cuối đời của ông trong cảnh trắng tay, đói rách... bị bạn bè khinh khi, người yêu lừa dối, tình đời bạc bẽo.
"Đường thương đau đày ải nhân gian
Ai chưa qua chưa phải là người
Trông thói đời cười ra nước mắt
Xưa trắng tay gọi tên bằng hữu
Giờ giàu sang quên kẻ tâm giao
còn gian dối cho nhau
Người yêu ta rồi cũng xa ta
nên chung thân ta giận cuộc đời
Đôi mắt nào từng đêm buốt giá
Bên chiếu chăn tình xa nhịp thở
Tiền đổi tay khi rũ cơn mê
để chua xót trên bước về...."
Tác phẩm Thói đời thấm đẫm tình người gian dối, bạc bẽo lúc sa cơ thất thế. Ca khúc này nhạc sĩ Trúc Phương viết trước lúc lâm vào hoàn cảnh bi đát, cũng như một định mệnh được đo ni đóng giày cho chính ông sau này. |
Biến cố đưa đẩy nhạc sĩ Trúc Phương xuống hố sâu đau khổ, là khi hạnh phúc gia đình tan vỡ, cũng như một định mệnh đã được ông tiên đoán trước trong tác phẩm Buồn trong kỷ niệm nổi tiếng. Lúc còn sống, ông từng chia sẻ điều này:
“Lúc đó tâm hồn của tôi trong sáng vô cùng. Tôi đang ở độ tuổi yêu, chưa có một tình yêu nào vẩn đục tâm hồn cả. Thành thử, các tác phẩm tôi sáng tác lúc đó trong sáng lắm.
Bài Buồn trong kỷ niệm, tôi viết trong tâm trạng vô cùng hạnh phúc. Lúc đó tôi mới lấy vợ, mới có đứa con gái đầu tiên, được chừng 2-3 tháng tuổi. Tôi đang ngụp lặn trong hạnh phúc. Tôi viết bài đó, không hiểu sao tôi viết, như lời tiên tri cho mối tình của tôi, báo trước cho tôi sẽ có một ngày tôi nhìn về kỷ niệm, bằng nỗi buồn, đổ vỡ”.
Từ đó, ông bắt đầu chuỗi ngày sống trong chật vật, thiếu thốn, ngủ đầu đường xó chợ. Nhạc sĩ Trúc Phương kể về những ngày tháng đau khổ nhất của cuộc đời mình trong cảnh màn trời, chiếu đất: “Sau những biến cố của cuộc đời, tôi phải sống một thời gian kiểu du cư, nay đây mai đó, bèo dạt mây trôi. Nếu đói thì không đói ngày nào, nhưng mà nói no thì chưa được ngày nào gọi là no. Lững lững, lờ lờ như thế. Tôi không có mái nhà, lúc đó thì chuyện vợ con cũng tan nát rồi”.
Danh ca - "Con nhạn trắng Gò Công" Phương Dung hát Buồn trong kỷ niệm:
Do không giấy tờ tùy thân, không thể đăng ký tạm trú, người nhạc sĩ rất khó vào nhà bạn bè, xin tá túc dăm ba bữa. Ông tâm sự:
“Tôi sống nhờ nhà bạn bè. Khốn nỗi bạn bè cũng có hoàn cảnh bi đát, khổ sở. Không ai đùm bọc ai được. Thêm nữa, bạn bè không dám chứa tôi trong nhà, bởi vì tôi không có giấy tờ tùy thân. Tôi chẳng có thứ gì trong người cả… Họ sợ mai kia mốt nọ, chính quyền hỏi, tôi không có gì trình ra. Khổ như thế”.
Thời đó, Sài Gòn vẫn còn những chuyến xe lam. Bến xe miền Tây vẫn còn nhộn nhịp những chuyến xe đò. Ban ngày, không biết làm gì, nhạc sĩ Trúc Phương lang thang thành phố cho mau hết ngày, đêm đến ra bến xe tìm chỗ đặt lưng.
“Muốn ngủ cho an thân, tôi nghĩ ra được một cách: Tìm nơi nào có khách vãng lai, tôi chui vào ngủ với họ để tránh bị kiểm tra giấy tờ. Ban ngày thì lê la trong thành phố. Đến đêm phải ra xa cảng (Bến xe Miền Tây), thuê một chiếc chiếu, thế chân 1 đồng. Ngủ đến sáng, xếp chiếu trả cho người ta, lấy tiền thế chân về. Một năm tôi ngủ ở xa cảng đến 9 tháng như vậy”, ông nói.
Danh ca, nữ hoàng sầu muộn" Giao Linh hát ca khúc Ai cho tôi tình yêu của Trúc Phương:
“Hôm nào có tiền đi xe lam, tôi ra sớm, chừng 5 giờ chiều có mặt ngoài đó thì còn có chỗ lịch sự, tương đối vệ sinh để trải chiếu năm. Hôm nào ra trễ, chỗ tốt, sạch, vệ sinh… bị người ta giành hết rồi, tôi phải trải chiếu gần chỗ người ta đi tiểu. Cũng phải nằm thôi, vì nếu đi chỗ khác sẽ bị kiểm tra giấy tờ tức khắc, mình sẽ bị bắt do không có giấy tờ để trình”, nhạc sĩ kể về nơi đặt lưng hàng đêm.
Người nhạc sĩ chua chát: “Tôi sống trong những ngày bi đát. Lẽ ra tôi nên buồn với hoàn cảnh như thế. Nhưng tôi không bao giờ buồn. Tôi nghĩ: Thôi, còn sống cho tới bây giờ, âu đó cũng là một chất liệu cho sau này, nếu tôi còn viết nhạc được nữa”. Câu nói của ông hoàn toàn linh ứng với hai câu kết trong bài Thói đời mà ông viết lúc còn trên đỉnh cao danh vọng: "Đoạn buồn xa ta đã đi qua/Ngày vui tới ta vẫn chờ".
Chịu không nổi cảnh màn trời chiếu đất, đói khát. Tìm về "bóng mát" mẹ già
Sống đói khát, ngủ bờ, ngủ bụi năm dài tháng rộng, ông cũng không còn đủ sức chịu đựng nữa.
Theo lời ông thì: "Bẵng đi một thời gian, tôi thấy sống ở thành phố không nổi nữa. Cái ngủ thì như thế, còn cái ăn thì sao? Tôi không có việc làm, không có một nguồn thu nhập nào cả. Thế là sống kiểu ngửa tay nhờ bạn bè. Ngửa tay là kiểu ngửa tay lịch sự ấy, chứ không phải ăn xin. Gặp bạn bè uống nước vui vẻ, trò chuyện dăm ba câu, tôi khều người ta: “Ê, coi cho 5 đồng, 3 đồng gì coi?”.
Lúc đầu bạn bè còn nể nang, có thằng dúi cho 10 đồng, có thằng dúi cho 5 đồng. Nhưng mà gặp nhiều lần quá, bị ông Trúc Phương cứ khều hoài, bạn bè cũng bực mình, không cho nữa. Những ngày tôi ăn xin kiểu trí thức như thế, khổ lắm”.
Và ông đã tìm về quê ở Cầu Ngang (Trà Vinh), quấy quá cháo rau với mẹ già: “Tôi nghĩ, phải tìm về mẹ, tìm bóng mát che chở của mẹ. Nhạc sĩ Y Vân nói tình mẹ bao la, rất đúng”.
“Mẹ tôi khổ quá. Một bà mẹ quê, mua bán nhỏ ngoài chợ. Mua con gà ở đầu chợ, xách xuống cuối chợ bán, lời chỉ được 1 đồng, 2 đồng. Mẹ tôi già yếu nhưng vẫn phải tần tảo nuôi thằng con đã 50 tuổi đầu”, nhạc sĩ nói về nỗi xót xa trước cảnh mẹ già phải nuôi mình trong cảnh cùng đường.
Thế nhưng, ông không chịu quanh quẩn ở nhà, tiếp tục rong ruổi cho quên đi đau khổ. Ông đi đến nhiều miền quê, sống bần hàn.
Những nơi ông đặt chân đến, người nông dân chất phác rất mê mẩn những ca khúc: Nửa đêm ngoài phố, Tình thắm duyên quê, Mưa nửa đêm... Họ vẫn mường tượng tác giả phải là một người rất sang trọng, hào hoa, chứ không phải ông già có bộ dạng thảm não, hom hem, quần áo xốc xếch đang ngồi trước mặt mình.
Nhạc sĩ kể về một kỷ niệm buồn: “Có một lần, một ông bạn mời về quê ổng chơi. Nhà ổng ở một nơi heo hút, xa xôi lắm. Tôi nghĩ rằng nơi đó, bóng dáng văn minh gần như chưa tới. Bà con nhà quê thường hiếu khách, hay làm gà vịt đãi nhau bữa cơm. Trong lúc ăn cơm thì hàng xóm cũng qua chơi.
Ông chủ nhà hãnh diện, giới thiệu tôi với mọi người: Đây là ông nhạc sĩ Trúc Phương! Mấy ông kia cũng gật gật, nhưng không ai tỏ ra vẻ tin ông ngồi trước mặt mình là ông Trúc Phương cả. Người ta cứ nghĩ ông Trúc Phương phải trắng trẻo, lịch sự, đi xe hơi. Ông Trúc Phương nổi tiếng như vậy, làm sao lại vắt quần ngang cổ, lội ruộng đi xuống tới đây?
Họ nể ông chủ nhà, không nói gì. Tiệc tan, tôi nghe họ nói xầm xì: Thằng cha đó mạo danh ông Trúc Phương".
Danh ca Thanh Tuyền và ca khúc Nửa đêm ngoài phố:
Người nhạc sĩ rất bình thản với cuộc đời lận đận, cô đơn của mình: "Thật ra đối với cá nhân, tôi không hề có hạnh phúc gì. Trong tình yêu, tôi thất bại rất lớn. Vấn đề vợ con, càng bi thảm hơn. Tôi hoàn toàn không có một hạnh phúc nào cho riêng mình".
"Hạnh phúc lớn của tôi là từ khán thính giả hâm mộ. Họ cho tôi hạnh phúc rất lớn, là nguồn khích lệ để tôi viết. Do đó, tôi cám ơn những người yêu mến tôi, tác phẩm của tôi, đã khích lệ tôi có một sự nghiệp như bây giờ”, ông nói.
Xin cảm ơn đời là tác phẩm cuối cùng ông viết vào tháng 3/1995, trước khi từ giã dương thế chỉ vài tháng, như một lời tri ân cuộc đời đầy đau khổ, đẫm nước mắt.
Lê Ngọc Dương Cầm