1.135 tỷ phân bổ thế nào cho chương trình Sữa học đường TP HCM
Tổng kinh phí thực hiện chương trình trong hơn hai năm, dự kiến phục vụ gần 900.000 trẻ mẫu giáo và học sinh lớp 1.
HĐND TP HCM vừa thông qua cơ chế hỗ trợ ngân sách để thực hiện đề án chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh giai đoạn 2018-2020.
Theo dự toán thực hiện đề án của UBND TP HCM, kinh phí uống sữa trong hai năm học là gần 1.135 tỷ đồng. Bảng cơ cấu kinh phí của dự án cho thấy, phụ huynh sẽ đóng góp 50% (khoảng 547 tỷ đồng), ngân sách nhà nước 30% (gần 349 tỷ) và doanh nghiệp sữa hỗ trợ 20% (khoảng 239 tỷ).
Tính theo khoảng thời gian thực hiện, năm học này, chương trình sẽ sử dụng gần 500 tỷ đồng phục vụ hơn 381.000 trẻ mẫu giáo ở 24 quận huyện và học sinh lớp 1 ở 5 huyện (Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi). Năm học tới, chương trình sẽ thực hiện đại trà cho hơn 492.000 trẻ mẫu giáo và học sinh lớp 1 của tất cả quận huyện với kinh phí còn lại.
Trong tổng kinh phí cho chương trình này có 5,5 tỷ đồng mua kệ chứa và bảo quản sữa; gần 1,3 tỷ đồng kinh phí tập huấn. Kinh phí mua trang thiết bị cần thiết tại kho bảo quản và duy trì kho bảo quản sữa tại các trường đảm bảo an toàn theo quy định.
Đơn giá một hộp sữa 180ml tạm tính là 7.018 đồng, nếu giá sữa trên thị trường giảm thì đơn vị cung cấp sữa sẽ giảm theo.
Nhiều lưu ý khi triển khai
Ông Tăng Hữu Phong (Phó bí thư Quận ủy Tân Phú) thống nhất sự cần thiết của đề án Sữa học đường nhưng băn khoăn hiện đã hết nửa học kỳ 1 năm học 2018-2019, thời gian thực hiện đề án còn khá ngắn.
"Làm thế nào để đảm bảo thực thi được đề án trong thời gian ngắn đó?", ông Phong đặt vấn đề và cho rằng cần có sự đồng thuận của người dân trong cơ cấu, kinh phí thực hiện đề án này. Theo ông, 50% có thể là gánh nặng với nhiều phụ huynh khó khăn. Chưa kể, nhu cầu về dưỡng chất cho học sinh cũng khác nhau, kiểm soát điều này rất khó.
Ông Tăng Hữu Phong, Phó bí thư Quận ủy Tân Phú phản biện đề án chương trình Sữa học đường tại kỳ họp bất thường ngày 8/10 của HĐND TP HCM. |
Ông Phong cũng băn khoăn về tính khả thi trong thiết kế hệ thống phân phối và cơ sở vật chất phục vụ đề án. Bởi theo đề án, chỉ riêng kệ để chứa và bảo quản sữa đã hết 5,5 tỷ đồng, dùng trong hai năm thì chưa hợp lý.
Nhiều đại biểu HĐND TP HCM khi thảo luận về đề án đã bày tỏ băn khoăn, đề nghị cần công khai, minh bạch trong đấu thầu nhà cung cấp nếu không sẽ gây tai tiếng với xã hội. Ông Vương Đức Hoàng Quân (đại biểu HĐND TP HCM) cho rằng, thành phố cần cân nhắc tiêu chí lựa chọn nhà thầu.
"Theo đề án, nhà cung cấp sữa là doanh nghiệp đạt danh hiệu thương hiệu quốc gia nhưng hiện chỉ 2 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn", ông Quân nêu và đề nghị làm rõ tỷ lệ chiết khấu của doanh nghiệp cho các đại lý nhằm xác định tỷ lệ hỗ trợ 20% của nhà sản xuất đối với chương trình thực chất ra sao. Thành phố cần xem xét, tính toán lại cơ cấu đóng góp trong dự toán kinh phí của phụ huynh, ngân sách và doanh nghiệp.
Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Tấn Bỉnh băn khoăn về vấn đề xử trí nếu trẻ dị ứng sữa. Với phần lớn trẻ, sữa tiệt trùng được sử dụng như nhau, không có sự khác biệt. Còn trẻ bị béo phì, việc tham gia chương trình này không ảnh hưởng nhiều đến các em bởi liều lượng sữa sử dụng mỗi ngày là một hộp 180 ml.
Mục tiêu của UBND TP HCM đặt ra cho chương trình Sữa học đường là 100% phụ huynh, người chăm sóc học sinh; 90% trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học (các trường công lập, ngoài công lập) và trẻ học lớp mẫu giáo độc lập tư thục tham gia đề án.
Chương trình sẽ đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ, tỷ lệ protein động vật, protein tổng số khẩu phần trẻ em tham gia đạt trên 40%; đáp ứng nhu cầu sắt, canxi; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân dưới 4,4%; thể thấp còi dưới 6,8%. Sữa được dùng là loại tiệt trùng có đường hoặc không đường.
Theo VnExpress