Đại biểu Quốc hội: Đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng khiến dư luận không đồng tình
Đề cập tới sự việc vừa qua ở Cần Thơ, người thợ điện đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng, đại biểu Chiến cho rằng, đây là "điển hình của sự thiếu trong quy định, yếu trong áp dụng, chưa nghiêm minh trong quản lý Nhà nước, làm dư luận không đồng tình".
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội). |
Tiếp tục thảo luận tại Nghị trường chiều nay (27/10), Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) cho rằng, một nền kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường phải minh bạch về sở hữu, rõ ràng về quyền lợi. Dù là doanh nghiệp trong hay ngoài Nhà nước phải bình đẳng, không phân biệt đối xử.
Cùng với đó, quyền lợi hợp pháp của người dân tham gia trong nền kinh tế phải được bảo đảm. Chính phủ phải quan tâm hơn nữa tới công tác tư pháp trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
Theo ông Chiến, việc hoàn thiện thể chế tư pháp là điều kiện để cơ hội đầu tư kinh doanh, các hiệp định thương mại tự do được thực thi hiệu quả. Một trong những yếu tố để duy trì tăng trưởng kinh tế là phải tăng năng suất lao động. Để làm được điều này, phải tăng cường đầu tư, không chỉ từ NSNN, nguồn vốn vay nước ngoài mà phải chú ý tới việc huy động nội lực là nguồn vốn trong dân.
Đề cập tới sự việc vừa qua ở Cần Thơ, người thợ điện đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng, đại biểu Chiến cho rằng, đây là "điển hình của sự thiếu trong quy định, yếu trong áp dụng, chưa nghiêm minh trong quản lý Nhà nước, làm dư luận không đồng tình".
Theo ông Chiến, việc xóa bỏ trình trạng đô-la hóa trên thị trường phải được thực thi, nhưng những quy định cứng, không có định lượng, đổi ngoại tệ không đúng nơi được cấp phép phải bị phạt.
"Chúng ta đã giúp người dân nhận diện nơi nào được đổi, nơi nào không được đổi chưa? Sự tồn tại của các điểm đổi ngoại tệ bất hợp pháp còn rất nhiều. Điều đó trước hết là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước", ông nói.
Ông Chiến cũng cho rằng, mức phạt cũng cần phải xem xét lại, vì đổi 10 USD, 100 USD hay 1.000 USD đều phạt từ 80 triệu đồng tới 100 triệu đồng là không phù hợp.
"Cơ chế thị trường có cung ắt có cầu, thị trường buôn bán, chuyển đổi ngoại tệ đen vẫn hoạt động công khai, hầu như không bị xử phạt. Thiết nghĩ, Nhà nước phải thu dẹp trước để người dân không còn vi phạm như anh thợ điện”, ông nói.
Trước đó, trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội chiều 26/10, Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cũng đề cập tới vụ xử phạt này và cho biết: "Khi vào cuộc khảo sát thì đa số người dân không biết đến quy định cụ thể này. Do đó, một vụ việc xử phạt vi phạm hành chính mà công an phải họp báo thì điều này xưa nay cũng hiếm”.
“Ở đây tôi muốn nói đến là việc xem xét, đánh giá trách nhiệm và thực hiện như thế nào? Trong thời gian qua có nhiều văn bản mới ban hành đã gặp phản ứng không đồng tình mạnh mẽ của nhân dân, truyền thông quan tâm đăng tải phản ánh thế là văn bản dừng thi hành, hủy bỏ, bãi bỏ khi chưa có hiệu lực hoặc có hiệu lực không bao lâu", bà Dung nói.
Do đó, bà kiến nghị đối với những quy định quan trọng liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân cần phải lấy ý kiến rộng rãi, cách lấy ý kiến phải thực chất, đánh giá tác động một cách sâu sắc, chặt chẽ, cầu thị tiếp thu các ý kiến đóng góp, cơ chế giải trình, tuyên truyền từ trong giai đoạn soạn thảo.
Theo Dân trí