Ba Lan tích cực tìm cách thoát khỏi khí đốt của Nga
(PetroTimes) - Ngày 24/10, trong một cuộc họp báo, chủ tịch Gazprom, Alexei Miller đã cho biết, từ ngày 1/1 đến 15/10/2018, Gazprom đã giao hàng cho Ba Lan 8,9 tỷ m3 khí đốt – đó là một con số kỷ lục.
Mỹ tính triển khai một sư đoàn xe tăng tới Ba Lan: Nga nổi đóa |
Hoạt động khai thác khí của PGNiG ở nội địa Ba Lan |
Theo đánh giá của ông Miller, Ba Lan là một trong những quốc gia hàng đầu về nhu cầu tiêu thụ khí đốt của Nga - chỉ trong 9 tháng rưỡi vừa qua Ba Lan đã tiêu thụ khí đốt Nga nhiều hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức kỷ lục 8,9 tỷ m3, ngang bằng với mức tiêu thụ khí đốt Nga của cả năm 2015.
Quả thực, Ba Lan là một khách hàng lớn của khí đốt Nga và từ lâu đã sử dụng khí đốt mua của Gazprom để đáp ứng gần như toàn bộ nhu cầu trong nước.
Theo một hợp đồng ký từ năm 1996, mỗi năm Gazprom cung cấp cho Ba Lan trong mức tối đa 10 tỷ m3 khí đốt. Hợp đồng này sẽ hết hạn vào năm 2022 và hiện nay vẫn chưa rõ có được gia hạn hay không.
Hồi tháng 5/2016, người đứng đầu Ủy ban các vấn đề hạ tầng khí đốt và năng lượng thuộc Chính phủ Ba Lan, ông P. Naimsky đã tuyên bố rằng PGNiG (Công ty dầu khí quốc gia Ba Lan) sẽ không có kế hoạch ký kết hợp đồng dài hạn về cung cấp khí đốt (ngụ ý Ba Lan sẽ tự giải quyết vấn đề cung ứng khí đốt bằng nguồn lực của riêng mình).
Nhưng càng đến gần ngày hết hạn hợp đồng với Gazprom, phía Ba Lan càng tỏ ra thận trọng hơn với những lời tuyên bố về khả năng tự cung khí đốt của mình và tỏ ra chưa vội vã chuẩn bị thanh lý hợp đồng với đối tác Nga.
Trong khi Chính phủ Ba lan vẫn còn chưa quyết định dứt khoát là sẽ chấm dứt hay ký tiếp khi hợp đồng với Gazprom hết hạn, PGNiG đã phải bắt đầu tìm kiếm nguồn cung ứng thay thế khí đốt Nga.
Hồi tháng 3/2017, công ty đã công bố chiến lược phát triển trong giai đoạn 2017-2022 với những tiêu chí sau: Nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) qua cảng LNG đang được xây dựng ở Svinouystse; Tận dụng đường ống dẫn khí Baltic Pipe (sắp được xây dựng, nối Ba Lan với Na Uy thông qua Đan Mạch); Tăng cường sản xuất khí cả ở những dự án trong nước và nước ngoài (chủ yếu ở biển Na Uy).
Tất cả những hành động này đều phục vụ một mục đích chung – đa dạng hóa nguồn cung khí đốt cho nhu cầu trong nước.
Tuy nhiên, từng ấy dự định dường như vẫn còn chưa đủ để giải quyết vấn đề.
Nếu trong năm 2017, tỷ trọng khí đốt Nga giảm 18,2% so với năm 2016 và chiếm 70,8% trong tổng lượng mua của PGNiG thì trong 6 tháng đầu năm 2018, tình hình đã đảo ngược.
Trong nửa đầu năm 2018, PGNiG đã mua của Gazprom 6.037 m3 khí đốt, tăng 6,9% so với 6 tháng đầu năm 2017. Điều này đã khiến nhiều chiến lược gia Ba Lan không hài lòng và PGNiG đã phải lý giải rằng sở dĩ phải tăng nhập khẩu khí đốt từ Nga là vì nhu cầu trong nước tăng nhanh – từ 15 tỷ m3 năm 2015 lên 17 tỷ m3 trong năm 2017.
Tuy nhiên PGNiG và Ba Lan nói chung vẫn tích cực tìm kiếm những nguồn cung khác và những nỗ lực ấy đã mang lại một số kết quả nhất định.
Về mặt tự cung, PGNiG đặt nhiều hy vọng vào các lưu vực khí đốt ở vùng đồi núi Podkarpad và vùng đồng bằng Velskopolskaya trên lãnh thổ Ba Lan, và cố gắng gia tăng sự hiện diện của mình trong các dự án liên doanh với nước ngoài ở biển Na Uy và biển Bắc.
Đường ống dẫn khí Baltic Pipe sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2020 và hoàn thành vào năm 2022.
PGNiG cũng có hướng tăng mua LNG. Các hợp đồng mua LNG từ các nhà cung cấp Mỹ thoạt trông có vẻ mang màu sắc chính trị nhưng thực chất vẫn có nhiều ý nghĩa kinh tế.
Giữa tháng 10/2018, PGNiG đã ký hợp đồng dài hạn với Venture Global LNG về việc công ty này sẽ cung cấp cho phía Ba Lan mỗi năm 2 triệu tấn LNG trong vòng 20 năm, và sắp tới đây sẽ ký với Port Arthur một hợp đồng tương tự.
Trong các hợp đồng này không nói rõ về giá cả, nhưng người đứng đầu PGNiG, ông P. Voznyak úp mở rằng Ba Lan mua LNG của Mỹ với giá rẻ hơn 30% so với mua khí thiên nhiên của Nga ở thời điểm hiện tại.
Dĩ nhiên ai cũng biết con số này có phần phóng đại quá đáng, nhưng dù sao thì trên thực tế, Mỹ có khả năng ưu tiên cho Ba Lan một mức giảm giá đáng kể.
Bá Thủy