Triển vọng đầu tư ra nước ngoài
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong năm 2011, Việt Nam đã cấp mới cho 75 dự án đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) tại 26 quốc gia, vùng lãnh thổ và điều chỉnh 33 dự án đầu tư. Tổng vốn đầu tư đăng ký (gồm cả cấp mới và tăng vốn) đạt 2,12 tỉ USD. Vốn thực hiện đạt khoảng 950 triệu USD. Trong đó, đứng đầu là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, với tổng vốn ĐTRNN khoảng 347 triệu USD, thứ 2 là Viettel với tổng vốn ĐTRNN khoảng 185 triệu USD.
Mở hướng tương lai
Cách đây 30 năm, nước ta đã có ĐTRNN đầu tiên tại… Nhật Bản với tổng số vốn đăng ký hơn nửa triệu USD. Hơn 10 năm sau, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới.
Hoạt động ĐTRNN gia tăng khá mạnh mẽ theo thời gian. Giai đoạn 1989-1998 Việt Nam mới có 18 dự án với tổng vốn đăng ký trên 13,6 triệu USD. Đến giai đoạn 1999-2005, số dự án ĐTRNN là 131, với tổng vốn đăng ký đạt trên 700 triệu USD, gấp 7 lần về số dự án và gấp 53 lần về tổng vốn đầu tư đăng ký so với giai đoạn trước.
Sau khi có Luật Đầu tư và Nghị định 78/2006/NĐ-CP, chỉ trong 3 năm từ 2006 đến tháng 12-2008, ĐTRNN tiếp tục có sự phát triển cao với 221 dự án và tổng vốn đăng ký đạt 3,36 tỉ USD.
Theo các chuyên gia, ĐTRNN đã làm cho vị thế của nhiều DN Việt Nam đã được khẳng định và nâng cao trên thị trường thế giới. Các DN Việt Nam đã biết cách tận dụng được lợi thế so sánh để sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường và từng bước tạo dựng được thương hiệu, khả năng cạnh tranh của mình trên thị trường quốc tế.
Dẫn đầu về ĐTRNN thành công là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Tính ra PVN đã đầu tư, góp vốn vào 25 dự án dầu khí ở 18 nước trên thế giới. Tiếp đến là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG). VRG hiện có 16 dự án đầu tư tại nước ngoài với các dự án trồng cao su ở 2 quốc gia láng giềng thân thiện là Lào và Campuchia. Hiện nay, Việt Nam đang là một trong những nước dẫn đầu về đầu tư tại Lào và Campuchia.
Kết quả khả quan
Tính ra, các DN Việt Nam đã đầu tư trên 10 tỉ USD với khoảng trên 700 dự án ở nước ngoài. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các dự án chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực như: khai thác khoáng sản, thủy điện, trồng cây công nghiệp, viễn thông, hàng không…
Viettel là một ví dụ. Sau hơn 12 tháng triển khai xây dựng, ngày 15/5/2012 mới đây, Movitel (liên doanh giữa Viettel và Công ty SPI của Mozambique) đã sở hữu mạng lưới lớn nhất, có vùng phủ rộng nhất tại Mozambique với 1.800 trạm phát sóng (2G-3G) phủ 100% quận, huyện và đường quốc lộ, đóng góp hơn 50% hạ tầng mạng di động của toàn Mozambique. Viettel cũng đã dựng nên một hạ tầng viễn thông bền vững cho quốc gia châu Phi này với 12.600km cáp quang, đóng góp 70% hạ tầng cáp quang của toàn Mozambique. Bên cạnh việc lập kỷ lục về hạ tầng viễn thông, Movitel cũng xây dựng hệ thống kênh phân phối lớn nhất với 50 cửa hàng và 25.000 điểm bán, đại lý đến từng huyện; trung bình, mỗi xã sẽ có 1-2 nhân viên của Movitel phụ trách bán hàng đến tận tay người dùng.
Tại hai nước láng giềng Lào và Camphuchia, mạng di động MetFone (của Viettel tại Campuchia) và Unitel (của Viettel ở Lào) hiện đang dẫn đầu về mạng lưới hạ tầng cũng như số lượng thuê bao. Ở Haiti với thương hiệu Natcom hiện đứng đầu về hạ tầng và xếp thứ 2 về thị phần thuê bao.
Có thể nói, MetFone là điển hình của sự thành công trong ĐTRNN của Viettel. Sau 3 năm hoạt động, hiện MetFone trở thành nhà mạng số 1 về mọi lĩnh vực (hạ tầng mạng lưới, thuê bao, doanh thu). Doanh thu của MetFone năm 2011 đạt 225 triệu USD (gấp 10 lần năm 2010), đóng góp trực tiếp khoảng 2% vào tổng GDP của Campuchia năm 2011. Hiện MetFone cung cấp dịch vụ cho hơn 10 triệu khách hàng, tương đương với 65% dân số Campuchia (chiếm 49% thị phần). Cũng sau 3 năm hoạt động, hiện nay mạng MetFone được các nhà đầu tư quốc tế định giá khoảng 1 tỉ USD, hơn 20 lần số tiền của Viettel đã đầu tư. Trong năm 2011, tổng doanh thu Viettel đạt gần 6 tỉ USD với hơn 60 triệu thuê bao đang hoạt động trên toàn cầu. Viettel nằm trong nhóm 15 công ty lớn nhất thế giới về số lượng thuê bao.
Vào dịp cuối năm 2011, PVN và Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Nga – Việt (Rusvietpetro) đã đón dòng dầu công nghiệp đầu tiên được khai thác trên lãnh thổ Nga tại thành phố Narian Mar – thủ phủ Khu tự trị Nenetsky (Liên bang Nga).
Mới đây, vào ngày 19/4/2012, PVN cũng đã chính thức khai thác tiếp mỏ dầu đầu tiên tại Venezuela. Sự kiện này là kết quả của hơn 4 năm đàm phán, chuẩn bị, triển khai thực hiện đầu tư của PVN sang Venezuela.
Theo ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc PVN, lô Junin 2 là mỏ dầu có trữ lượng lớn, tới hơn 31 tỉ thùng dầu nằm cách thủ đô Caracas hơn 800km, có diện tích 247,7km², nằm trên vành đai dầu mỏ khí đốt Oricono (vành đai này có trữ lượng lớn thứ nhì thế giới và lô Junin 2 có trữ lượng lớn nhất).
Dự kiến năm 2013, toàn lô Junin 2 sẽ cho sản lượng khoảng 200.000 thùng/ngày và phía PVN được hưởng 80.000 thùng (40%) theo tỉ lệ góp vốn. Việc khai thác được dầu tại lô Junin 2 sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam trong vòng 25 năm nữa.
Năng động và cẩn trọng
Theo Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện nay có khoảng 100 dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia, với tổng vốn đầu tư đăng kýá là 2,1 tỉ USD.
Chỉ riêng năm 2011, vốn đăng ký ĐTRNN của doanh nghiệp Việt Nam tại nước này đã đạt trên 1 tỉ USD, tăng hơn hai lần so với năm 2010. Hiện Campuchia đứng thứ hai trong tổng số hơn 55 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam là nhà đầu tư lớn thứ ba tại nước này, sau Trung Quốc và Thái Lan.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng có hơn 200 dự án đầu tư tại Lào, với tổng vốn đăng ký đạt 3,3 tỉ USD, đứng thứ ba trong các nước có đầu tư tại nước này, sau Trung Quốc và Thái Lan. Năm 2011, vốn đăng ký đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại đây trên 500 triệu USD, tăng 15% so với năm 2010. Hiện Lào đứng vị trí thứ nhất trong tổng 55 nước và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam.
Đáng chú ý là hầu hết các dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào và Campuchia đều thuộc lĩnh vực lâm nghiệp, nông nghiệp, năng lượng, khoáng sản, viễn thông, ngân hàng… Trong lĩnh vực xăng dầu, PV Oil Lào trong 16 tháng hoạt động đạt doanh thu 138 triệu USD, lợi nhuận trước thuế đạt 3,5 triệu USD. PV Oil Lào phát triển thêm được 12 cửa hàng xăng dầu, đưa số lượng cửa hàng xăng dầu trong hệ thống lên 77 cửa hàng tại 12/17 tỉnh thành của Lào, mở rộng được nhiều khách hàng công nghiệp lớn và quan trọng. Tính đến hết năm 2011, các dự án đầu tư tại Lào và Campuchia của VRG đã trồng được tổng cộng 70.609ha cao su. Theo đó 15 dự án tại Campuchia đã trồng được trên 41.588ha và 9 dự án tại Lào trồng được trên 28.920ha.
Nhìn lại việc ĐTRNN của các doanh nghiệp Việt Nam chúng ta thấy các tập đoàn lớn như PVN, Viettel, Cao su, Hoàng Anh – Gia Lai… đều có kết quả khả quan, mở ra triển vọng tăng cường đầu tư ra nước ngoài trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc ĐTRNN trong tình hình kinh tế thế giới đầy biến động đòi hỏi các tập đoàn kinh tế và DN nước ta cần hết sức thận trọng và nhạy bén để hoạt động này ngày càng hiệu quả, mở rộng ảnh hưởng của các DN Việt Nam trên trường quốc tế.
Minh Nghĩa