Những nỗi trăn trở cuộc đời của nhà văn Pháp nổi danh
(PetroTimes) - Nữ văn sĩ Françoise Sagan tên thật là Françoise Quoirez, sinh năm 1935 tại Cajarc và mất năm 2004. Bà trải qua thời thơ ấu tại Paris trong một gia đình khá giả. Năm 18 tuổi, Françoise Sagan viết tiểu thuyết đầu tay Buồn ơi chào mi và ngay lập tức gặt hái được thành công vang dội.
Kể từ đó, thế giới bắt đầu biết đến bút danh Sagan của bà – được lấy theo tên một nhân vật trong “Đi tìm thời gian đã mất” của Proust.
Sự nghiệp sáng tác của bà khá đồ sộ với khoảng hơn 50 tiểu thuyết, 30 triệu bản sách được bán riêng tại Pháp, và được chuyển ngữ ra nhiều thứ tiếng. Được coi là một trong những thành viên của Làn Sóng Mới, bà còn tham gia viết kịch và lời thoại cho phim. Năm 1985 bà nhận được giải Prix de la Fondation Prince Pierre của Monaco cho toàn bộ các tác phẩm của mình.
Françoise Sagan được coi như một huyền thoại mà danh tiếng đã vượt ra ngoài nước Pháp, là totem (biểu tượng) của một giai đoạn tự do và vô lo.
Những ngày đầu tháng Mười một năm 2018, Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn Một buổi sáng khó quên và những bản tình ca dang dở của nhà văn Pháp Françoise Sagan. Tập truyện "Một buổi sáng khó quên và những bản tình ca dang dở" có tổng cộng mười bảy truyện ngắn, trong đó có bốn truyện lần đầu tiên được xuất bản: Một buổi sáng khó quên, Câu chuyện tháng Tám, Kẻ yêng hùng đích thực và Thực đơn.
Mười bảy truyện ngắn là mười bảy cảnh huống oái oăm, bẻ ngoặt cuộc đời các nhân vật theo những con đường không ai biết trước. Tiếng cười bật ra một cách bất ngờ nhờ lối viết dửng dưng, bình đạm của nhà văn – nhưng chất chứa sau những mỉa mai ấy là những suy nghĩ, dằn vặt của một cây bút bậc thầy.
Một buổi sáng khó quên, một buổi sáng Chủ nhật như mọi buổi sáng khác. Nicole bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại kỳ lạ. Bạn cô gọi đến để báo tin dữ về ngày tận thế: một quả tên lửa đang phóng đến Paris. San Francisco và Léningrad đã bị xóa sổ trên bản đồ thế giới. Chỉ còn duy nhất một giờ để sống sót. Liệu ta còn có thể làm gì? Còn có thể nghĩ đến ai?
Rémi Pelletier để vợ và các con đi nghỉ mát trong khi anh ở lại Paris một mình suốt cả tháng Tám. Viễn cảnh này khiến anh thoải mái, bởi cuối cùng anh cũng có thể xem bóng đá trên ti vi một cách yên ổn. Dẫu vậy, ai sẽ là người đơm lại ba chiếc cúc áo mà anh bị đứt? Anh không muốn trở thành kẻ ăn mặc lôi thôi tại văn phòng vào thứ Hai chỉ vì vợ mình không có ở đây. Và tình cờ anh bắt gặp Olga, cô bạn đồng thời là hàng xóm của hai vợ chồng, người phụ nữ có giọng nói lanh lảnh như chim và đầu óc cũng trên mây như chim. Nhưng bạn không thể nhờ một người gần như không thân thiết đơm hộ mấy chiếc cúc mà không có những hành động lịch sự tối thiểu phải không?
Với giọng điệu hài hước mỉa mai nhưng ẩn sâu bên trong là những dằn vặt, suy tư, Françoise Sagan không chỉ gợi lên nỗi ám ảnh về cuộc đời, nơi quá khứ được phản chiếu và tương lai dễ thay đổi, mà còn chạm tới những xúc cảm chân thật trong mỗi người đọc. Làm chủ nghệ thuật súc tích của truyện ngắn, để cho khoảng lặng giữa các từ lên tiếng, Françoise Sagan luôn mang lại nhiều niềm vui cho người đọc sách bằng một vẻ duyên dáng cùng trí thông minh tuyệt vời.
Nói gì về “Tuổi 20 yêu dấu” |
Jordani: Nhà văn bị giết ngay trước tòa án |
Đặng Thanh