Bộ trưởng Tài chính: "Các nước nộp thuế là vinh quang, ta có phải thế không?"
Thảo luận về Luật Quản lý thuế, người đứng đầu ngành tài chính cho rằng, với nhiều quy định cần phải làm quyết liệt mới quản lý được. Ông cũng cho rằng, thực trạng văn hoá kinh doanh của Việt Nam "có vấn đề", cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ngành.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. |
Thảo luận về dự thảo Luật Quản lý thuế sáng nay (12/11), Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Luật này đã được sửa 3 lần trong 10 năm qua để phục vụ quá trình phát triển kinh tế nhưng tới giờ vẫn bộc lộ nhiều bất cập,
"Trước đây kinh doanh được hiểu một cách truyền thống, đơn thuần nhưng hiện nay kinh doanh đặt trong bối cảnh mới nên rất khó nhận dạng các phương thức kinh doanh trong bối cảnh kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử... để thu thuế bởi quy định pháp luật chưa có, chưa điều chỉnh hành vi này", Bộ trưởng cho biết.
Theo Bộ trưởng, vừa qua cơ quan thuế đã rất cố gắng rà soát hàng trăm nghìn tài khoản kinh doanh trên mạng như Facebook, Google... và vận động, gửi thư thuyết phục họ nộp thuế.
"Pháp luật không quy định nhưng thực tiễn vẫn phải xử lý. Chẳng hạn việc gắn tem tại các cây xăng, dù pháp luật không quy định, nhưng hiện đã gắn được vài trăm nghìn và hạn chế được tình trạng buôn lậu xăng ngay trong nội địa, tăng thu thuế bảo vệ môi trường từ thời điểm gắn tem/chip này", ông nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, những người kinh doanh trên Facebook, Google… về cơ bản cơ quan thuế nắm được nhưng chế tài xử lý thì chưa có.
Vì thế, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu nhà mạng phải đặt máy chủ tại Việt Nam và phải phối hợp xử lý ngay khi có vấn đề. Cơ quan quản lý tài chính cũng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, đề nghị cung cấp thông tin vì hiện thanh toán trong, ngoài nước đều qua cổng thanh toán của cơ quan quản lý tiền tệ.
"Trong điều kiện kinh tế phát triển chúng ta không có phương cách quản lý mềm dẻo, phối hợp linh hoạt giữa các cơ quan thì rất khó quản lý. Dự luật quy định ngân hàng thương mại phải chia sẻ thông tin tài khoản cho cơ quan thuế, thực tế khi đưa ra thì ngân hàng phản ứng, nhưng không thể không làm. Vì nếu không kiểm soát được thu nhập, không kiểm soát được dòng tiền thì khó thu được thuế, chưa kể kinh tế của chúng ta là kinh tế tiền mặt", ông Dũng cho biết.
Đối với các quy định mới, người đứng đầu ngành tài chính dẫn một loạt ví dụ cho rằng: "Có nước quy định, nếu vào nhà hàng không xuất hoá đơn thì người mua không phải trả tiền. Họ làm mạnh mẽ như vậy nhưng chúng ta có làm được không, rất khó. Làm quyết liệt mới quản lý được doanh thu, thu nhập và thuế. Như hiện siêu thị mọc lên như nấm nhưng văn hoá của Việt Nam là chợ cóc, chợ nông thôn… nên việc quản lý hoá đơn, thu thuế qua hoá đơn rất khó".
"Nói quản lý thuế nhưng cũng phải nhìn thực trạng văn hoá kinh doanh của ta rất có vấn đề, cần sự đồng bộ vào cuộc của các cấp, ngành. Các nước nộp thuế là vinh quang, nghĩa vụ cao cả. Ta có phải thế không? Được mấy người tự giác? Cho nên, những chỗ như này rất cần sự đồng bộ. Luật này sẽ liên quan đến pháp luật khác nên mới đưa trách nhiệm các ngành vào đây", ông nhấn mạnh.
Ông cũng đặt vấn đề về trường hợp những doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam kkhai vốn đầu tư hàng chục tỷ USD nhưng "ai xác định, ai dám bảo đúng hay chỉ là họ tự khai". "Rõ ràng mình đang chấp nhận số tự khai đó và khai bao nhiêu biết bấy nhiêu. Khai như thế, khấu hao như thế thì có chuyển giá trong này không? Chưa nói, công nghệ mới, ai khẳng định việc đầu tư vào là đúng?", ông đặt câu hỏi.
Thừa nhận pháp luật còn nhiều kẽ hở, trong nhiều trường hợp "pháp lý của mình là thua", người đứng đầu ngành tài chính cho hay, trong quản lý, điều hành mình phải "vừa đấm vừa xoa".
"Tôi thanh tra kiểm tra là để tìm dấu vết. Rất phức tạp. Các đồng chí bảo năm nay thu hút đầu tư nước ngoài, giải ngân bằng này tiền nhưng ai khẳng định bằng đó tiền là đúng hay sau này khấu hao thêm rồi chuyển giá. Nên mới có doanh nghiệp lỗ cứ lỗ nhưng vẫn đầu tư mở rộng. Quá phức tạp. Cần sự đồng bộ vào cuộc của các ngành là vì thế", ông nói.
Theo Dân trí