Bé 22 tháng tuổi tử vong khi truyền dịch tại phòng khám tư
(PetroTimes) - Sau khi truyền dịch khoảng 15 phút tại phòng khám tư, bé 22 tháng tuổi đã lên co giật, tím tái rồi tử vong.
Khởi tố vụ bệnh nhi tử vong vì điều dưỡng tiêm nhầm |
Bé 30 tháng tuổi tử vong do viêm não mô cầu |
Bệnh nhân có thể chết vì thiếu dinh dưỡng |
Theo người nhà bệnh nhân kể lại, chiều ngày 16/10, cháu N.G.B, 22 tháng tuổi biểu hiện sốt, tiêu chảy đã được bố mẹ đưa đến khám tại phòng khám tư của bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc (ở 392 Ngô Gia Tự, quận Long Biên, Hà Nội) để truyền dịch. Trước đó, ngày 15/10, cháu cũng đã được đưa đến đây và được chỉ định uống thuốc nhưng không đỡ.
Người trực tiếp truyền dịch cho cháu là bác sĩ Cúc. Nhưng mới truyền được khoảng 15 phút, cháu có biểu hiện sốc, tím tái, cứng đơ người. Lúc đó bố cháu là anh Nguyễn Đình Dân đang bế cháu đã vội vàng gọi bác sĩ kiểm tra. Bác sĩ chạy từ trên gác xuống đồng thời gọi xe cấp cứu đến bệnh viện Đức Giang song không kịp, cháu đã tử vong ngoại viện.
Anh Nguyễn Đình Tuân, chú ruột của cháu B. kể: “Cháu chỉ bị viêm họng và tiêu chảy. Ngoài ra cháu hoàn toàn khỏe mạnh, không có bệnh tật gì, ít khi bị bệnh đường hô hấp, 22 tháng nặng 17kg. Chỉ mới đây thời tiết thay đổi cháu mới bị ốm. Đây là lần đầu tiên cháu truyền dịch”.
Anh Tuân kể tiếp: “Khi bố mẹ cháu đưa cháu đến khám, bác sĩ bảo bệnh nặng. Nặng mà lại giữ lại tiếp nước cho cháu? Đáng nhẽ trong hoàn cảnh ấy thay vì giữ cháu lại phòng khám bác sĩ phải khuyến cáo đưa đi viện. Vậy mà bác sĩ lại giữ lại tiếp nước cho cháu”.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết ông mới biết thông tin về vụ việc, đầu giờ chiều có thông tin cụ thể.
Phòng khám của bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc |
Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho hay lãnh đạo phòng đã nhận được thông tin và cử cán bộ phòng y tế quận phối hợp với Công an TP Hà Nội để làm rõ sự việc.
Ông Cường cũng nhận định cháu bé tử vong sau khi truyền dịch là lời cảnh tỉnh cho những người có thói quen tự ý đi truyền dịch tại phòng khám tư tại gia đình, nơi thiếu các thiết bị, điều kiện y tế trong trường hợp cần cấp cứu.
Cũng trao đổi với báo chí, bác sĩ Kim Cúc, người trực tiếp truyền dịch cho cháu G.B. cho biết bản thân chị đang vô cùng rối bời. Theo bác sĩ Cúc, sự việc diễn ra quá nhanh, chỉ 15 phút sau khi truyền dịch cháu có biểu hiện sốc.
"Khi sự việc ngoài ý muốn xảy ra, bản thân là người làm nghề tôi rất đau lòng, rất muốn chia sẻ với gia đình. Nhưng gia đình cháu đang căng thẳng thì chưa biết làm cách nào để chia sẻ với gia đình cháu. Làm ngành y chúng tôi chỉ biết hết sức nhiệt tình với bệnh nhân, mong muốn cứu người. Đây là sự việc không mong muốn, người bác sĩ cũng đau không kém người nhà bệnh nhân, thậm chí ám ảnh cả đời chứ không phải vì đồng tiền. Cả đêm hôm qua tôi không ngủ được, làm việc với công an đến 3h sáng. Bây giờ tôi cảm thấy đang rất bối rối, chỉ biết làm theo sự hướng dẫn của cơ quan điều tra và chờ kết quả giám định pháp y", bác sĩ Kim Cúc Cúc nói.
Theo UBND Phường Đức Giang, cơ sở khám chữa bệnh của bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc có đầy đủ giấy phép hành nghề.
Hiện nay, Công an quận Long Biên (Hà Nội) đã tiến hành niêm phong phòng khám tư do bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc phụ trách tại quận Long Biên, TP Hà Nội để điều tra làm rõ vụ việc.
Nguyễn Hưng