Lạc vào “thánh địa” đồ nội thất cũ ở Sài thành
Phải gọi đoạn đường Bình Long, ngay cạnh nghĩa trang Bình Hưng Hòa (TPHCM) là một “thánh địa” đồ nội, ngoại thất cũ. Cánh thợ xây dựng thường ra đây hoặc “chỉ điểm” cho chủ nhà tự ra chọn hàng.
Lạc vào “thánh địa” đồ cũ ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa
Rất dễ tìm ra địa điểm này vì khi đến đây, cả một thế giới đồ cũ bày ra trước mặt, đặc trưng nhất vẫn là hình ảnh các chủ cửa hàng ngồi cọ rửa bồn cầu cũ, mông má lại như mới.
Dọc tuyến đường Bình Long, đoạn qua nghĩa trang Bình Hưng Hòa có thể dễ dàng nhìn thấy nhiều cửa hàng bán đồ cũ |
Cánh thợ xây khu vực Bình Chánh, Bình Tân, Hóc Môn… thường tìm đến đây để tìm mua đồ nội ngoại thất đã qua sử dụng |
Theo cánh thợ xây dựng, thế giới này cũng “thượng vàng hạ cám”, nhìn mặt mà “đặt tên”. “Bọn tôi đi mua thì ít khi nào bị hét giá, còn được cho tiền cà phê nếu bán được hàng”, anh Phạm Văn Hòa, một thợ xây ở Vĩnh Lộc A chia sẻ.
Theo chân anh Hòa, chúng tôi đi vào “thánh địa” của đồ nội, ngoại thất cũ. Ghé lại cửa hàng đầu tiên, người phụ nữ đang ngồi cọ rửa chiếc bồn cầu hỏi loạt câu hỏi rất “chuyên nghiệp”: “Mua gì anh ơi vào lựa đi, cái gì cũng có, giá khoảng bao nhiêu, loại tốt hay thường…”.
Một chiếc bồn cầu đang được cọ rửa dang dở |
Anh Hòa bảo có bồn cầu nào mới mới không, người phụ nữ chỉ vào một chiếc trên kệ và ra giá 1.500.000 đồng. Sau khi xem xét, anh Hòa ra hiệu cho tôi tra cứu giá trên mạng theo mã của sản phẩm thì chỉ chênh lệch có 300.000 đồng. Người bán liền giải thích vì đây là bồn cầu còn rất mới, do người ta chuyển văn phòng, sử dụng chưa lâu nên giá khá cao.
Những chiếc bồn cầu mới nhìn qua khó nhận biết đã qua qua sử dụng. Chúng được mông má lại như mới. Theo một chủ cửa hàng chia sẻ, những chiếc khi mua về còn nguyên tem nhãn thì giá trị cao hơn vì người mua dễ dàng tra cứu giá sản phẩm mới để so sánh |
Những chiếc không có tem nhãn có giá rẻ hơn. “Cũng không thể chắc những cái có tem là hàng chất lượng, tem nhãn kia có thật theo sản phẩm hay không. Nói chung, ưng mắt thì mua”, anh Nguyễn Văn Út, thợ xây ngụ xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh chia sẻ. |
Chú ý linh kiện theo sản phẩm còn đủ hay không rất quan trọng, tránh “lời qua tiếng lại” khi lỡ mua sản phẩm thiếu đồ |
Bước ra khỏi cửa hàng, người phụ nữ kia khẳng định hàng đây bao chất lượng, không chỗ nào có, đi một vòng cũng quay lại thôi. Anh Hòa thợ xây lẳng lặng nổ máy chạy sang cửa hàng khác.
Anh Hòa chia sẻ: “Người không biết đi mua rất dễ bị lầm. Tôi còn chưa hỏi là nó đủ linh kiện hay không nữa, thấy hét giá quá thì đi chỗ khác xem thử. Xây nhà cấp 4 thì mua hàng vừa vừa túi thôi, 2-3 triệu xài được rồi nhưng phải chịu khó đi lùng mới có đồ tốt, giá hời…”
Đến cửa hàng thứ 2, vừa thấy chiếc bồn cầu nguyên khối, xả nước bằng nút nhấn (xả nước bằng cần gạt giá rẻ hơn) của một thương hiệu lớn, người bán chốt giá 3.500.000 đồng và anh Hòa mua luôn. Kiểm tra thử giá trên mạng thì chiếc bồn cầu mới có giá gần 8 triệu đồng. Với con mắt nhà nghề của một thợ xây thì anh Hòa không phải suy nghĩ nhiều.
Sơ sơ cũng mất hơn hai giờ đồng hồ đi tìm mua bồn cầu, chúng tôi dừng lại trước một bãi đất chất đầy tôn và bồn nước. Bồn ở đây đủ cả, bồn đứng, bồn nằm, có thương hiệu, không thương hiệu, ngoại hình trơn tru, móp méo… tôn thì có đủ từ màu, kẽm, dài ngắn đa dạng, giá tầm 40.000 đồng/m.
Anh Hòa giật mình hỏi: “Tôn mới cũng chỉ từ bốn mấy ngàn đến bảy chục, tôn cũ mà cao vậy?”. Người bán trả lời tỉnh queo: “Thế mà không có hàng để bán ấy chứ!”.
Một bãi tập kết tôn trên đường Bình Long |
“Mua ở đây phải có dân biết coi hàng đi cùng, đừng có vội, nhìn hàng rồi còn phải tham khảo giá. So giá mới và giá cũ rồi so hàng của các chỗ bán với nhau. Đi mua đồ cũ là phải chịu cực, nếu không là về không được như ý đâu”, anh Hòa chỉ kinh nghiệm.
Một khách hàng đang vận chuyển chiếc bồn cầu vừa chọn được, hình ảnh khá quen thuộc trên cung đường này |
Các “thượng đế” xây nhà cần gì ra đây cũng có, không có thì đặt hàng, chủ cửa hàng sẽ săn lùng. Và khi khách hàng không thể vận chuyển được thì dịch vụ ba gác sẵn sàng “ứng chiến”, đương nhiên chi phí là khách tự chịu.
Theo Dân trí
Săn hàng ở chợ đồ cũ Hà Thành | |
Đổ xô đi săn "hàng độc" ở chợ đồ cũ |