Nga bàn chuyện cung khí đốt cho Azerbaijan
(PetroTimes) - Ngày 12/10 người đứng đầu Gazprom A. Miller và chủ tịch SOCAR R. Abdullayev đã có cuộc gặp gỡ và làm việc tại St. Peterburg, bàn về tình hình cung cấp khí đốt của Nga cho Azerbaijan.
Azerbaijan: Mỏ Absheron và Karabakh dự kiến sẽ khai thác vào năm 2021 |
SOCAR Azerbaijan tăng cường hiện diện ở Bangladesh |
Chủ tịch SOCAR R. Abdullayev (trái) và chủ tịch Gazprom A. Miller |
Trong cuộc hội đàm, người đứng đầu hai công ty đã xác nhận rằng từ ngày 22/11/2017, xuất khẩu khí đốt Nga đến Azerbaijan được tiếp tục thực hiện, Gazprom đã cung cấp cho quốc gia này 1,15 tỷ m3 khí, và giờ đây hai bên đi sâu thảo luận về triển vọng tiếp tục phát triển hợp tác theo hướng này.
Được biết, Gazprom bắt đầu cung cấp khí đốt cho Azerbaijan trong giai đoạn từ năm 2000-2006.
Nhưng rồi nguồn cung cấp đã được dừng lại do sự ra mắt của mỏ khí Shah-Deniz ở Azerbaijan.
Sau đó, hướng của dòng khí đã thay đổi. Vào tháng 10/2009, Gazprom Export và SOCAR đã ký một hợp đồng trung hạn cung cấp khí thiên nhiên từ Azerbaijan cho Nga trong giai đoạn 2010-2015 thông qua điểm giao hàng Shirvanovka trên biên giới Nga - Azerbaijan.
Trong giai đoạn 2010-2015, Nga đã mua 5,4 tỷ m3 khí của Azerbaijan.
Năm 2015, Gazprom Schweiz AG, một công ty con của Gazprom Export, đã lại giao hàng cho Công ty Methanol Azerbaijan (AzMeCo). Tổng cộng 107,4 triệu m3 khí được cung cấp theo hợp đồng.
Ngày 21/11/2017, Gazprom Export và SOCAR đã ký hợp đồng cung cấp khí đốt cho Azerbaijan.
Như vậy, Azerbaijan được “bọc lót” an toàn trong trường hợp thiếu khí đốt của mình do việc cắt giảm sản lượng khai thác khí, đồng thời dễ dàng bán được hàng của mình khi sản xuất thặng dư.
Năm 2016, Azerbaijan sản xuất 29,3 tỷ m3 khí, năm 2017, sản lượng giảm 2,6% xuống còn 28,598 tỷ m3, mặc dù theo dự kiến là phải tăng lên đến 29,5 tỷ m3.
Và Azerbaijan thực sự cần khí để đảm bảo sự ổn định của nguồn cung cấp khí đốt từ Azerbaijan đến châu Âu thông qua hệ thống đường ống Hành lang khí đốt phía Nam (SGC).
Công suất của SGC là 16 tỷ m3/năm, trong đó 6 tỷ m3 dành cho Thổ Nhĩ Kỳ và 10 tỷ m3 dành cho châu Âu.
Một trong những mắt xích của SGC - đường ống dẫn khí Trans-Anatolian (TANAP) – đã bắt đầu hoạt động vào ngày 12 tháng 6 năm 2018.
Ngoài ra, SOCAR còn có kế hoạch tăng nguồn cung cấp khí đốt cho Gruzia (Georgya) lên khoảng 30%.
Cần lưu ý rằng sự ra mắt sắp tới của các dự án truyền tải khí đầy tham vọng như Dòng chảy phương Bắc-2, Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, Sức mạnh Siberia 1, 2, 3… cũng buộc Nga phải tìm kiếm mạng lưới an toàn cho nguồn khí đốt. Vì thế, gần đây Gazprom đã chủ động hòa giải mọi mâu thuẫn với các đối tác Turkmenistan để tiếp tục mua khí đốt từ quốc gia có trữ lượng khí đứng hàng thứ tư thế giới này.
Bá Thủy