Hà Nội trước ngày đón đoàn quân giải phóng vào tiếp quản
Nhiều người Hà Nội hồi hộp không ngủ, bí mật may cờ đỏ sao vàng trong những căn nhà đóng kín cửa, tránh giặc Pháp phát hiện.
Sống lại khoảnh khắc Thủ đô ngày giải phóng | |
“Giải phóng Thủ đô - Mốc son lịch sử" qua tư liệu sách, báo |
Đã 64 năm trôi qua kể từ ngày Trung đoàn Thủ đô tiến vào tiếp quản Hà Nội, nhưng nhiều cựu binh và người dân đất Thăng Long vẫn nhớ như in không khí vừa háo hức chờ đợi, vừa căng thẳng, lo lắng trong những ngày tháng 10 năm 1954 đó.
Để chào đón quân kháng chiến trở về, chàng thanh niên Lê Văn Ba đã bí mật tổ chức in tờ báo Tiền Phong 16 trang để kịp phát cho mọi người vào sáng 10/10.
Ông kể, hồi đó chỉ có mấy anh em thanh niên cứu quốc xúm nhau vào cùng làm. Ông vừa là phóng viên lấy tin, viết bài, vừa tập hợp, biên tập và đưa bài lên trang, liên hệ với các hoạ sĩ làm bìa, mang đi in. Người khác thì viết xã luận, tin tức. Nhóm còn vận động được nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ sáng tác bài hát Mừng giải phóng thủ đô dành riêng cho ngày lịch sử sắp tới và kịp in lời trên báo.
Vì máy móc còn thô sơ, nên ông phải in bìa ở một nơi, ruột báo ở nơi khác rồi mang về ghép lại với nhau.
Những toán lính Pháp cuối cùng trên phố hàng Bông, Hà Nội tháng 10/1954. Ảnh tư liệu |
“Tôi đã chuẩn bị bài vở trước đó vài ngày, mua giấy, mực từ các văn phòng phẩm và in nhờ tại xưởng của một nhà tư sản yêu nước. Ngay đêm trước quân ta tiến về, chúng tôi đã in xong hơn 1.000 số báo, phân phát các nơi khắp nội thành”, ông Ba kể.
Số báo ấy ngoài thông tin đến nhân dân thời gian quân giải phóng vào tiếp quản thủ đô, còn giải thích các chính sách của Chính phủ cách mạng. “Có kẻ phao tin khi quân Việt Minh vào tiếp quản Hà Nội sẽ cắt tóc, nhổ móng tay nữ sinh, bắt công chức... khiến nhiều người rất sợ hãi”, ông Ba nhớ lại.
Vì vậy, báo nói rõ với người dân Hà Nội rằng sau giải phóng, trường học sẽ mở cửa trở lại, công chức được giữ nguyên lương và không ai bị cắt tóc, nhổ móng tay như lời đồn đại.
Trên nhiều tuyến phố, sau khi quân Pháp rút gần hết, những cổng chào bằng tre nứa phủ vải, lá dừa được cấp tốc dựng trong đêm. Cổng chào ở trước cửa đền Ngọc Sơn to, đẹp nhất.
“Đó là những khải hoàn môn chào đón đoàn quân chiến thắng trở về sau 9 năm xa thủ đô”, ông Ba nói trong niềm xúc động.
Trước ngày tiếp quản, ông Vũ Tiến Bằng là chiến sĩ tiểu đoàn 172, F350, được cử vào Hà Nội cùng công nhân đấu tranh không cho lính Pháp mang máy móc của bệnh viện Phủ Doãn đi.
Còn ông Dương Tự Minh, tham gia đoàn thanh niên cứu quốc Hà Nội, bí mật cùng bạn tù Hoả Lò đã thoát ra ngoài làm cờ, hoa, khẩu hiệu chuẩn bị đón quân kháng chiến.
“Tình hình thủ đô lúc đó rất căng thẳng. Khu nhà tôi sống ở Lương Yên đêm nào cũng có kẻng báo động. Khi đó quân Pháp đã rệu rã nhưng có thể bắt chúng tôi bất cứ lúc nào”, ông Minh nhớ lại.
Những đêm thấp thỏm
Nhà sử học Vũ Dương Ninh khi đó là học sinh cấp 3 trường Chu Văn An hăng hái tham gia hoạt động bí mật. Công việc của ông thường ngày là "nghe tin tức từ đài phát thanh của ta, rồi phổ biến cho bạn bè, mọi người".
“Càng gần ngày tiếp quản thủ đô, trong thành phố xuất hiện một số xe jeep cắm cờ đỏ sao vàng cùng chiến sĩ giải phóng quân. Đó là những người lính vào thành phố tiền trạm, chuẩn bị cho việc tiếp quản. Chúng tôi cực kỳ ngạc nhiên và thích thú truyền tai nhau tin tức ấy”, ông Ninh kể.
Những đêm trước ngày quân giải phóng tiến vào tiếp quản thủ đô là những đêm căng thẳng, thấp thỏm khó ngủ của người Hà Nội. Những học sinh hoạt động bí mật như ông Vũ Dương Ninh phải rất đề phòng để không bị Pháp bắt. “Trong lòng những người Hà Nội ai cũng háo hức chờ đợi đoàn quân giải phóng, nhưng phải cố gắng kìm nén vì lính Pháp có thể gây sự”, ông Ninh nói.
Buổi tối, đường phố vắng tanh, nhà nào cũng đóng kín cửa, im lặng chờ đợi. Thi thoảng mới có người hé cửa ngó xem ngoài phố có động tĩnh gì hay không. Nhà ông Ninh có bố và hai anh đều theo kháng chiến, nên mỗi tối cả nhà ngồi quây quần ngóng theo từng mẩu tin tức từ radio.
Dù còn nhỏ, nhưng khi đó nhà văn Lê Phương Liên vẫn ấn tượng sâu sắc với không khí Hà Nội thời khắc ấy. Trong những căn nhà đóng kín cửa, người dân bí mật mua giấy, vải may cờ đỏ sao vàng và tìm chỗ cất giấu.
Còn trên đường phố, những toán lính Pháp cuối cùng tiếp tục rút qua cầu Long Biên. “Nhà tôi trên phố Hàng Dầu. Tôi nghe rất rõ tiếng giày đinh lính Pháp nện xuống đường phố rầm rập và tiếng còi xe jeep phóng trên đường Đinh Tiên Hoàng trong đêm. Cảm giác rất ghê sợ”, nhà văn Lê Phương Liên nhớ lại.
"Ba không" của người lính giải phóng
Trong khi người Hà Nội bí mật chuẩn bị tiếp đón quân giải phóng trở về, thì ở ngoại thành, những người lính cũng bồn chồn chờ giây phút được tiến vào thủ đô.
Hơn một tháng trước ngày tiếp quản, chiến sĩ Trần Quốc Hanh cùng Trung đoàn 57, sư đoàn 304 được vinh dự nhận lệnh về tiếp quản Hà Nội. Trung đoàn hành quân từ thị xã Sơn Tây về Chúc Sơn, Chương Mỹ chuẩn bị.
Cựu binh Trần Quốc Hanh. Ảnh: VT. |
Dù phía Việt Nam và Pháp đã ký kết các điều khoản tiếp quản, nhưng các chiến sĩ như ông Hanh vẫn được tập luyện kỹ lưỡng các tình huống tác chiến trong thành phố, đề phòng quân Pháp trở mặt.
“Cấp trên yêu cầu chúng tôi thực hiện nghiêm kỷ luật khi vào thành phố. Phải làm cho dân tin tưởng vào Đảng, Chính phủ, quân đội. Không để địch lợi dụng phá hoại quan hệ quân dân. Tôi vẫn nhớ lời Bác Hồ dặn trong thư gửi trung đoàn, có người không gục ngã trước những viên đạn của quân thù, nhưng lại gục ngã trước những viên đạn bọc đường”, người cựu binh năm xưa nhớ lại.
Lính trung đoàn 57 chủ yếu là thanh niên quê Thanh Hoá, Nghệ An, nên có người từ bé đến khi vào Hà Nội thậm chí còn chưa biết bật, tắt công tắc điện, cách dùng nhà vệ sinh... Mỗi chiến sĩ đều được hướng dẫn cách thức sinh hoạt, đi lại trong thành phố rất tỉ mỉ.
Ông Hanh vẫn rất nhớ một trong ba điều kỷ luật khi tiếp quản thủ đô là không ra phố một mình; không được phiền nhiễu, xin ăn của dân; lên xe phải từ tốn, nhường dân.
Quân giải phóng vào tiếp quản Hà Nội tháng 10/1954. Ảnh tư liệu |
Ngày 9/10, trung đoàn 57 bắt đầu tiến về Hà Nội theo 4 hàng dọc. Hai bên đường, nhân dân mang cờ hoa đổ ra đón như trẩy hội.
“Nhưng đến Phùng Khoang, Thanh Xuân, chúng tôi nhận được tin quân báo là Pháp đang dàn 4 xe tăng ở Ngã Tư Sở. Chỉ huy trung đoàn hội ý và sắp thành hai hàng đi hai bên đường tiếp tục tiến vào. Súng vác trên vai được lệnh hạ xuống cầm tay, sẵn sàng chiến đấu”, ông Hanh nhớ như in khoảnh khắc căng thẳng đó.
Đến Ngã Tư Sở, sĩ quan Pháp thông báo đó chỉ là nghi thức tiếp đón quân ta một cách trang trọng. Vậy là xe tăng Pháp dẫn đầu cùng đoàn quân giải phóng tiến về tiếp quân sân bay Bạch Mai.
“Đêm đầu tiên sau 9 năm xa cách, tôi trằn trọc không ngủ được. Hà Nội là nơi tôi sinh ra và lớn lên, có bao người thân yêu đang đón đợi tôi về”, ông Hanh chia sẻ.
Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, quân đội nhân dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève (20/7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, đồng thời rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam. Đúng 16h ngày 9/10/1954, những người lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên. Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh quân lớn ca khúc khải hoàn tiến vào trung tâm Hà Nội. Dẫn đầu đoàn quân chiến thắng là những chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô giương cao ngọn cờ "Quyết chiến - Quyết thắng". |
Theo VnExpress.net
"Nụ cười Hà Nội" qua ảnh | |
Những hình ảnh đẹp về lực lượng Công an Thủ đô | |
Sống lại khoảnh khắc Thủ đô ngày giải phóng | |
“Giải phóng Thủ đô - Mốc son lịch sử" qua tư liệu sách, báo |