Mỹ và Saudi Arabia
"Thăng trầm tình thân hữu"
(PetroTimes) - Vụ nhà báo Saudi Arabia bị giết ở Thổ Nhĩ Kỳ đang làm dấy lên những chỉ trích đối với chính quyền Ryad. Mỹ đang xem xét trừng phạt Saudi Arabia, đồng minh chính của Washington ở Trung Đông, vốn có quan hệ lâu đời dựa trên dầu mỏ đổi vũ khí.
Ngày 14/2/1945, quan hệ đối tác giữa Mỹ và Saudi Arabia đã được thiết lập tại một cuộc họp lịch sử giữa Vua Abdul Aziz ben Saud và Tổng thống Franklin D. Roosevelt trên tàu tuần dương USS Quincy neo đậu ở kênh đào Suez, đặt nền tảng cho quan hệ giữa hai nước. Theo đó, Ryad sẽ được Mỹ bảo vệ quân sự, đổi lại, Washington có quyền ưu tiên tiếp cận nguồn dầu mỏ của Saudi Arabia.
Việc phát hiện trữ lượng dầu mỏ khổng lồ vào cuối thập niên 30 của thế kỷ trước đã giúp Saudi Arabia trở thành đối tác quan trọng của Mỹ, quốc gia “đói” vàng đen thời bấy giờ.
Tổng thống Donald Trump tiếp Thái tử Mohammed bin Salman tại Nhà Trắng (tháng 3/2018) |
Trục trặc trong hợp tác
Sau cuộc xâm lược Kuwait của quân đội Iraq dưới thời Saddam Hussein, vào tháng 8/1990, Ryad đã cho phép Mỹ triển khai hàng trăm nghìn quân trên lãnh thổ của mình. Tiếp đến, Saudi Arabia cho phép liên minh quốc tế, dẫn đầu là Mỹ, lập căn cứ tại lãnh thổ của mình để tiến hành cuộc chiến vùng Vịnh vào năm 1991.
Sau đó, máy bay của liên quân đã cất cánh từ các căn cứ ở Saudi Arabia để thực thi một “vùng cấm bay” trên miền Nam Iraq, gây ra một sự phẫn nộ của những người theo trào lưu chính thống Saudi Arabia.
Sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ, quan hệ giữa Ryad và Washington đã bị tổn thương nghiêm trọng bởi 15 trong số 19 tên không tặc đã cướp máy bay và đâm vào tòa tháp đôi ở Mỹ, là những thành viên gốc Saudi Arabia trong mạng lưới khủng bố Al-Qaeda.
Saudi Arabia cũng lên tiếng tố cáo cuộc tấn công này, nhưng bị phía Mỹ cáo buộc đã bí mật tài trợ cho tổ chức cực đoan Hồi giáo. Chính vì thế, Ryad từ chối tham gia vào các cuộc chiến tranh của liên quân do Mỹ dẫn đầu ở Afghanistan vào cuối năm 2001, nhưng sau đó lại tham gia vào cuộc chiến Iraq năm 2003. Cuộc khủng hoảng giữa Mỹ và Saudi Arabia đã khiến Washington di dời căn cứ quân sự sang Qatar.
Khủng hoảng lòng tin
Vào tháng 10/2013, Saudi Arabia tuyên bố từ chối tham gia Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, một hành động chưa từng có để phản đối sự “vô tích sự” của tổ chức này, phản đối Mỹ, đặc biệt là trước thảm kịch Syria. Cụ thể, Ryad, ủng hộ cuộc nổi loạn chống lại Tổng thống Bashar al-Assad, đã không che giấu sự tức giận của họ sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama từ bỏ các cuộc tấn công chống lại chính quyền Damas vào tháng 9/2013.
Thỏa thuận hạt nhân với Iran - đối thủ không đội trời chung của Ryad - tiếp tục làm suy yếu niềm tin của Saudi Arabia với chính quyền Mỹ.
Mỹ “xóa cờ chơi lại”
Không hài lòng trước những việc mà chính quyền Obama đã làm ở Trung Đông, các nhà lãnh đạo Ryad đã nồng nhiệt chào đón sự xuất hiện của Tổng thống Donald Trump.
Vào tháng 5/2017, ông Trump thực hiện chuyến đi đầu tiên ra nước ngoài trên cương vị tổng thống Mỹ, đến Saudi Arabia, quốc gia Hồi giáo dòng Sunni. Tại đây, ông Trump được nước chủ nhà trải thảm đỏ chào đón, nhất là khi người ta biết rằng Tổng thống Donald Trump kêu gọi “cô lập” Iran theo dòng Shiite để ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran ở Trung Đông.
Nhân dịp này, Mỹ và Saudi Arabia công bố hợp đồng trị giá 380 tỉ USD, trong đó 110 tỉ USD tiền Ryad mua vũ khí của Mỹ để chống lại “các mối đe dọa của Iran” và chống lại những nhóm Hồi giáo cực đoan. Cả Washington và Ryad đều cáo buộc Iran hậu thuẫn cho phiến quân vũ trang ở Yemen, nơi Ryad đang dẫn đầu một liên minh quân sự để hỗ trợ chính quyền trung ương.
Ngày 20/3/2018, tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump ca ngợi “tình bạn tuyệt vời” của ông với Thái tử Mohammed bin Salman và hy vọng rằng, Saudi Arabia sẽ “chia sẻ tài sản” cho Mỹ dưới hình thức việc làm và mua thiết bị quân sự. Vào ngày 8/5/2018, Ryad ủng hộ quyết định của Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
Thử thách mới
Nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi đã không xuất hiện trở lại sau khi ông đi vào tòa nhà lãnh sự quán của Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 2/10/2018. Ban đầu người ta nói nhà báo này bị mất tích nhưng sau đó dưới áp lực của truyền thông, giới chính trị các nước phương Tây đã vào cuộc và yêu cầu Saudi Arabia phải có câu trả lời. Tuần trước, Tổng chưởng lý Saudi Arabia, Sheikh Saud Al-Mojeb xác nhận về cái chết của ông Khashoggi. Ông Al-Mojeb giải thích rằng, nhà báo Khashoggi đã bị giết sau một cuộc ẩu đả trong lãnh sự quán.
Tuy nhiên, lời giải thích này không thuyết phục được giới truyền thông và chính khách các nước. Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Đức cho rằng, lý do mà Ryad đưa ra để giải thích về cái chết của nhà báo Khashoggi là không thuyết phục, trong khi Tổng thống Pháp kêu gọi một cuộc điều tra “tỉ mỉ, đáng tin”.
Thậm chí ngày 20/10, Tổng thống Mỹ còn lên tiếng đe dọa trừng phạt Saudi Arabia, ngay cả khi Saudi Arabia là một đồng minh thân cận của Mỹ tại Trung Đông. Tuy nhiên, ông Trump từ chối đặt lại vấn đề về các hợp đồng lớn giữa Mỹ và Saudi Arabia, nhất là thỏa thuận mua bán vũ khí giữa hai nước.
Ngày 20/3/2018, tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump ca ngợi “tình bạn tuyệt vời” của ông với Thái tử Mohammed bin Salman và hy vọng rằng, Saudi Arabia sẽ “chia sẻ tài sản” cho Mỹ dưới hình thức việc làm và mua thiết bị quân sự. |
S.Phương