Lộn xộn thị trường gas dân dụng: Chất chưa đi đôi cùng với lượng
Chưa bao giờ tình trạng mất an toàn trong sử dụng, kinh doanh gas lại đáng lo ngại như hiện nay. Nhiều vụ cháy nổ đều xuất phát từ nguyên nhân rò rỉ khí gas do sang chiết trái phép, hay mua phải gas kém chất lượng.
Vụ lợi bất chấp tất cả
Một bài học đã cũ, từ thực tế có cầu phải có cung, một phần do người tiêu dùng (NTD) sử dụng loại bếp gas mini do giá thành rẻ, tiện lợi cho việc nấu ăn nên việc sang chiết gas vào bình gas du lịch rất thông dụng. Khảo sát nhanh tại nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống, loại bình này được sử dụng khá phổ biến. Nhìn những bình gas đã cũ, có những chiếc gỉ sét như sắp thủng mà vẫn được dùng mới thấy sự nguy hiểm như thế nào. Những “quả bom mini” đó luôn trong tình trạng sẵn sàng phát nổ đe dọa tính mạng NTD.
Không khó để có thể phát hiện ra những chủ cửa hàng nhỏ lẻ tự mua dụng cụ về để sang chiết gas rồi bán hoặc đổi cho khách hàng. Vì lợi nhuận nên bất chấp nguy hiểm đến tính mạng, họ vẫn tự sang chiết gas hàng ngày từ bình nọ sang bình kia. Anh Trần Mạnh Quang, chủ một cửa hàng tạp hóa tại quận Long Biên cho biết, nếu bán hàng mà không kèm theo bán những bình gas nhỏ thì mất khách, bởi khách hàng ra mua gạo, thức ăn, tiện thể đổi luôn cả bình gas. Biết là nguy hiểm nhưng vẫn cứ tự tay sang chiết gas để tăng thêm ít lợi nhuận.
Anh Nguyễn Đình Thành, ở đường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội cho hay, việc kiểm tra bình gas trong gia đình anh thường không thực hiện, bởi phải 2 tháng nhà mới thay một bình, nên ít để ý. Chính do tâm lý khách hàng đa số như vậy nên việc kiểm tra gas thiếu hụt cân, hay gas kém chất lượng đối với người tiêu dùng thường lơi lỏng.
Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh gas cảnh báo: Trên thị trường hiện nay, không loại trừ những cơ sở kinh doanh gas dỏm, thiếu trọng lượng, không đúng chất lượng của thương hiệu ghi trên bình gas. Đối với loại gas giả mạo chất lượng gas kém, đun nấu nhanh hết, vỏ bình, phụ kiện giả thật sự là quả bom nổ chậm đối với NTD. Ngoài ra, giá gas thời gian qua biến động liên tục, nhưng các đại lý thường không niêm yết giá trên bình gas, nên người tiêu dùng chỉ trả tiền theo yêu cầu của nhân viên khi đi giao hàng mà không biết ngày hôm đó giá gas đã giảm. Đây là kiểu làm ăn rất mập mờ của các đại lý gas và nạn nhân không ai khác là NTD.
Có thể thấy, các vụ lừa bán gas thiếu cân đã xảy ra lâu nay và không hề có dấu hiệu suy giảm. Nhóm lừa đảo này không ở một vị trí cố định mà luôn di chuyển địa bàn hoạt động nhờ sử dụng điện thoại di động. Theo nhân viên một số công ty kinh doanh gas, nhóm lừa đảo này thuê nhà và sang chiết gas từ các bình 45kg vào bình 12kg. Có nhóm dùng luôn xe tải nhỏ chuyên chở gas từ địa bàn này sang địa bàn khác.
Trước thực trạng này, nhiều địa phương đã có nhiều biện pháp kiên quyết kiểm tra xử lý triệt để vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh, sử dụng gas. Nhiều công ty kinh doanh gas đã tổ chức một số hệ thống phân phối hàng theo khu vực, đưa hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng, khách hàng chỉ cần gọi điện thoại sẽ có nhân viên công ty giao hàng tận nhà. Ngoài ra, các công ty còn sử dụng loại tem đặc biệt của Viện Khoa học Hình sự – Bộ Công an để chống hàng giả. Loại tem này chỉ sử dụng được một lần, khi bóc ra, tem sẽ bị rách.
Để người tiêu dùng phân biệt giữa hàng giả – hàng thật, nhiều doanh nghiệp đã tổ chức đợt thông tin, quảng bá yêu cầu các đại lý cam kết không kinh doanh bình gas trái phép. Nhân viên kỹ thuật đến từng hộ gia đình sử dụng gas của đơn vị để kiểm tra an toàn cũng như phát hiện bình gas lậu. Để tránh bị lừa đảo, các gia đình nên mua hàng của các công ty gas có thương hiệu, khi mua gas cần biết địa chỉ đại lý, cửa hàng gas, không nên chỉ gọi qua điện thoại, khi tiếp cận các tờ rơi quảng cáo, cần cảnh giác hỏi kỹ địa chỉ vì phần lớn chỉ in số điện thoại di động. Nếu thấy khả nghi phải yêu cầu xem giấy tờ, thẻ của nhân viên đưa gas và kiểm chứng số điện thoại đường dây nóng của đại lý gas.
Luật đã mạnh nhưng khó thực thi
Qua số liệu tổng hợp từ các vụ vi phạm trong thời gian qua, nạn sang chiết gas trái phép đã gây ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng tiêu thụ, uy tín thương hiệu của các công ty chân chính mà còn ảnh hưởng tới tính mạng sức khỏe của người tiêu dùng. Các biện pháp chế tài khi xử lý các hành vi vi phạm trong việc kinh doanh sang chiết gas trái phép hiện nay không đủ sức răn đe vì mức phạt quá thấp so với lợi nhuận lớn từ những bình gas giả mang lại. Số vụ vi phạm nhái nhãn hiệu, gas giả ở mức nghiêm trọng được khởi tố điều tra truy tố xét xử rất thấp…
Theo báo cáo của lực lượng quản lý thị trường, tình trạng gian lận trong kinh doanh gas hiện đang diễn ra phổ biến chủ yếu ở các vùng cách xa khu dân cư nên lực lượng chức năng khó kiểm soát. Để phát hiện được các trường hợp vi phạm nêu trên, lực lượng quản lý thị trường đã phải mất rất nhiều thời gian và công sức.
Các quy định về hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh gas tại Nghị định 107/2009/NĐ-CP ngày 26/11/2009 của Chính phủ và một số Thông tư của Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ khá đầy đủ để điều chỉnh hạn chế việc sang chiết gas trái phép tạo nên môi trường và điều kiện thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính trong quá trình hoạt động sản xuất và kinh doanh. Thế nhưng có một nghịch lý, kết quả kiểm tra hàng năm của các cơ quan chức năng (Đoàn kiểm tra liên ngành thuộc Ban Chỉ đạo 127 địa phương…), cũng như thông tin từ các hãng PV Gas, Petrolimex… có sản lượng tiêu thụ trên địa bàn cho thấy mức độ sang chiết, kinh doanh gas trái phép ngày càng nghiêm trọng, như: kinh doanh không có đăng ký, không có giấy phép đủ điều kiện kinh doanh; không đủ định lượng, sang chiết gas lậu bán lẫn lộn với gas thật gây thiệt hại cho người tiêu dùng, vì trọng lượng luôn thiếu từ 2-5kg gas/bình 12kg. Việc giải quyết các vụ vi phạm chỉ đếm trên đầu ngón tay, mức xử phạt quá nhẹ không có sức răn đe bởi thiếu hành lang pháp lý, làm thiếu niềm tin cho NTD.
Nghị định 105 quy định rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Ủy ban Nhân dân các cấp và Cơ quan Quản lý thị trường (QLTT). Trong đó, Đội trưởng Đội QLTT có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 5 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 30 triệu đồng… Chi cục trưởng Chi cục QLTT được phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 20 triệu và tước quyền sử dụng các loại giấy chứng nhận như đủ điều kiện kinh doanh gas, đủ điều kiện nạp gas vào vỏ bình, kiểm định vỏ bình…
Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng ban Pháp chế của Hiệp hội Gas Việt Nam cho rằng, quy định mới sẽ giúp thiết lập lại thị trường gas, tạo sự an tâm, an toàn cho xã hội. Vấn đề bây giờ chỉ là thực thi chứ không phải là không có công cụ như trước. Ông Thành dẫn chứng, trước đây, có trường hợp bắt được 2.000 vỏ gas giả mà các cơ quan không biết xử thế nào, cuối cùng chỉ áp dụng được mức phạt hành chính 2 triệu đồng, chẳng thấm tháp vào đâu.
Bên cạnh đó, tình trạng sang chiết gas lậu diễn ra tràn lan, không chỉ làm Nhà nước thất thu, doanh nghiệp thiệt thòi mà còn gây mất an toàn cho NTD. Những câu chuyện đau lòng ở Bình Dương, Hà Nội… bài học nhãn tiền vẫn còn đó. Người tiêu dùng hãy luôn tự bảo vệ mình, các cơ quan thực thi có công cụ rồi thì xử lý cho nghiêm.
(Xem tiếp kỳ sau)
Mạnh Kiên