Việt Nam có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới
(PetroTimes) - Ngày 12/11, tại Hà Nội, Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Novartis tổ chức Diễn đàn Y tế tương lai lần thứ 11 khu vực châu Á - Thái Bình Dương với chủ đề “Kiến tạo con đường tương lai cho ngành Y tế: Sử dụng nguồn lực và vận hành hiệu quả để đạt kết quả tối ưu đối với các quốc gia có dân số già nhanh tại châu Á”.
Diễn đàn là cơ hội để các đại biểu trong nước và quốc tế cùng trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về các xu hướng toàn cầu trong chính sách chăm sóc sức khỏe, hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển một hệ thống y tế hoạt động hiệu quả, bền vững, qua đó giúp cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam nói riêng và các quốc gia châu Á nói chung, cũng như tăng cường sự hợp tác về lĩnh vực y tế trong khu vực.
Toàn cảnh diễn đàn |
Phát biểu tại diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, Diễn đàn Y Tế tương lai năm 2018 nhằm tạo điều kiện kết nối giữa các nhà hoạch định chính sách y tế và các chuyên gia học thuật đầu ngành để trao đổi các ý tưởng, sáng kiến, chia sẻ các kinh nghiệm hay từ các nước trong khu vực và thảo luận các xu hướng toàn cầu về chính sách chăm sóc sức khỏe, hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển một hệ thống y tế hoạt động hiệu quả, bền vững.
Trong xu thế hội nhập và phát triển, ngành y tế Việt Nam cũng như các quốc gia châu Á đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đột phá về nhiều mặt, nhất là về chất lượng nhân lực, khoa học công nghệ và mô hình quản lý, vận hành.
PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên cho hay, trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ người dân ở nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng. Nhờ đó, tuổi thọ của người dân tăng lên. Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Hiện tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi.
Tuy nhiên, số lượng người cao tuổi tăng lên nhanh chóng đang là thách thức lớn đối với hệ thống y tế và là nguyên nhân gia tăng các bệnh mạn tính không lây nhiễm như: Tăng huyết áp, tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư, thoái hóa khớp… Đặc biệt, già hóa dân số khiến cho chi phí y tế tăng cao.
PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh, trong bối cảnh tình trạng lão hóa dân số đã và đang diễn ra ngày càng phổ biến không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các quốc gia châu Á, đặt ra nhiều thách thức lớn, có tác động lâu dài cho hệ thống chăm sóc sức khỏe ở mỗi quốc gia, thì việc sử dụng các nguồn lực, quản lý vận hành sao cho hiệu quả là điều được quan tâm và chú trọng thực hiện.
Đặc biệt, tại diễn đàn, các tham luận của các đại biểu nhấn mạnh vào những vấn đề cốt lõi đặt ra đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe tại châu Á, cũng như cách tiếp cận hiệu quả trong bối cảnh tốc độ lão hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng tại khu vực.
Tại diễn đàn, các tham luận trong nước và quốc tế tập trung phân tích 3 nội dung chính: “Mục tiêu dành cho hệ thống y tế tại châu Á - Mô hình hiện tại sẽ kéo dài đến khi nào?; “Tăng cường sự đóng góp từ xã hội và bệnh nhân: Gia tăng sức khỏe, giảm chữa bệnh”; “Dẫn đầu, đóng góp vào sức khỏe chung toàn cầu - Xây dựng các mô hình kiểu mẫu y tế điển hình tại châu Á”.
N.H (T/h)