Phim Việt: Bại bởi chiêu trò phản cảm
(PetroTimes) - Nếu không hội tụ đủ những yếu tố cần và đủ để có một bộ phim hay, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả mà chỉ dựa vào chiêu trò để câu khách, nhất là chiêu trò rẻ tiền, tất yếu phim sẽ thất bại.
Bao giờ hết “đốt đuốc” đi tìm biên kịch giỏi? | |
Phim Việt - "Sao" mới vụt sáng |
Dù được đánh giá là bộ phim có thông điệp khá tốt, nhưng sau khi ra rạp, “Chú ơi, đừng lấy mẹ con” lại có doanh thu rất thấp. Bà Phan Thị Kim Dung - nhà sản xuất phim phải cay đắng cho rằng, phim có khả năng lỗ tới 20 tỉ đồng vì kinh phí sản xuất đã tới 25 tỉ đồng. Sau khi nhà sản xuất tuyên bố kiện hai diễn viên thì lượng khán giả có tăng nhưng vẫn không kịp… cứu lỗ.
Chuyện lùm xùm bắt đầu từ việc An Nguy và Kiều Minh Tuấn bất ngờ úp mở chuyện “phim giả, tình thật”. Điều đáng nói, thông qua sự sắp xếp của Cát Phượng (người quản lý đồng thời bạn gái của Kiều Minh Tuấn), hai người này đã có cuộc trả lời phỏng vấn công khai thừa nhận có tình cảm với nhau trong quá trình đóng phim “Chú ơi, đừng lấy mẹ con”.
Cảnh trong phim “Chú ơi, đừng lấy mẹ con” |
Trong cuộc trò chuyện, An Nguy còn rơi nước mắt vì tự thấy mình có lỗi khi không kiềm chế được cảm xúc dành cho bạn diễn, trong khi Kiều Minh Tuấn lại lập lờ nói về việc tình cảm giữa người tình cũ Cát Phượng và người tình mới An Nguy. Bởi vậy, “chuyện tình tay ba” éo le này bị dư luận nghi ngờ là chiêu trò để đánh bóng tên tuổi, một chiêu PR cho phim mới. Và cũng từ đây, làn sóng tẩy chay “Chú ơi, đừng lấy mẹ con” lan rộng trên mạng xã hội.
Phim rơi vào tình trạng ế nặng, nhà sản xuất phim “dọa” kiện hai diễn viên vì cho rằng họ là nguyên nhân chính khiến phim ế ẩm. Lý do mà nhà sản xuất đưa ra là hai diễn viên đã vi phạm hợp đồng, bởi trước khi quay phim, hai diễn viên đã cam kết rất rõ trong điều khoản diễn viên phải bảo vệ hình ảnh của mình trước công chúng, không được tự ý phát ngôn “sốc” làm ảnh hưởng đến phim.
Cũng theo nhà sản xuất, ngay khi phim ra rạp, nhà sản xuất đã xác định dù kết quả doanh thu thế nào thì vẫn cứ khởi kiện hai diễn viên và tuyên bố không bao giờ hợp tác với Kiều Minh Tuấn và An Nguy vì “không có tâm với phim”. Vụ kiện nhằm yêu cầu Kiều Minh Tuấn, An Nguy nhận trách nhiệm và bồi thường thiệt hại do mình gây ra. Đây cũng là cách để nhà sản xuất chứng minh cho khán giả thấy họ không móc nối với diễn viên để tạo chiêu trò PR không lành mạnh.
Kiều Minh Tuấn và An Nguy yêu nhau thật hay chỉ là chiêu trò nhằm quảng bá phim? Nhà sản xuất có thực sự đứng ngoài cuộc? Câu trả lời có lẽ chỉ người trong cuộc mới rõ.
Thực tế, “phim giả, tình thật” vốn đã là một chiêu quá cũ kỹ. Không chỉ riêng lĩnh vực điện ảnh mà bất cứ lĩnh vực nghệ thuật nào, nghệ sĩ mỗi khi cho ra sản phẩm mới, hoặc “người mới” muốn được công chúng nhớ mặt, đặt tên… cũng đều phải nghĩ tới chiêu trò gây chú ý. Có những chiêu trò hiệu quả, đó có thể là những điểm nhấn đặc biệt trong sản phẩm, cũng có thể là một sự kiện đáng chú ý nào đó nhân dịp sản phẩm ra mắt… Chiêu trò trong showbiz nhiều vô hạn, hay hoặc dở tùy thuộc vào cái đầu tính toán, sáng tạo của mỗi người.
Chiêu trò của Kiều Minh Tuấn - An Nguy có lẽ sẽ không trở nên “cay đắng” đến vậy nếu không dại dột động chạm vào vấn đề tình cảm, về “người thứ ba”, vốn là vấn đề khá nhạy cảm rất dễ bị phản ứng từ dư luận. Vậy mới nói, chạy theo lối mòn và dễ dãi là hại chính mình!
Là bộ phim được giới chuyên môn đánh giá cao, “Song Lang” có lẽ không thất bại thảm hại trong doanh thu phòng vé nếu khâu quảng bá không quá chạy theo thị trường ở chỗ nhấn mạnh vào “tình yêu đồng tính”.
Hay thất bại cay đắng mà có lẽ đến bây giờ nhà sản xuất phim “Lửa Phật” cũng không muốn nhắc tới vì thời điểm ra mắt, phim khiến nhiều khán giả lên tiếng muốn tẩy chay vì cho rằng đó chỉ là một sản phẩm quảng cáo rượu trá hình… Sự thất bại của “Chú ơi, đừng lấy mẹ con” có nhiều lý do mà scandal tình ái Kiều Minh Tuấn - An Nguy chỉ là chất xúc tác. Trong thời đại thông tin như hiện nay, việc quảng bá cho sản phẩm vừa dễ vừa khó. Dễ vì có nhiều kênh để tiếp thị, nhưng cũng chính vì vậy, người làm nghề cần cẩn thận để kiểm soát thông tin. Khán giả văn minh và hiểu biết hơn về thông tin quảng bá nên họ biết lựa chọn, chắt lọc chứ không “cả tin” như trước. Quảng bá một sản phẩm nghệ thuật làm sao để vừa gây chú ý nhưng đừng phản cảm và coi thường khán giả, đã đến lúc cần lắm sự tinh tế.
“Chuyện tình tay ba” éo le bị dư luận nghi ngờ là chiêu trò để đánh bóng tên tuổi, một chiêu PR cho phim mới. Và cũng từ đây, làn sóng tẩy chay “Chú ơi, đừng lấy mẹ con” lan rộng trên mạng xã hội. |
Huy An