Nỗi lo lạm phát khi xăng dầu xác lập mặt bằng giá mới
Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được xây dựng với kịch bản giá dầu thô 50 USD một thùng nhưng nay nó đã vượt 90 USD, thậm chí 100 USD.
Từ đầu năm, sau 18 đợt điều chỉnh (trong đó có 6 đợt tăng), giá xăng đã tăng gần 2.650 đồng một lít. Đến nay, giá bán lẻ vượt 22.000 đồng với RON 95 và gần 21.000 đồng với E5 RON 92. Đây cũng là mức giá cao nhất từ đầu năm đến nay.
Theo Bộ Công Thương, nhiều thời điểm trong 15 ngày giữa 2 đợt điều hành giá, xăng RON 92 và dầu diesel thành phẩm trên thị trường Singapore đã vượt 90 USD và 100 USD một thùng, thiết lập mặt bằng giá mới trong 4 năm qua.
Đợt tăng giá này, theo Tổng cục Thống kê, sẽ trực tiếp tác động lên chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 và tháng 11/2018 bởi xăng dầu là mặt hàng chiến lược trong nhiều lĩnh vực tiêu dùng, sản xuất.
Các chỉ số vĩ mô như tăng trưởng, lạm phát... năm 2018 được Quốc hội thông qua trên cơ sở kịch bản xây dựng với giá dầu thô 50 USD một thùng, giá dầu thành phẩm 60 USD. Vì thế, khi mặt bằng giá thế giới đã lên 90-100 USD, lãnh đạo Tổng cục Thống kê khẳng định "dứt khoát sẽ tác động tới CPI".
Lạm phát năm nay có thể sẽ được kiềm giữ dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra, song với kịch bản giá dầu thế giới vẫn leo thang sẽ không thể không tác động đến nền kinh tế, đẩy lạm phát qua năm 2019.
Trong báo cáo mới công bố về ngành dầu khí, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết nguồn cung dầu dự kiến ở mức vừa phải cho đến năm 2020, dẫn đến một triển vọng giá dầu sẽ cao hơn. VCSC dự báo giá dầu trung bình năm 2019 khoảng 80 USD một thùng.
Giá thế giới tăng cao, chắc chắn sẽ kéo theo trong nước phải điều chỉnh. Cùng với đồng USD đang tăng giá, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, đây sẽ là những yếu tố thách thức với nền kinh tế.
Một yếu tố khác được ông Dương Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Thống kê tài khoản quốc gia nhắc tới là thuế bảo vệ môi trường. Từ 1/1/2019, mỗi lít xăng phải gánh thêm 1.000 đồng thuế môi trường, lên 4.000 đồng; dầu diesel tăng lên 2.000 đồng và dầu hỏa 1.000 đồng.
"Tăng giá xăng dầu, thuế bảo vệ môi trường sẽ tác động tới CPI, làm giảm phần nào tăng trưởng vì chi phí sản xuất tăng lên, giá trị gia tăng giảm đi", ông Hùng đánh giá.
Cùng với nguyên liệu này, nhiều ý kiến cho rằng, giá cả hàng hóa sinh hoạt cũng có thể thiết lập một mặt bằng mới.
Lần đầu tiên sau 2 năm, giám đốc một doanh nghiệp chuyên phân phối thực phẩm sạch tại Hà Nội đã phải gửi thông báo tới đối tác về việc tăng giá 10% từ tháng 11, do đầu vào bị đẩy lên quá cao. Với các mối hàng bán sỉ thân quen, doanh nghiệp cố giữ giá tới hết năm. "Buộc phải thông báo tăng giá bán cho đối tác là cực chẳng đã, nhưng cũng không còn cách nào khác. Nhưng từ đầu năm sau nếu giá cả vẫn tăng cao thì chúng tôi phải tăng đồng loạt", vị này nói và cho rằng chịu thiệt thòi nhất là người tiêu dùng khi sẽ phải mua hàng với giá đắt hơn.
Chiếm gần 40% trong cơ cấu giá thành của ngành vận tải nên giá xăng dầu tăng sẽ tác động lớn đến chi phí, giá dịch vụ vận tải. Chưa kể, thuế môi trường đối với xăng dầu sẽ được điều chỉnh tăng kịch khung lên 4.000 đồng mỗi lít, nhà kinh doanh vận tải "đã khó càng thêm khó". "Khi giá xăng tăng, khách hàng sử dụng các dịch vụ vận tải hàng hóa cũng phải chịu thêm chi phí”, ông Bùi Danh Liên - Giám đốc Hợp tác xã vận tải Thăng Long lo ngại.
Theo VnExpress.net