Bớt nhũng nhiễu và méo mó, doanh nghiệp mới hết cảnh sợ
Chuyên gia Đinh Tuấn Minh cho rằng, gặp môi trường thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng… thì doanh nghiệp nhỏ sẽ phát triển lên thành doanh nghiệp lớn một cách tự nhiên. Nếu còn thiên vị đơn vị này đơn vị kia, đặc quyền đặc lợi cho doanh nghiệp này doanh nghiệp kia từ đầu vào đất đai, vốn… cho đến đầu ra thì môi trường ngày càng méo mó. Làm nản lòng doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc. Bên cạnh đó cũng đừng có nhũng nhiễu, để họ yên tâm làm ăn… như vậy là “hỗ trợ” lắm rồi.
Ông Đinh Tuấn Minh: Một môi trường kinh doanh chưa thực sự bình đẳng, cạnh tranh, có nhiều rủi ro về thể chế, pháp lý... khiến khu vực doanh nghiệp tư nhân sợ “lớn”. |
Đánh giá về vai trò kinh tế tư nhân nhân kỷ niệm 14 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2018), nhiều chuyên gia cho rằng khu vực này dù đã gia tăng và đóng góp lớn vào GDP nhưng vẫn chưa tương xứng với nền kinh tế thị trường.
Đến nay Việt Nam mới có 4 tỷ phú USD, rất ít so với thế giới và chưa có doanh nghiệp nào ngấp nghé doanh nghiệp top đầu. Chiếm đại đa số vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ trong cơ cấu nền kinh tế.
Trao đổi với Dân trí, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, giám đốc nghiên cứu Công ty nghiên cứu thị trường VietAnalytics cho rằng, thời gian qua những nỗ lực cải cách tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh trở nên thông thoáng đã góp phần đẩy mạnh khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Theo đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới ngày càng gia tăng, tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Sự cải thiện này còn thể hiện qua nhiều thông số, chỉ tiêu khác được các tổ chức trong và ngoài nước thừa nhận. Tuy nhiên, mức cải thiện dù có nhưng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
Vì sao quy mô kinh tế tư nhân Việt Nam vẫn còn nhỏ, chưa xứng với tiềm năng? Trả lời câu hỏi này, chuyên gia Đinh Tuấn Minh nói:
- Có rất nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên trước hết phải nói tới một thực tế, đó là hầu hết những doanh nghiệp lớn trong những ngành nghề quan trọng hiện nay đều là do doanh nghiệp nhà nước chi phối.
Trong gần hai thập kỉ qua nhiều DNNN đã được cổ phần hoá, tuy nhiên quá trình này được đánh giá là còn chậm và chưa triệt để. Hầu hết các doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn là nhà nước chiếm tỉ lệ sở hữu chi phối, được hưởng nhiều ưu đãi và giữ thế độc quyền trong nhiều lĩnh vực.
Hy vọng duy nhất đẩy nhanh quá trình này sắp tới đó là “siêu” ủy ban quản lý vốn nhà nước sẽ thực hiện tốt vai trò của mình. Khi tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng hơn thông qua xóa bỏ đặc quyền về tiếp cận tín dụng, đất đai, hỗ trợ giá, chế độ ngân sách mềm… đối với các DNNN, hiệu quả của nền kinh tế sẽ được nâng lên.
Một nguyên nhân khác cũng được chúng ta đề cập đến khá nhiều và đến nay cũng chưa nhiều thay đổi, đó là câu chuyện “doanh nghiệp sợ không dám lớn”.
Một môi trường kinh doanh chưa thực sự bình đẳng, cạnh tranh, có nhiều rủi ro về thể chế, pháp lý... khiến khu vực doanh nghiệp tư nhân sợ “lớn”. Và để giải quyết vấn đề này, cần tạo được niềm tin cho doanh nghiệp bằng những nỗ lực thực sự.
Một vụ việc mới đây thu hút sự quan tâm của dư luận, đó là câu chuyện doanh nghiệp bị kiểm tra, thanh tra rồi làm cho “rùm beng” sau đó lại được “minh oan”. Điều này cho thấy cách làm việc của cơ quan quản lý nhà nước đang có “vấn đề”, có phải đây chính là những rủi ro khiến nhiều người sợ lập doanh nghiệp hoặc lập rồi cũng không muốn “lớn” trong mắt cơ quan quản lý?
-Cách làm việc đó cho thấy sự tùy tiện, thiếu quy trình. Nó khiến các doanh nghiệp bấy lâu nay “ngại” thanh tra, kiểm tra lại càng sợ hơn. Điều đáng buồn là phong cách làm việc này là kết quả của một hệ thống, không hề lẻ tẻ chỉ một vài vụ.
Có ý kiến cho rằng doanh nghiệp không cần lời nói suông, không cần hỗ trợ mà điều họ cần chỉ là một môi trường kinh doanh thực sự công bằng, lành mạnh?
- Đúng như vậy. Bản thân những người đi kinh doanh, họ chấp nhận cạnh tranh, họ cố gắng phục vụ tốt để bán được hàng hoá, dịch vụ. Mong muốn cạnh tranh công bằng, lành mạnh là mong muốn cao nhất của các doanh nghiệp.
Gặp môi trường thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng… thì doanh nghiệp nhỏ sẽ phát triển lên thành doanh nghiệp lớn một cách tự nhiên. Nếu còn thiên vị đơn vị này đơn vị kia, đặc quyền đặc lợi cho doanh nghiệp này doanh nghiệp kia từ đầu vào như đất đai, vốn… cho đến đầu ra như chỉ định thầu thì môi trường ngày càng méo mó. Làm nản lòng doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc. Bên cạnh đó cũng đừng có nhũng nhiễu, để họ yên tâm làm ăn… như vậy là “hỗ trợ” lắm rồi.
Ông vừa có đề cập đến câu chuyện bình đẳng. Nhân kỷ niệm 30 năm thu hút FDI vào Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc điều chỉnh lại hướng thu hút FDI, bớt “thiên vị” các doanh nghiệp ngoại bằng cách đưa ra nhiều ưu đãi, thay vào đó tập trung phát triển doanh nghiệp trong nước?
- Trong thời gian vừa qua chúng ta thu hút FDI theo hướng tạo điều kiện ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hơn rất nhiều doanh nghiệp trong nước, trong đó có ưu đãi về thuế, đất đai. Doanh nghiệp tư nhân họ muốn bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài, đây là đòi hỏi chính đáng.
Tôi cho rằng, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài chỉ trừ một số trường hợp rất đặc biệt, còn tất cả những doanh nghiệp khác vào Việt Nam đều phải chịu các điều kiện giống doanh nghiệp trong nước. Rõ ràng cứ ưu đãi quá nhiều cho FDI sẽ tạo ra sự cạnh tranh kém công bằng. Mọi thứ hãy công bằng với mọi doanh nghiệp, từ yêu cầu khắt về về môi trường, công nghệ... Đừng phân biệt.
Thuế Bảo vệ môi trường với xăng dầu vừa được quyết định sẽ tăng chính thức từ 1/1/2019. Quyết định này gây nhiều lo ngại sẽ tạo nên gánh nặng rất lớn đối với doanh nghiệp, bởi khi giá cước vận tải tăng sẽ kéo giá cả các mặt hàng khác tăng theo. Theo ông, chính sách thuế nếu có điều chỉnh thì nên theo hướng như thế nào để giảm bớt gánh nặng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, nâng cao hơn sức cạnh tranh doanh nghiệp mà vẫn cân đối được ngân sách?
Khi không cắt giảm được số chi và các khoản chi, bắt buộc phải tăng thu để cân đối ngân sách. Do vậy, nếu chúng ta không giảm chi được thì không còn cách nào khác ngoài phải tăng thu, tăng thu không được thì buộc phải tăng vay. Nhưng vay thì vướng vào trần nợ công. Do vậy, tăng thu vẫn là phương án dễ hơn.
Tôi từng nêu quan điểm không ủng hộ việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu thay vào đó tăng thuế VAT. Xét về mặt xã hội, thì đối tượng chịu thuế của điều chỉnh VAT có tính công bằng hơn việc tăng thuế môi trường. Vì xăng dầu là loại hàng hóa cơ bản nên tăng thu thông qua đánh vào xăng dầu khiến cho người nghèo người giàu đều phải trả hết.
Trong khi đối với thuế VAT, người nghèo có thể giảm bớt chi tiêu các hàng hóa xa xỉ để giảm nghĩa vụ đóng thuế. Người giàu có xu hướng chi tiêu nhiều cho hàng hóa xa xỉ nên sẽ đóng góp thuế nhiều hơn. Hơn nữa, thuế bảo vệ môi trường sẽ có tác động thẳng đến doanh nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thời gian tới, chính sách thuế nếu được điều chỉnh nên theo hướng giảm các thuế liên quan đến quá trình sản xuất của doanh nghiệp như thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp… nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Nếu có tăng thuế thì nên “đánh” vào khâu tiêu dùng.
Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Theo Dân trí
Doanh nghiệp Nga tăng cường hoạt động ở Đức |
Doanh nghiệp xã hội: Hợp lực tạo tác động thúc đẩy nền kinh tế bền vững |
Tăng trưởng kinh tế: Trông chờ ở "đàn sếu lớn" trong khối doanh nghiệp tư nhân |