Venezuela tìm cách đòi 14 tấn vàng về nước
Veneuela đang tìm cách chuyển số vàng ròng trị giá khoảng 550 triệu USD từ Ngân hàng Anh Quốc về nước vì lo sợ chúng sẽ bị thu giữ bởi các biện pháp trừng phạt quốc tế vẫn đang áp lên đất nước này, 2 nguồn tin giấu tên tiết lộ với Reuters.
Trong nhiều thập kỷ qua, Venezuela đã lưu trữ lượng vàng lớn ở ngân hàng trung ương trong nước và ở cả các ngân hàng nước ngoài. |
Việc quản lý tiền tệ của Venezuela đang ngày càng khó khăn khi lệnh cấm vận tài chính của Hoa Kỳ đã khóa chặt mọi cố gắng của chính phủ ông Nicolas Maduro về việc vay mượn tiền trên thị trường quốc tế.
Thêm vào đó, chính quyền ông Trump vừa ban hành một lệnh trừng phạt mới cấm các công dân Hoa Kỳ không giao dịch với bất cứ ai liên quan đến mua bán vàng từ Venezuela. Hành động này như cố gắng tăng thêm áp lực lên chính quyền ông Maduro.
Theo đó, Venezuela đang tìm cách đưa 14 tấn vàng ròng được cất giữ tại Ngân hàng Anh Quốc trở về Venezuela, theo hai nguồn tin nắm thông tin trực tiếp về hoạt động này tiết lộ.
Theo đó, Ngân hàng Anh Quốc cũng đang cố tìm hiểu Venezuela muốn làm gì với số vàng này, một số quan chức của ngân hàng cho biết.
Tuy nhiên, Ngân hàng trung ương Venezuela và Ngân hàng Anh Quốc đều từ chối bình luận về điều này.
Kế hoạch này sẽ được triển khai trong gần 2 tháng vì gặp khó khăn trong việc bảo hiểm lô hàng. Bên cạnh đó, việc vận chuyển một lượng vàng lớn như vậy cũng tốn nhiều thời gian và công sức, một trong những quan chức giấu tên cho hay.
“Họ vẫn đang cố gắng tìm bên bảo hiểm phù hợp bởi lô hàng có giá trị quá cao”, quan chức này nói.
Đã 5 năm liên tiếp Venezuela chịu cảnh suy thoái kinh tế với lạm phát hàng năm ở mức hơn 400.000%, dẫn đến tăng tỷ lệ đói nghèo và bệnh tật, thúc đẩy một cuộc di cư của khoảng 2 triệu người dân.
Ông Maduro nói chính phủ của ông là nạn nhân của một “cuộc chiến kinh tế” do phe đối lập lãnh đạo và thúc đẩy bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Các nhà phê bình nước này thì đổ lỗi cho mô hình kinh tế do nhà nước lãnh đạo, kiểm soát trao đổi nghiêm ngặt và quốc hữu hóa của các công ty tư nhân.
Mất số vàng này sẽ là một tổn thương đáng kể đối với tài chính của Venezuela. Việc thiếu tiền cũng có thể gây nên tình trạng thiếu hàng hóa cơ bản từ thực phẩm đến thuốc men và phụ tùng ô tô.
Nhưng ngay cả khi Venezuela lấy lại được số vàng, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ có thể làm cho việc bán nó trở nên vô cùng khó khăn.
“Nếu chính phủ muốn có hành động gì với số vàng đó, nó sẽ phải được thực hiện với các nước đồng minh theo như lệnh trừng phạt quy định”, nhà kinh tế học Tamara Herrera nói.
Bán vàng trực tiếp từ Ngân hàng Anh Quốc cho nước ngoài sẽ dễ dàng hơn so với vận chuyển vàng về Venezuela rồi mới bán, nhưng việc này cũng có thể khiến Venezuela dính lệnh trừng phạt.
Trong nhiều thập kỷ qua, Venezuela đã lưu trữ lượng vàng lớn ở ngân hàng trung ương trong nước và ở cả các ngân hàng nước ngoài, phần lớn ở các nước đang phát triển.
Năm 2011, Venezuela đã hồi hương khoảng 160 tấn vàng từ các ngân hàng ở Mỹ và châu Âu đến ngân hàng trung ương ở thủ đô Caracas. Nhưng một số lượng lớn vàng của Venezuela vẫn còn ở Ngân hàng Anh Quốc.
Bắt đầu từ năm 2014, Venezuela đã sử dụng số vàng này để hoán đổi, trong đó, các ngân hàng toàn cầu cho Venezuela vay vài tỷ USD bằng số vàng thế chấp này.
Thống kê từ Ngân hàng Trung ương Venezuela cho thấy, lượng vàng mà ngân hàng này nắm giữ tính đến tháng 6 năm nay đã giảm xuống còn 160 tấn từ 364 tấn trong năm 2014, khi một số thỏa thuận hoán đổi đã hết hạn mà Venezuela không trả được tiền nên đành trả bằng số vàng thế chấp.
Đến năm 2017, các thỏa thuận hoán đổi như vậy trở nên khó khăn hơn do các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Theo Dân trí
Khủng hoảng kinh tế, bánh mì thành món ăn sang chảnh của dân Venezuela | |
Những người chết không có tiền chôn cất trong cuộc khủng hoảng Venezuela | |
Venezuela có thể lạm phát 10 triệu phần trăm năm tới |